Nếu bạn có cơ hội chứng kiến một ngày trọn vẹn của bà mẹ bỉm sữa, thì bạn sẽ hiểu tường tận “cơn ác mộng” chăm con nhỏ là như thế nào. Bạn cũng sẽ hiểu tại sao đồng nghiệp của mình vốn xưa kia dễ thương đẹp đẽ là thế mà từ khi có con lại biến thành bà mẹ đầu bù tóc rối, luôn trong tình trạng hớt ha hớt hải, có cơ hội là trốn sếp chuồn về sớm vài chục phút. Những câu chuyện của các bà mẹ có con nhỏ, chỉ xoay quay duy nhất một chủ đề, đó là con. Cái chủ đề đó dài dòng bất tận, vô vàn thứ để thắc mắc, than vãn hoặc có khi chỉ để kể cho thỏa mãn cái sự làm mẹ khó khăn này.
Suy cho cùng cũng là do bản thân mình mà ra. Mẹ Việt nổi tiếng yêu và chăm con nhất thế giới, nhưng vất vả khổ sở thì cũng không ai sánh bằng. Thế nên mới cần có bí quyết, để giúp các bà mẹ bỉm sữa, có được sự thảnh thơi, an nhàn trong hành trình làm mẹ dài đằng đẵng, và để việc nuôi con trở thành một niềm vui, một sự tận hưởng, một món quà đáng giá cho tinh thần. Quan trọng là, bạn có chịu làm theo những bí quyết ấy không?
1. Vứt cái cân đi
Khi chuẩn bị đồ sơ sinh, một trong những vật dụng không thể không mua là cái cân. Chẳng hiểu vì lý do gì mà cái cân luôn đi liền với em bé. Và cũng không hiểu nguyên cớ nào mà mọi người luôn mặc định cân nặng càng nhiều thì sức khỏe càng tốt. Đừng hàng tháng cân con rồi ghi ghi chép chép vào “bảng theo dõi”. Cũng đừng định nghĩa cân nặng, chiều cao bằng sự khỏe mạnh, thông minh của con. Chỉ khi nào vứt được cái cân, không quan trọng cân nặng của con, bạn mới có thể nuôi con một cách nhẹ nhàng và đúng đắn.
2. Không so sánh con với con nhà hàng xóm
Mỗi trẻ có một mốc phát triển khác nhau, xét về cả sức khỏe lẫn trí tuệ. Đừng thấy con nhà hàng xóm bụ bẫm hơn, cao hơn mà cho rằng con mình kém phát triển, mình chăm con không khéo. Có rất nhiều bà mẹ mắc sai lầm này, để rồi tự mình làm cho mình căng thẳng. Nào là ép con ăn nhiều, mua thuốc bổ, đầu tư mua sữa ngoại đắt tiền để con “bằng bạn bằng bè”. Cũng đừng thấy con nhà hàng xóm biết đi sớm, biết nói sớm, biết hát nhiều bài hát mà vội quy kết con mình kém cỏi. Nên nhớ con có thể chậm ở kỹ năng này, nhưng lại giỏi hơn ở kỹ năng khác.
3. Đừng bao giờ tin vào lời khuyên hay kinh nghiệm chăm con của bất cứ ai
Hãy cứ tiếp nhận những lời khuyên hay kinh nghiệm chăm con của những người đi trước. Nhưng đừng vội áp dụng. Tìm hiểu xem nó có khoa học và chính xác hay không đã.
4. Có kiến thức chăm sóc trẻ căn bản
Trước khi bước vào hành trình gian nan này, hãy trang bị kiến thức chăm con cho bản thân mình. Để làm gì ư? Để không hoang mang trước vô vàn cách chăm con, để tự quyết định khi nào nên cho con đi khám và để tự tin rằng mình là một bà mẹ có trách nhiệm. Thật buồn cười khi thấy nhiều mẹ lên các diễn đàn phụ nữ, xin tư vấn từ bất kỳ người xa lạ, về bệnh của con hay sức khỏe nói chung của con. Nếu bạn hành xử như vậy, chỉ khiến mọi chuyện rối tung, thậm chí còn gây hại cho con khi áp dụng những cách chữa bệnh vô căn cứ.
5. Tiêm phòng đầy đủ cho con
Tiêm phòng là cách duy nhất và cũng hiệu quả nhất giúp trẻ phòng các loại bệnh chưa có thuốc chữa. Không ít mẹ kém hiểu biết sợ tiêm phòng con sẽ bị sốt, bị ốm nhưng sốt nhẹ là phản ứng hoàn toàn bình thường sau khi chích ngừa. Hãy tuân thủ đầy đủ và cho con đi chích ngừa định kỳ theo sổ tiêm chủng.
6. Trước khi mang thai mẹ cũng cần tiêm phòng
Trước khi mang thai mẹ cũng cần tiêm phòng đầy đủ. Mũi phổ biến nhất là sởi-quai bị -rubella. Nhưng ít mẹ nào để ý đến việc tiêm phòng cúm. Theo các bác sỹ chuyên khoa, việc tiêm phòng cúm trước khi mang thai không chỉ giảm nguy cơ mẹ mắc cúm trong thai kỳ, mà còn giúp phòng bệnh cúm cho con sau chào đời trong 6 tháng đầu tiên.
Việt Hà/TT
Theo Emdep.vn