Cu Ka được ba tuổi Hà đã xin phép bố mẹ chồng được dọn về ở cùng chồng, lý do đưa ra là tiện cho việc đi làm và để vợ chồng con cái được gần nhau. Song nguyên nhân cốt lõi là vì Hà nhận thấy cu Ka hay được ông bà chiều quá, dễ trở nên hư thân. Hà muốn tự lập, muốn được tự tay nuôi dạy con, chồng Hà cũng đồng tình với vợ.
Nhớ năm Ka hai tuổi, Hà muốn con đi nhà trẻ cho vào nề nếp, ông bà cũng rảnh rang, nhưng bà không chịu. Bà kể đủ những khổ sở của bọn trẻ ở đó, như cô giáo không quan tâm để chúng lê lết bẩn thỉu, giun sán, rồi thì nguy hiểm rình rập, bắt cóc, xe cộ… Hà thở dài nghe theo. Nhưng rồi càng lớn Ka càng khó bảo, cái gì đòi cũng phải bằng được mới thôi.
Thấy đứa bé hàng xóm có cái thắt lưng, Ka liền đòi bố mua bằng được. Bố lắc đầu, nó chạy sầm sập vào trong nhà ôm chiếc ô tô nhựa bố vừa mua, đập cho vỡ tan tành. Bà tiến đến, tưởng sẽ vỗ về chỉ dạy cháu, ai ngờ chạy ngay vào bếp mắng: “Con mẹ Hà đâu, sao có cái thắt lưng mà không mua cho nó!”. Rồi bà chạy ra dỗ dành cháu: “Chờ bà mua cho nhé!”.
Hà bần thần cả người, cảm thấy vừa ức chế với mẹ chồng vừa giận cả con. Hà nghĩ đừng tưởng trẻ con không biết gì, vòi được một lần tất sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Nó đã có món võ là khóc, hét và ném thì sau sẽ còn nhiều món “độ” hơn nữa, không mau mau hóa giải, vô hiệu chúng thì nguy.
Không thể phủ nhận những tình cảm và sự quan tâm săn sóc lớn lao của ông bà dành cho mẹ con Hà, song nếu đi quá đà sẽ không tốt cho việc hình thành nhân cách của trẻ. Đã bao lần Hà nói với mẹ đừng nuông chiều cháu quá nhưng bà lườm: “Có mỗi đứa cháu chứ nhiều nhặn gì mà để nó thiếu thốn, cũng có bao giờ nó đòi cái đắt tiền đâu”.
Có khi Hà vừa nghiêm mặt với con nói không được mua đôi giày này khi đang giữa mùa hè, vậy mà cu cậu đã kịp chạy sang năn nỉ bà nội. Lát sau thì tung tẩy ra khoe mẹ với gương mặt đắc thắng và có khi chỉ lát sau thôi nó đã vứt đôi giày lăn lóc do nóng quá. Đâu hề gì, miễn là cái tôi, cái sở thích nhất thời của nó được thỏa mãn và nó đã biết nhận thức ai là người có thể đáp ứng các yêu cầu của mình.
Một trăm cái lợi nhưng chỉ vì một cái hại cho tương lai của con cũng khiến Hà không đành lòng. Hà phải quyết tâm.
Sau khi dọn đến ở tập thể, tuy hơi chật chội nhưng vợ chồng bảo nhau cố gắng, Hà xin cho con học vào trường mầm non gần nơi Hà công tác, Ka bán trú ở đó, chiều mẹ đi làm về đón.
Ảnh: Images |
Mới đầu đứa trẻ nào cũng khóc lóc, không muốn đi, nhưng rồi với thái độ kiên quyết của mẹ, biết là khó lay chuyển nên Ka miễn cưỡng đến lớp và mãi cũng quen. Ở đây, Ka học cách chia sẻ đồ chơi với bạn bè, biết ăn, ngủ, ngồi bô đúng giờ, được tham gia nhiều trò chơi cùng các bạn và đặc biệt Ka được học các bài hát mà mỗi lần về biểu diễn lại nhận vô số tràng pháo tay giòn giã của bố mẹ, nên rất vui.
Ở nhà mẹ dạy Ka cách cắt chong chóng, gấp và làm các con vật bằng giấy, bằng gỗ, bằng đất màu… đỡ tiền mua đồ chơi. Mẹ còn hướng dẫn Ka giữ gìn đồ dùng và cất vào đúng chỗ. Không như ngày trước, bà thương cháu nên cứ đi đằng sau để dọn.
Hà cũng hạn chế mua đồ chơi, chỉ cái nào Ka thích và thực sự cần thiết, không nguy hại đến sự phát triển của trẻ, Hà mới mua, không có chuyện thích gì nằng nặc đòi bằng được.
Tuần vừa rồi Hà đưa con về, bà nội đi chợ dẫn cả Ka đi cùng. Về bà thở hắt ra nói: “Cu Ka lạ thật, bảo mua cho cái này cái kia cứ nhất quyết bảo để cháu về hỏi mẹ, nhà cháu còn nhiều đồ chơi lắm”.
Hà mỉm cười nghĩ thầm, không biết bà nội có hay là cháu bà đã “người lớn” rồi không. Còn Hà thì thấy tự hào về “công trình” của mình lắm lắm!