Có con là một điều tuyệt vời và được cùng con trải nghiệm từng giai đoạn phát triển đầu đời lại là một niềm hạnh phúc của các ba mẹ.
Tuy nhiên, có một số giai đoạn phát triển khá phức tạp của con nhỏ mà mẹ phải dạy dỗ, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để yêu thương và dạy con cho đến khi thành thục. Đặc biệt là giai đoạn dạy con tập đi, tập nói, tập ăn. Dạy con tập ngồi bô cũng là một trong những giai đoạn khó khăn mà nhiều bà mẹ phải “vật lộn”.
Tập cho con ngồi bô là một quá trình chuyển đổi từ đóng tã, bỉm sang quá trình tập ngồi bô, tự thân vận động, tự ý thức mỗi lần có nhu cầu. Và quá trình này thường là một “con đường đầy chông gai” không “một sớm một chiều” mà thành công ngay được.
Tuy nhiên, qua khảo sát và tìm hiểu, chúng tôi đã tìm thấy một phương pháp tuyệt vời có thể giúp các mẹ “thở phào nhẹ nhõm” trong việc dạy con tập ngồi bô.
Để thực hiện phương pháp này mẹ cần chuẩn bị:
– Chuẩn bị những chiếc bô và đặt sẵn trong nhà. Nên sử dụng ít nhất 2 chiếc, 1 chiếc đặt ở nhà vệ sinh và 1 chiếc đặt ở phòng của bé.
– Luôn luôn chuẩn bị tã và một số chiếc quần thủng đũng.
– Nếu khu vực sống nhà bạn có nhiệt độ thấp hãy bật máy sưởi hoặc điều hòa, đi tất cho con.
Vào ngày đầu tiên:
– Cho phép con ăn một số đồ ăn nhẹ, các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao hoặc uống nước để chúng cần phải đi tiểu thường xuyên.
– Cho con mặc một chiếc áo và không mặc quần cả ngày. Quan sát những biểu hiện của con, khi nào thấy con cần phải đi vệ sinh hãy đưa bé đến chiếc bô gần nhất trong nhà.
– Do khoảng thời gian bé tập ngồi bô rất hay theo mẹ hoặc một số người thân trong gia đình. Vì thế trong ngày đầu tiên này, nếu bố/ mẹ cần đi vệ sinh có thể mang con theo để trẻ bắt đầu học hỏi những việc mình phải làm khi muốn tiểu/ đại tiện.
– Nên khen ngợi khi trẻ thực hiện những bước dùng bô chính xác. Một khi trẻ có thể thực hiện chính xác một vài lần nghĩa là chúng đã bắt đầu biết cách ngồi bô một cách độc lập mà không cần mẹ.
– Nếu con không thể sử dụng bô thành thạo trong ngày đầu tiên, đừng mắng hoặc hành xử khiến bé cảm thấy xấu hổ. Chỉ cần nói: “Con cần đi tiểu/ đại tiện vào bô, đừng đi bừa bãi nhé”.
– Trước giờ đi ngủ buổi trưa hoặc tối, hãy nói với con rằng con cần dùng bô trước khi đi ngủ. Nếu chúng không muốn, đừng bắt ép và hãy đóng bỉm để giấc ngủ được bình yên.
Vào ngày thứ hai:
– Tiếp tục áp dụng các phương pháp đã được sử dụng trong ngày đầu tiên vào ngày thứ hai. Tuy nhiên, vào ngày thứ hai mẹ nên đưa con ra khỏi nhà khoảng 1 lần (khoảng 1 tiếng) vào buổi chiều.
– Thời điểm nên đi ra ngoài đó là lúc bé vừa đi tiểu vào bô (ở nhà) xong, điều này giúp con hiểu được đi vào nhà vệ sinh khi cần là một cách tự nguyện, không phải bắt buộc.
– Khi ra ngoài nên cho con mặc một chiếc quần rộng có thủng đũng, không đóng tã hoặc bỉm và nhớ cầm theo một chiếc bô nhỏ.
Vào ngày thứ ba:
Vẫn thực hiện những phương pháp như ngày đầu và nên đưa con ra ngoài 2 lần: 1 tiếng vào buổi sáng và 1 tiếng vào buổi chiều. Mỗi lần đều gợi ý con dùng bô trước khi ra ngoài và ăn mặc như ngày thứ 2, mang theo một chiếc bô nhỏ.
Sau ba ngày dạy cho con kỹ năng ngồi bô khi cần đi vệ sinh, đảm bảo những ngày tiếp theo bé sẽ tự giác ngồi bô khi cần và không để mẹ phải nhắc nhở hoặc đi vệ sinh “không kiểm soát”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bé đề hoàn thành tốt bài tập huấn này, nếu con bạn không thể thực hiện được kỹ năng tự giác này những ngày sau đó, chờ khoảng 6-8 tuần để thử lại. Hãy nhớ rằng kỹ thuật này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hỗ trợ và thời gian dài.
Chúc các mẹ thành công nhé!
Theo Eva