Dạy con mọi thứ trên đời – Cho bé từ 2-5 tuổi
Cuộc sống phong phú có vô vàn những điều mới lạ để bé tìm hiểu. Bố mẹ cũng có vô vàn những kiến thức và kỹ năng phải chuẩn bị cho các bé để từ đó, các thiên thần nhỏ tự tin bước những bước chập chững tìm hiểu thế giới xung quanh. Sau đây là một số kỹ năng cần thiết mà Webtretho muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh:
Dạy bé từ 2-5 tuổi những thói quen tốt:
Từ bỏ núm vú giả
Trong mắt nhiều người, hình ảnh các bé ngậm núm vú giả thật đáng yêu, nhưng theo các nhà chuyên môn, việc ngậm núm vú giả trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé.
Tuy vậy, nỗ lực của các bậc phụ huynh trong việc “cai” cho con mình lại thường bất thành, và lý do là vì họ không biết cách giúp bé “lấp chỗ trống” khi bị mất đi món đồ chơi quen thuộc. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mỗi đứa trẻ mà bạn có thể hướng bé sang những thứ khác hấp dẫn hơn như một vài món đồ chơi lạ mắt, cuốn truyện tranh sinh động, thú nhồi bông hay những trò chơi vận động vui nhộn.
Tự lau chùi sau khi đi vệ sinh
Bước 1: Không làm hộ cho con nữa, vì nếu thế bé sẽ nghĩ chẳng bao giờ phải học cách tự vệ sinh làm gì.
Bước 2: Đưa cho bé giấy vệ sinh cùng những hướng dân cụ thể và đơn giản như: “Con gấp giấy lại như thế này, vòng tay như thế này…”
Bước 3: Tất nhiên những lần đầu bé sẽ không tự chùi được sạch sẽ như bạn muốn đâu, nhưng hãy kiên nhẫn, cả mẹ và con. Dần dần bé sẽ thao tác nhanh nhẹn và gọn gàng hơn và có thể tự làm được một mình.
Rửa tay thường xuyên
Đây là thói quen tốt mà mọi em bé đều cần phải học. Rửa tay là một hành động đơn giản nhưng có thể giúp bé tránh được sự xâm nhập của nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nhưng bố mẹ đừng làm cho nó thành một nghĩa vụ, thay vào đó, hãy giúp bé tìm thấy niềm vui khi rửa tay và xem nó như một trò chơi thú vị. Sau đây là một vài mẹo nhỏ hữu ích dành cho bạn:
1… cho bé tự chọn loại xà phòng có hương thơm và màu sắc mà bé thích.
2… hãy hát khi rửa tay. Những bài ngắn ngắn như Kìa con bướm vàng có độ dài vừa đủ để bé rửa tay kỹ càng, đồng thời cũng giúp bé không cảm thấy buồn chán; khi nào kết thúc bài hát có nghĩa là bé đã hoàn thành xong “công việc” của mình.
3… tập cho bé thói quen rửa tay đều đặn nhiều lần trong ngày, như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi đi ngủ. Một khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác rửa tay mà không cần bố mẹ nhắc nhở.
Dạy con cách buộc dây giày
Buộc dây giày là cách giúp trẻ phối hợp giữa suy nghĩ và điều khiển những ngón tay, vậy nên đây hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ đơn giản; bố mẹ đừng đòi hỏi con mình phải tự buộc dây giày (chứ chưa nói đến buộc sao cho thành thục, đẹp đẽ và gọn gàng) cho đến khi nào các bé biết chơi lắp ghép, Lego hay biết dùng bút màu.
Một số bé có khuynh hướng suy nghĩ và học qua từ ngữ, một số bé lại học nhanh hơn bằng cách quan sát; bạn hãy tùy vào đó để có cách hướng con dẫn cho phù hợp và hiệu quả. Ban đầu, bé có thể sẽ “giận ơi là giận” vì mãi vẫn không buộc được dây giày, bố mẹ nhớ động viên bé nhé. Đồng thời, bố mẹ cũng hãy cố kiên nhẫn, bình tĩnh, đừng xông vào làm hộ cho con, và nhất là đừng hối thúc bé!
Tập thói quen ngăn nắp và có giờ giấc
Hãy bắt đầu tập cho bé hai thói quen này càng sớm càng tốt, không những sẽ có tác động tốt đến sự phát triển của bé mà còn tránh được cho bạn không ít căng thẳng về sau.
Ban đầu, tất nhiên bé sẽ không thể tự tạo ra cho mình thói quen sinh hoạt giờ giấc và hơn ai hết, bố mẹ phải là người có trách nhiệm tạo ra thời gian biểu cho con mình. Hãy cho bé ăn uống, học, chơi, xem TV và đi ngủ vào những giờ cố định. Các bé được hình thành thói quen này ngay từ nhỏ và sẽ biết cách áp dụng chúng vào những việc quan trọng hơn trong tương lai.
Cũng đừng cho rằng con mình còn bé bỏng mà ôm đồm thay bé tất cả mọi việc, suy nghĩ ấy sẽ tạo cho con bạn thói quen vô tư bày bừa và bố mẹ là người phải có trách nhiệm thu dọn. Hãy dạy cho bé cách sắp xếp đồ đạc ngay từ những bước cơ bản nhất, như thu dọn các món đồ chơi sau khi chơi xong. Bạn có thể tập thói quen này cho bé bằng cuộc thi nho nhỏ “Ai dọn được nhiều đồ chơi nhất, ai bỏ đồ chơi về đúng chỗ nhất” xem sao.