Có thể học từ các mẹ Pháp những gì?

Đầu tiên, có thể học mẹ Pháp để dạy con về tính tự lập.

Trong khi mẹ Anh, mẹ Mỹ hay rất nhiều người mẹ khác trên thế giới suốt ngày cưng nựng con và gần như nhảy dựng nên lo lắng khi thấy con khóc, con kêu, ngã, hay thậm chí không ăn, thì mẹ Pháp không làm như vậy

Ngay từ lúc trẻ lọt lòng, các mẹ Pháp đã cho con nằm riêng và rất hạn chế việc bế ẵm, ôm ấp. Nếu bé có khóc trong đêm thì mẹ Pháp cũng không lao tới vỗ về ngay lập tức, ngược lại, họ để con trẻ tự bình tĩnh lại và… tự nín.

Cuốn sách ” Phương pháp nuôi dạy con kiểu Pháp” cũng đề cập nết ăn rất tự lập của trẻ, ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ. Trẻ Pháp được khoảng 2 tuổi là đã có thể tự ngồi ăn cùng gia đình, tự xúc thức ăn và ăn hết phần thức ăn được phục vụ.

Đi đứng nếu có vấp ngã thì mẹ Pháp cũng để trẻ tự tìm cách đứng dậy trước khi chạy đến và đỡ lên. Vậy mới có chuyện, trong khi mẹ Mỹ phải vất vả dính lấy con bé khi tập đi thì ngược lại, cùng một đứa con trong độ tuổi ấy, người mẹ Pháp có thể ngồi yên trên ghế và một cách rất tự nhiên, để cho đứa trẻ tự xoay xở, tập tành.

Họ cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Và vì thế, người mẹ Pháp lúc nào cũng gọn gàng, bình thản, vẫn đi làm bình thường và dành được khá nhiều thời gian cho “công tác” làm đẹp.

nuôi dạy con kiểu PHáp

Thứ hai, có thể học mẹ Pháp để dạy con về tính kỷ luật. Theo quan điểm của mẹ Pháp, kỷ luật chính là nền tảng của việc dạy dỗ và chăm sóc con cái.

Mẹ Pháp không cảm thấy có vấn đề gì nếu từ chối những yêu sách của con trẻ và họ có cùng quan điểm về cách nói từ “không” với đứa bé. “Không” được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là “không được”, “không thể” và đứa trẻ nhất định phải nghe theo.

Điều thú vị là trẻ con ở rất nhiều nơi trên thế giới có thể đòi quà bất cứ khi nào bé muốn, thì trẻ con Pháp thường chỉ đòi quà duy nhất hai lần trong năm, là quà sinh nhật và Noel. Nếu chúng tham lam hơn thì thậm chí có thể bị phạt.

Mẹ Pháp cũng sẽ tét mông trẻ nếu bé hư và quan trọng nhất là cái uy trong câu nói “không” của cha mẹ.

Qua các bữa ăn, trẻ cũng được giáo dục về tính kỷ luật. Như mọi thành viên trong gia đình, trẻ Pháp có 4 bữa một ngày: bữa sáng lúc 8h, bữa trưa 12h, bữa chiều lúc 4h và 8h là bữa tối.

Và trong khuôn khổ những gì được làm và không được làm của trẻ, cha mẹ chính là người giám sát nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, bên trong khuôn khổ này, mẹ Pháp vẫn cho con mình được tự do, thoải mái làm những gì chúng thích.

Thứ ba, có thể học mẹ Pháp để dạy con lối cư xử lịch thiệp.

Trong gia đình Pháp, trẻ con cũng chỉ là một thành viên như mọi thành viên khác. Chúng không phải trung tâm của tất cả mọi người, cũng không phải “cái rốn của vũ trụ”.

Điều đó đồng nghĩa với việc, trẻ cũng phải tôn trọng nhu cầu của các thành viên khác, cư xử một cách “biết điều” để nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình không bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, buổi tối trẻ có thể ở chung phòng với cha mẹ, nhưng đến giờ ngủ, trẻ phải về phòng mình và nhường lại không gian riêng tư. Với các mẹ Pháp, đó là điều hiển nhiên.

Nết ăn của trẻ Pháp cũng rất nhã nhặn. Chúng ngồi ngoan ngoãn và biết chờ đợi đến lượt được phục vụ. Mẹ Pháp thay vì la ó các con “trật tự” hay “đừng làm thế này, phải làm thế nọ”, họ thường chỉ cần nói “hãy đợi đến lượt”.

Nói chung, trẻ Pháp được dạy dỗ rất cẩn thận về lối cư xử lịch thiệp trước khi thưởng thức bữa ăn. Trẻ được giáo dục về cách nói “cảm ơn”, “xin chào”, “xin lỗi”, ngay từ khi mới bập bẹ những tiếng đầu đời.

Muốn trình bày vấn đề gì đó, trẻ cũng đợi cha mẹ (hoặc người lớn) kết thúc câu chuyện của họ trước khi mở lời. Điều đó lý giải tại sao, trẻ Pháp thường nhận được nhiều lời khen về thái độ lịch thiệp.

Ngoài ra, mẹ Pháp cũng rất tôn trọng thế giới riêng của con. Mẹ Pháp không bắt con học rộng, biết nhiều, điểm số cao chót vót. Mẹ Pháp muốn con phát triển tự nhiên và đầu tư nhiều cho đời sống tinh thần phong phú.

Các nguyên tắc cần lưu ý với các mẹ muốn nuôi dạy con theo kiểu Pháp

Chia sẻ kinh nghiệm của mẹ bé Misa:

Mình cũng chăm con theo kiểu Pháp đây, nhàn tênh. Có một số nguyên tắc muốn chia sẻ với các mẹ:

Không bế ẵm con nhiều, tạo thói quen cho con không cần phải phụ thuộc vào vòng tay người khác. (Các mẹ đừng lo con không quấn mẹ nhé, con nhà tớ một ngày chắc được mẹ bế giỏi lắm được 15 phút thôi nhưng rất quấn mẹ và yêu mẹ nhé). Nếu chơi với con thì các mẹ đặt con nằm trên ghế của con, mẹ ngồi cạnh chơi, không cần thiết là cứ phải bế rong cả ngày.

Cho con ngủ cũi riêng càng sớm càng tốt để đảm bảo chất lượng giấc ngủ của cả con và bố mẹ.

Khi còn bé, cho con ngủ có thể bế để ru nhưng tuyệt đối không đong đưa, rung rinh, chỉ vỗ về cho con dễ ngủ thôi. Con hơi buồn ngủ là đặt ngay vào cũi, nếu con thức thì cho thức luôn. Tạo cho con thói quen không ngủ trên tay. Cái này phải quyết tâm lắm, nhất là khi nhà có nhiều người. Tớ đã từng phải quân phiệt với cả ông bà, bế cháu mà cháu ngủ là tớ kiên quyết đưa vào cũi, không có kiểu ông bà ngồi ôm cho cháu ngủ 2 3 tiếng đồng hồ đâu.

Khoảng 5 tháng đổ ra, khi con có thể ngủ thẳng giấc qua đêm thì dùng ti giả cho con để con tự dỗ mình ngủ.

Khi con khóc không chịu ngủ thì các mẹ đừng bế lên luôn, chờ khoảng 1 2 phút rồi hẵng bế lên rồi dỗ dành, đánh lạc hướng con khỏi cơn hờn bằng đồ chơi hay nói chuyện. Tớ ở chung với ông bà cho nên cũng không mặc kệ con khóc đến 5 phút được đâu, đành lai tạp các phương pháp của các mẹ vậy.

Như con nhà tớ, tớ cho ngủ cũi riêng ngay từ đầu. Cũng có những giai đoạn phải bế ru bạn ấy ngủ nhưng nhất quyết tập cho con tự ngủ lại sớm nhất có thể. Để chuẩn bị cho giấc ngủ của con:

– Tạo cho con một thời khóa biểu hợp lý, ăn ngủ theo giờ (nhất là đối với các bé trên 7 tháng). Trước giờ ngủ đêm của con khoảng 2, 3 tiếng thì đừng cho con ngủ giấc ngắn. ( Như con tớ ngoài 9 tháng là thức từ 3h chiều đến 9h tối luôn rồi ngủ, hoặc chỉ chợp mắt 15 phút lúc 6h)

– Tập cho con ngậm ty giả, tối con nhá qua nhá lại như một cái cớ để tự dỗ mình ngủ

– Tạo thói quen là làm một việc gì đó có nghĩa là sắp đến giờ đi ngủ (uống sữa ấm, tắm nước nóng, thay quần áo rộng…)

– Đặt con vào giường lúc con còn thức. Vào đó hò hét nhảy nhót gì cũng được nhưng cứ đúng giờ là vào cũi. Thời gian đầu chưa quen thì bố mẹ vào cũi cùng.

– Đến giờ ngủ, không hưởng ứng các trò chơi của con, không nói chuyện, đèn đóm tắt, tạo sự yên tĩnh có phần “chán nản” cho các bé.

Nói chung, tớ rút ra kinh nghiệm là mình phải cứng rắn nhưng linh hoạt, bình tĩnh trước tiếng khóc của con và….khóa trái cửa mỗi giờ ngủ của con. Đừng để con cảm thấy bị bỏ rơi, hãy để con hiểu rằng, bố mẹ ở bên con này, không cần phải bế nhưng bố mẹ vẫn luôn ở gần và để mắt tới con, khi con yên tâm rồi thì sẽ không khóc nữa. Tớ cũng va vấp nhiều với nhà chồng về chuyện dậy cháu nhưng trộm vía, đến giờ ông bà cũng thấy rằng mình rèn luyện cho cháu rất tốt.

Bé nhà tớ trộm vía từ bé tí ti tự ngồi chơi một mình để mẹ làm việc nhà, không bắt mẹ bế đâu, chỉ cần nhìn thấy mẹ loanh quanh đó thôi. Tối ăn sữa xo ng là bố cho đi tắm nước ấm, thay quần áo, ngậm ti, tắt đèn và tivi, thả con vào cũi, bố mẹ nằm giường ngay cạnh, con sẽ chơi trong cũi một lúc rồi tự ngủ, bố mẹ rất nhàn. Thế nên có những ngày chỉ có 2 mẹ con ở nhà, mẹ con tớ vẫn làm hết được các việc từ nấu nướng đến lau nhà mà vẫn ngủ trưa được 2 tiếng đồng hồ.