Tíu nhà mình năm nay gần 3 tuổi, con rất ham chơi và trước đó thì “nghiện” xem hoạt hình vô cùng. Thiết bị ở nhà con hay xem là điện thoại, Ipad, laptop, tivi…nói bố mẹ không tin về việc Tíu có thể đòi hỏi bất cứ lúc nào ngoài giờ ngủ và đi học.

Có hệ quả như thế này chính là do bố mẹ hết ạ. Đợt đó Tíu biếng ăn quá, mà bố mẹ lại suy nghĩ nếu con không ăn thì không thể lớn cùng bạn bè nên trong giờ ăn có mở tivi và điện thoại cho con xem.

Cộng thêm đợt đó con cũng hay ốm vặt, những lúc để con nằm một chỗ thì mình cũng hay mở tivi cho con xem. Xem lâu dần thành quen, đến lúc bố mẹ ngoảnh lại thì con đã “yêu hoạt hình” quá rồi.

Sau đó thì việc lấy thiết bị điện tử ra khỏi tay con là một việc vô cùng khó khăn, con đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 nên nhiều lúc bố mẹ cũng bất lực lắm. Mình phải công nhận rằng việc giúp con “cai nghiện” thiết bị điện tử thực sự là một sự thử thách không hề nhỏ.

Tíu rất thích xem hoạt hình bằng điện thoại

Tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử đối với trẻ em 

Việc sử dụng thiết bị điện tử nhiều sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng lớn sau này. Trước tiên đó là những tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý cùng quá trình phát triển của trẻ. Đối với Tíu nhà mình thì tác hại đầu tiên mình cảm nhận được đó là khả năng nói của con.

Mặc dù thời điểm đó là con đã hơn 2 tuổi nhưng số lượng từ nói ra của con không nhiều, con chỉ nói được từ 1 chữ cái và hiếm hoi lắm mới nói được 2 chữ trở lên. Mọi người thường nói “trẻ con ở thành phố hay thế vì nó không tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài”, thế nhưng chỉ có bố mẹ biết tại sao con mình lại như thế.

Tiếp đó là việc sử dụng thiết bị điện tử có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt con do sử dụng trong thời gian dài cùng cường độ chiếu sáng mạnh mà con có những triệu chứng như dụi mắt và nháy mắt liên tục.

Con cũng thường xuyên không được ngủ đủ giấc do còn mải xem và chơi. Việc gắn kết giữa bố mẹ và con cái dường như không có vì đi học, đi làm về thì mỗi người ôm một cái máy, không ai nói chuyện với ai.

Một điều nữa đó là việc cho con xem và lấy lại thiết bị từ tay con sẽ gây ra hiện tượng “ăn vạ” của con. Ăn vạ để được sử dụng thiết bị và dễ dàng bị nghiện mà không sao dứt ra được. Vì bọn trẻ ở giai đoạn này rất dễ hấp dẫn bởi những thứ ánh sáng sặc sỡ và âm thanh vui nhộn.

Luôn mè nheo ăn vạ để đòi điện thoại

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc nên 2 vợ chồng mình đã có buổi nói chuyện về phương pháp “cai nghiện” cho con, song song với đó là vạch ra những kế hoạch để giúp con tốt nhất.

Vậy mẹ Tíu đã làm gì để cách li bé khỏi đồ điện tử

Bố mẹ bàn với nhau, đó là việc chỉ giới hạn cho con xem thiết bị điện tử trong một thời gian cố định. Vì mình nghĩ việc ngay lập tức tách con ra khỏi việc này một cách đột ngột là điều không dễ dàng do đó cần có thời gian cho con dãn dần việc chơi thiết bị điện tử. Trong thời gian đó mình áp dụng những cách sau:

  • Sau giờ xem cố định của con, bố mẹ tắt hết những thiết bị điện tử kể cả tivi chiếu những chương trình thời sự hay phim ảnh mà con không thích. Điều này chính là một cách để làm gương cho con.
  • Khi con có dấu hiệu đòi hỏi hay ăn vạ, bố mẹ phải kiên quyết từ chối. Nói “không” một cách dứt khoát với trẻ. Trước đây mình thấy Tíu mè nheo, lăn ra nhà là sẽ đưa ngay cho con, nhưng gần đây thì kiên quyết với cu cậu, chỉ cần vài lần như thế là con sẽ “biết điều hơn hẳn.
  • Chơi với con là cách hiệu quả nhất để giúp con tránh xa các thiết bị điện tử. Sau giờ ăn tối, lúc này bố mẹ sẽ cùng chơi với con, bày ra các trò chơi cho con. Dạo gần đây mình còn thường xuyên đọc sách cùng con, vẽ ra những câu chuyện về ý nghĩa cuộc sống, cùng bàn luận với con. Do bé nhà mình đang trong giai đoạn tập nói các câu dài nên việc trao đổi với con sẽ giúp con trau dồi được vốn từ nhiều hơn.
  • Cho con vận động nhiều hơn bằng những chuyến đi dã ngoại bên ngoài.

Tổ chức các buổi dã ngoại cho con

Sau một thời gian áp dụng những cách này thì Tíu đã giảm bớt tình trạng vòi vĩnh những thiết bị điện tử. Xem các chương trình hoạt hình là một hình thức thưởng cho con khi con ngoan và mỗi lần khoảng 30 phút.

Thật ra những thiết bị điện tử không hẳn là xấu đối với trẻ nhỏ, con có thể học được nhiều điều, khám phá thể giới, ngôn ngữ, màu sắc, âm nhạc thông qua những thiết bị đó nhưng phải có chừng mực nhất định. Vì thế bố mẹ hãy cố gắng phân bổ thời gian trong ngày để có thể học cùng con, chơi cùng con nhé.

Cảm ơn bố mẹ đã đọc những chia sẻ của mẹ Tíu!