Ảnh minh họa: Đặt trẻ nằm lâu một tư thế dễ khiến trẻ bẹp đầu

Cả nhà nội lẫn nhà ngoại, ai cũng trách chị Hoa vì cho con nằm nhiều quá. Chả thế mà bây giờ cu Bi đã bị “vẹt” hẳn một bên. Đúng là chị cũng muốn cho con nằm nhiều thật, nhưng mà cũng chỉ vì chị muốn cho con nằm được thoải mái, không bị cong vẹo cột sống. Cu Bi ngay từ nhỏ đã chỉ thích nằm nghiêng sang một bên, mới bế lên một lúc là con khó chịu. Xoay đầu con sang bên kia, một lát, con tự xoay lại, kể cả chèn gối con cũng không “sợ”.

Một phần, chị Hoa muốn cho Bi nằm chơi một mình cho tự lập, không bện hơi mẹ nhiều. Chị đọc sách báo thấy bảo, ở bên nước ngoài, trẻ con tự nằm một mình suốt nhưng có sao đâu. Mà chả thấy bạn nhỏ nước ngoài bị bẹp đầu cả, thậm chí còn tròn vo nữa chứ!

Các bố mẹ đừng vội hoảng sợ khi phát hiệu đầu con bị bẹp, bị méo hay móp chỗ nào nhé!

Theo các bác sỹ chuyên khoa, hiện tượng bẹp đầu thường xảy ra khi bé được đặt nằm cùng một tư thế trong thời gian kéo dài. Với các bé sơ sinh, vùng xương sọ chưa hoàn thiện. Trên đầu bé còn có hai thóp mềm. Hai thóp này giúp đầu bé khá linh hoạt trong quá trình chào đời. Chúng cũng thích ứng với sự phát triển nhanh của bộ não và đầu bé hoàn toàn có thể được “nắn” lại cho đẹp.

Cách hay cho mẹ

Nếu bé bị bẹt đầu trong khoảng ba tháng đầu sau khi sinh, mẹ có thể hoàn toàn dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng cách kiên trì xoa nhẹ nhàng đầu bé hàng ngày. Mẹ cũng có thể nhờ các bác sỹ chuyên khoa tư vấn những bài tập, những động tác đúng cách “nắn đầu” cho con nhẹ nhàng mà không gây tổn thương cho bé. Cách này sẽ giúp cho đầu bé sớm trở lại bình thường.

Khi con bị bẹt đầu quá rõ ràng và trở nên khó nắn chỉnh, bạn nên đưa bé tới bác sỹ để có lời khuyên hữu ích. Mẹ hoàn toàn yên tâm vì tình trạng bẹt đầu của bé sẽ được cải thiện trong vài tháng khi có bác sỹ điều trị. Bác sỹ cũng có thể cung cấp cho bé một chiếc mũ đặc biệt để bé “nắn” lại đầu cho đẹp. Việc uốn nắn này thường được thực hiện khi bé được từ 3 – 6 tháng tuổi.

Nếu bé lớn hơn 6 tháng tuổi mà bị bẹp đầu, mẹ mới đưa bé đi bác sỹ thì thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn. Bố mẹ nên lưu ý rằng không được tự mình mua các loại mũ nắn chỉnh đầu cho bé, tự điều trị cho bé mà không có ý kiến chỉ định của bác sỹ. Điều này sẽ nguy hiểm tới sự phát triển toàn diện của bé.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cách tốt nhất cho cả mẹ và bé là hãy chú ý tới con ngay từ đầu, để con không bị bẹp đầu. Mẹ nên cho con đội mũ mềm khoảng 20 tiếng/ ngày trong suốt 3 tháng đầu đời. Việc này sẽ giúp cho đầu của con được bảo vệ tốt hơn, khuôn đầu tròn hơn, không bị bẹp/méo quá mức.

Mẹ hãy tạo điều kiện cho con được lẫy, nằm sấp khi con đã hoàn toàn có đủ khả năng tự lật úp. Mẹ nên nhớ cho con nằm sấp khi thức và có người lớn canh chừng. Vì lật úp khi ngủ dễ là nguyên nhân gây đột tử ở bé.

Mẹ thường xuyên thay đổi tư thế, vị trí nằm cho con nhé. Nếu mẹ thường xuyên đặt bé ngủ nghiêng ở bên này, trong tuần này thì tuần sau, mẹ hãy đảo lại vị trí cho bé nhé. Mẹ có thể treo nhiều đồ chơi phía trên để bé có thể ngẩng đầu quan sát, chơi đùa chứ không nằm cố định một chỗ.

Khi đặt con nằm xuống giường, mẹ nên đặt lưng con xuống trước rồi hãy đặt đầu con xuống sau, điều chỉnh đầu của bé sao cho phù hợp, thoải mái.

Hiện nay trên thị trường cũng bán nhiều loại gối hình chữ U hoặc hình móng ngựa giúp cho bé không bị bẹt đầu. Mẹ có thể mua cho bé thử xem có giúp ích gì cho bé yêu không. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé nằm trên những tấm đệm mỏng, tránh những chiếc nôi cứng hoặc giường cứng tạo áp lực lên đầu vùng xương sọ phía sau đầu của bé.

Chúc các bé luôn phát triển khỏe mạnh và thông minh nhé!