Trong một clip ngắn quay lại cảnh một cậu bé khoảng 2 đến 3 tuổi, đầu đội mũ bảo hiểm đang tập xe thăng bằng, cậu bé ngồi trên chiếc xe đạp và lao rất nhanh qua đường, sau đó, phi lên vỉa hè và ngã chúi đầu về phía trước. Cậu chuyện trở nên thú vị bởi cách ứng xử của người bố.
Tôi tự hỏi, nếu trong clip là một đứa trẻ Việt Nam thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hẳn là đứa trẻ sẽ khóc rất to và ngay lập tức sẽ có tiếng hét to hơn cả tiếng khóc của thằng bé, đó là tiếng hét của ông bà, bố mẹ, và rất có thể là của hàng xóng láng giềng, những người xung quanh chứng kiến cảnh tượng này.
Bạn sẽ nghe thấy những lời xót xa, thương cảm kiểu “Trời ơi, con có làm sao không?”, “Bố mẹ đâu sao để thằng bé chơi một mình nguy hiểm thế này?”, “Ôi mẹ thương, mẹ thương, để mẹ xem đau ở đâu nào?”… hoặc quen thuộc hơn nữa thì là “Đánh chừa xe đạp hư này, làm con ngã đau này!”, “Đánh chừa cái vỉa hè hư làm con ngã này”…..
Còn đứa trẻ thì sao, nhiều khả năng là sẽ càng gào khóc, càng ỉ ôi, nức nở trong tiếng cưng nựng, suýt xoa của bố mẹ, để rồi, có thể, câu chuyện kết thúc bằng tiếng nạt nộ “Nào, thế có thôi đi không, ngã có tí thôi mà mãi không nín” khi bố mẹ đã hết kiên nhẫn vuốt ve con và “đánh chừa” đủ mọi thứ mà con vẫn khóc.
Bạn sẽ thấy, ông bố trong clip này, hay phần lớn các cha mẹ phương Tây khác đều cư xử một cách hết sức thản nhiên và bình tĩnh. Trong một clip khác ghi lại cảnh một đứa trẻ bị mắc kẹt đầu vào song sắt , phản ứng của một bà mẹ Mỹ cũng đã khiến các bố mẹ hết sức ngỡ ngàng.
Việc duy nhất ông bố làm là quan sát con và bày tỏ sự đồng cảm đồng thời lý giải nguyên nhân với con khi cậu bé “trình bày sự việc” với bố: “Con đang qua đường thì bị đâm vào bãi cỏ bố ạ!” – “Ừ, lúc đó con đi khá nhanh đấy chàng trai ạ!” rồi hỏi thăm cậu bé “Có đau không con?”. Sự can thiệp của người bố vào tình huống này chỉ dừng lại ở đó.
Chính cách ứng xử của cha mẹ khi con mắc lỗi bị ngã, bị đau sẽ hình thành nên tính cách và thái độ của trẻ khi đối diện với những khó khăn và thất bại mà chúng sẽ gặp sau này. Dù là một cú ngã ra trò, nhưng cậu bé không hề khóc lóc hay tỏ ra sợ hãi, cậu bé bình tĩnh trình bày vì sao mình ngã cho bố nghe và mọi chuyện qua đi bằng một cái ôm ngọt ngào của cô em gái.
Trẻ sẽ không bao giờ hiểu được “nguyên nhân – hệ quả” của những việc mình làm khi trẻ bị ngã mà luôn được bố mẹ nâng đỡ xuýt xoa hay đổ thừa cho người khác, thậm chí là các đồ vật xung quanh. Từ đó sinh ra những đứa trẻ yếu đuối, luôn sợ hãi và không bao giờ biết nhận lỗi khi làm sai.
Bạn nên nhớ, “mắc sai lầm” là một đặc quyền của trẻ con, chúng được phép vụng về, được phép vấp ngã… bởi đó chính là cách duy nhất để chúng hoàn thiện kĩ năng, tâm lý… để lớn lên và trưởng thành. Vì thế, đừng quá bao bọc hay tỏ ra xót xa khi con gặp khó khăn, thất bại, hãy để con tự học cách đứng lên, giúp con hiểu vì sao mình gặp chuyện đó bằng một thái độ bình tĩnh và thấu hiểu. Đó là cách tốt nhất giúp các bố mẹ nuôi dạy những đứa con tự lập , mạnh mẽ và nhân văn.
Theo VietBao.vn