Chủ động những việc trong “tầm tay” của mình

Cùng chồng bạn trang hoàng lại một chút phòng khách, phòng ăn, quang cảnh xung quanh ngôi nhà, mua một vài bộ ấm chén đẹp, lọ hoa, đồ dùng đựng bánh kẹo. Bạn làm được chứ gì! Cả cây cảnh nữa, bạn nên mua trước tết độ một tuần để có thể chọn được cây đẹp, giá lại không đắt giá và căn bản để không khí xuân đến gia đình bạn sớm.

Bạn nhớ sắp xếp công việc thật ổn thoả, thật khoa học để có được vài ngày áp tết lo việc nhà. Đừng để xảy ra chuyện chiều 29 tết vẫn gọi điện về nhà lúng túng xin lỗi mẹ chồng bạn còn mắc công chuyện nọ, dở việc kia chưa về nhà được. Sẽ mất điểm với mẹ chồng lắm đấy. Trước Tết 2 tuần, bạn hãy ghi ra tất cả những thứ “đồ khô” cần chi ngày Tết: bánh kẹo, ô mai, trà mứt các loại rồi vào siêu thị “khuân” về là xong.

Chồng phải là “đồng minh” của bạn

Hãy khéo léo khai thác chồng bạn để anh ấy kể cho bạn những điều rất riêng của gia đình anh ấy trong những ngày Tết. Điều này bạn rất cần biết để có kế hoạch, khỏi bị lúng túng, khỏi làm phật lòng những người thân trong gia đình chồng khiến ngày tết mất vui. Ví dụ như bố chồng bạn thích nhất quà gì trong ngày Tết, cả mẹ chồng bạn nữa, món nào khiến bà cảm động nhất. Cô dì, chú bác, các anh chị, em các cháu… món quà nào đem lại sự vui sướng cho họ mà lại hợp với khả năng tài chính của vợ chồng bạn.

Đừng coi thường chuyện này bởi nó rất quan trọng khiến bạn thêm điểm hoặc mất điểm vào ngày Tết. Cũng qua chồng bạn, bạn phải biết được lịch gặp gỡ, xum vầy của gia đình anh ấy trong ngày Tết, những món ăn đặc trưng của gia đình mà mẹ chồng bạn vẫn làm.

Kế thừa và sáng tạo

Biết về món ăn “tủ” mà mẹ chồng bạn vẫn làm trong ngày tết, nếu mẹ chồng bạn là người xởi lởi, vui vẻ thì bạn có thể nhỏ to để bà hướng dẫn cho bạn cách nấu món ăn đó. Còn nếu mẹ chồng bạn là người nghiêm khắc hoặc vẫn còn giữ một khoảng cách với bạn thì hãy “cắp sách” về nhà học mẹ đẻ, hoặc qua bạn bè; không loại trừ việc bạn nên mua một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn về để tra cứu, tập dượt. Ngoài ra, bạn cứ tự tin chuẩn bị một “món tủ” của mình, món mà bạn thành thạo nhất, đã được sự “kiểm nghiệm” của gia đình bạn, bạn bè bạn ấy. Chắc chắn gia đình chồng sẽ rất vui và phục bạn đấy.

Ra mắt họ hàng nhà chồng là điều không thể thiếu

Chỉ là năm bạn vừa về làm dâu này thôi. Từ năm sau trở đi, bạn đã là “dâu cũ” rồi thì điều này cũng không nhất thiết lắm. Bạn hãy vui vẻ và chủ động cùng chồng làm tốt việc này. Gia đình chồng sẽ rất hỉ hả vì cô dâu mới biết đối nhân xử thế.

Ốm trong ngày Tết sẽ “xui” lắm đấy

Đùa vậy thôi, nhưng chắc chắn nếu ngày Tết mà bạn lăn ra ốm thì còn vui vẻ nỗi gì? Hãy chú ý đến việc nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và thư giãn, giải trí để có thể bạn không phải chịu một sự bất thường vào ngày Tết mà “biểu tình” bạn, gây mệt mỏi cho bạn và khiến người khác khó xử, nhất là chồng bạn. Anh ấy sẽ đi chơi Tết với ai bây giờ được nhỉ?

Ngày Tết bạn lại càng phải đẹp hơn

Đẹp cho bạn, cho người chồng mới cưới của bạn và đẹp cho cả một mùa xuân trăm hoa đua nở ngoài kia, cho người phơi phới niền vui, sự náo nức. Hãy chú ý đến trang phục, đầu tóc của bạn, cả việc làm gì để có một khuôn mặt tươi tắn, ánh mắt sáng lấp lánh. Và trên tất cả là một vẻ đẹp, sức hấp dẫn toát ra ở một cô gái trẻ, hiện đại, sành điệu chứ không phải là trông rất “lố”.

Có tất cả những điều đó, bạn còn phải lo gì khi là cô dâu mới trong ngày Tết nữa?.