Nhãn một đằng, chất lượng một nẻo

Thông tin được các phương tiện truyền thông trích nguồn từ Ủy ban Công nghiệp và Thương mại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, nhiều lô quần áo trẻ em có chỉ số pH cao hơn 8,7 trong khi hạn mức tiêu chuẩn là 7,5 pH.

Có lô hàng quần áo được ghi ngoài nhãn mác làm từ sợi terylene (sợi tổng hợp), nilon và spandex nhưng lại sử dụng sợi gai.

Hàng loạt quần áo sơ sinh trẻ em có độ bền màu kém và sợi vải chứa các chất độc hại quá mức. Chỉ có 53,5% vải sợi may quần áo là đạt tiêu chuẩn an toàn.

Khảo sát tại một số địa điểm bán nhiều quần áo trẻ em tại Hà Nội cho thấy, nguồn hàng chủ yếu là từ Trung Quốc, nhiều loại quần áo không có chỉ số hay ký hiệu về độ an toàn.

“Hầu hết các bà mẹ đều chọn kiểu dáng, màu sắc và kích cỡ, ít khi chú ý đến chất liệu vải, nhãn mác hay hóa chất có trong quần áo trẻ em”, chị Nguyễn Thùy Trang (cửa hàng Baby Star, Sơn Tây, Hà Nội) cho hay.

Theo ông Nguyễn Sĩ Phương, phó viện trưởng Viện Dệt may, trong chỉ tiêu sinh thái dệt của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đề cập nhiều về nồng độ pH còn tồn dư trong quần áo, kể cả quần áo trẻ em. Vải và quần áo nhập về nước cũng chưa kiểm tra về nồng độ này. pH có thể có từ quá trình sản xuất sợi vải như tẩy, tuốt hay hồ…


Chọn quần áo an toàn cho trẻ


PGS.TS Nghiêm Xuân Thung, khoa Hóa (Đại học Khoa học tự nhiên) cho rằng, quần áo có nồng độ pH cao quá 8,0 sẽ không tốt cho sức khoẻ người mặc, nhất là đồ dành cho trẻ em.

Nhà sản xuất chưa công bố nồng độ pH tồn dư trong quần áo

“Nồng độ pH cao trong quần áo trẻ sẽ dễ dàng tan ra khi trẻ có mồ hôi. Lúc này, trẻ sẽ có cảm giác ngứa, rít khó chịu, thậm chí viêm loét da”, PGS Thung cảnh báo.

Về chất liệu vải, ông Nguyễn Sĩ Phương phân tích: Vải terylene, nilon và spandex là sợi tổng hợp được chiết xuất từ dầu mỏ, đảm bảo vệ sinh, hút ẩm và thoáng khí, tốt cho sức khoẻ của trẻ nhỏ. Còn sợi gai làm từ sợi nhân tạo, khả năng hút ẩm kém.

“Có thể vì lý do nào đó như lợi nhuận, nhà sản xuất đã thay thế loại vải. Trẻ mặc quần áo loại vải này sẽ bị ngứa, mẩn vì bị chà xát”, ông Phương cho hay.

Các chuyên gia đều cho rằng, có thể giảm bớt nồng độ pH ở quần áo trẻ bằng cách ngâm kỹ vào nước sau đó giặt sạch trước khi mặc. “pH là chất tan trong nước, vì thế ngâm lâu sẽ giảm được nồng độ”, PGS Thung cho hay.

Chị Nguyễn Thùy Trang chia sẻ về cách chọn đồ trẻ, nên chọn loại vải mềm, nhẹ, tránh vải có sợi kim tuyến hay dạ gai, xơ vì mặc vào sẽ khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu. Nếu chọn vải dạ nên chọn loại có lớp lót phía trong đảm bảo trẻ không bị ngứa mà vẫn ấm…

Theo TS Trần Thu Nam, nguyên cán bộ Viện Hóa học công nghiệp khi giặt quần áo nên sử dụng loại xà phòng an toàn và giũ nước nhiều lần trước khi phơi nhằm giảm nồng độ pH có thể tồn dư từ xà phòng. Nếu không giũ sạch, nồng độ pH tồn cũng có thể cao hơn 7,5.

Theo Tiêu chuẩn Oeko-Tex 100 mới nhất, được công bố ngày 1/1/2010, các sản phẩm dệt may dành cho trẻ em và sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da phải có độ pH trong khoảng 4,0 – 7,5. Da người bình thường có tính axit yếu, độ pH từ 4,5 – 6,5, nhờ vậy, có thể bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm. Độ pH trong quần áo quá thấp hoặc quá cao sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của độ pH trên da, khiến da bị kích thích hoặc làm giảm khả năng bảo vệ của da trước sự tấn công của vi khuẩn, virus.