Uống sữa sai cách sẽ gây phản tác dụng với bé
1. Chỉ cho con uống sữa bột
Nhiều mẹ cho rằng, chỉ mỗi sữa bột mới cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé và loại bỏ sữa tươi ra khỏi thực đơn của con. Thậm chí có người còn cho rằng sữa tươi không có chất gì, chỉ uống thay nước lọc. Thực ra, sữa tươi có nhiều hàm lượng dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của bé, chứa nhiều canxi giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Vì vậy mẹ hãy bổ sung sữa tươi vào thực đơn cho con, hoặc mẹ có thể cho bé dùng song song với sữa bột. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý, chỉ nên cho bé uống sữa tươi khi con tròn 1 tuổi.
Theo các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, can-xi và phốt-pho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành.
2. Cho con uống sữa tươi nào cũng được
Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao nhất là với các cơ sở chăn nuôi vắt thủ công, quy trình vắt không sạch, chuồng trại không đúng tiêu chuẩn, bảo quản và vận chuyển không đảm bảo chất lượng.
Các chế phẩm làm từ sữa tươi như ya-ua, váng sữa, phô mai, thường được các bà mẹ sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải, giúp trẻ làm quen với nhiều mùi vị và đa dạng hóa thức ăn, nếu sử dụng nhiều thì hiệu quả tương tự uống nhiều sữa tươi. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách dùng hợp lý.
3. Lấy sữa đặc thay thế sữa bò
Sữa đặc là một loại chế phẩm từ sữa bò, là sữa tươi nấu lên đến dung lượng 2/5, sau đó thêm 40% đường mía đóng hộp là được. Có người bị ảnh hưởng của lý thuyết “ sản phẩm cô đặc đều là tinh hoa”, bèn lấy sữa đặc thay thế sữa. Làm như vậy hiển nhiên là không đúng. Sữa đặc quá ngọt, bắt buộc phải thêm 5-8 lần nước để hòa loãng. Nhưng khi độ ngọt vừa miệng thì nồng độ chất béo và protein cũng giảm thấp đi một nửa so với sữa tươi. Nếu thêm nước vào trong sữa đặc, sẽ làm cho nồng độ protein và chất béo gần với sữa tươi, như vậy thì hàm lượng đường sẽ hơi cao.
4. Cho con uống no sữa
Mặc dù là thức uống bổ dưỡng vì có nhiều vitamin và khoáng chất nhưng không có nghĩa sữa có khả năng thay thế hoàn toàn các nguồn thực phẩm khác. Uống quá nhiều sữa sẽ gây tiêu chảy, đầy bụng và cơ thể không có khả năng hấp thụ dưỡng chất trong sữa. Theo khuyến cáo cảu Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày trẻ từ 1-3 tuổi nên uống khoảng 500ml sữa; trẻ trên 3 tuổi nên uống khoảng 300-400ml là đủ. Ngoài ra, không nên uống sữa khi đói bụng, chỉ nên uống sữa sau khi đã ăn sáng và khi bụng không bị trống rỗng.
5. Phải chọn sữa ngoại cho con
Tâm lý của nhiều mẹ là sữa ngoại, càng đắt tiền thì càng tốt. Điều này hoàn toàn sai. Con bạn sẽ hợp với loại sữa này và có khi lại dị ứng với loại sữa “xịn” con hàng xóm dùng. Điều cốt yếu là mẹ phải chọn loại sữa dễ uống, bé thích uống, dinh dưỡng đầy đủ, không béo phì không có những phản ứng khác như đau bụng, nôn mửa, dị ứng… là loại sữa phù hợp nhất với trẻ.
Theo: lamchame.com