Trong độ tuổi từ 2 – 3, rất nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện biếng ăn, kể cả những trẻ từng rất háu ăn trước đây. Theo các nhà khoa học, trong khoảng từ 2 đến 3 tuổi, tốc độ phát triển của trẻ sẽ chậm lại, cơ thể của trẻ không còn cần nhiều năng lượng như trước, và lẽ dĩ nhiên, trẻ cũng sẽ ít cảm thấy đói hơn.

Mặt khác, trẻ ở độ tuổi này có xu hướng sợ những thực phẩm mới (tên khoa học của triệu chứng này là neophobia). Rất nhiều trẻ từ chối ăn những thứ mà chúng chưa từng nhìn thấy trước đây, đặc biệt là rau xanh. Hiện tượng này bắt nguồn từ thời xa xưa, khi tổ tiên của chúng ta sống lang thang khắp nơi và phải ăn rất nhiều thứ lá cây mà rất nhiều trong đó có khả năng có độc.

Do vậy, đừng quá lo lắng, bởi hiện tượng này là hoàn toàn bình thường, và rất có thể chỉ là tạm thời. Hầu hết trẻ nhỏ sẽ hứng thú với ăn uống trở lại vào độ tuổi từ 4 tới 5. Dưới đây là 9 lời khuyên giúp các bậc phụ huynh vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng hơn:

1. Hãy ăn cùng trẻ

Bạn hãy dọn đồ ăn của mình và ăn cùng với trẻ. Hãy để trẻ thấy được niềm vui của bạn khi bạn thưởng thức những thực phẩm tốt cho sức khỏe trong phần ăn của mình.

2. Đừng ép buộc

Đừng gây áp lực cho trẻ khi bạn muốn trẻ thử ăn một loại đồ ăn mới, ăn hết phần ăn trong bát hoặc đưa ra hình phạt khi trẻ không vâng lời. Điều này khiến cho việc ăn uống – thay vì là một hoạt động vui vẻ và có ích, sẽ trở nên đáng sợ hơn trong mắt trẻ.

Đừng gây áp lực cho trẻ khi bạn muốn trẻ thử ăn một loại đồ ăn mới, ăn hết phần ăn trong bát hoặc đưa ra hình phạt khi trẻ không vâng lời. (Ảnh minh họa)

3. Đừng lẫn lộn

Hãy luôn chắc chắn rằng có it nhất một món trẻ sẵn sàng ăn trong tất cả các bữa ăn mà bạn chuẩn bị. Tuy nhiên, đừng khiến bữa ăn của cả gia đình bạn trở thành bữa ăn cho trẻ 2 tuổi. Hãy luôn chọn những thực phẩm mà bạn và những người lớn tuổi hơn trong gia đình có thể cùng ăn. Điểm mấu chốt ở đây là bạn nên dạy trẻ cách ăn bữa ăn cùng với gia đình, chứ không phải là khiến cả gia đình bạn phải ăn những thực phẩm như của trẻ 2 tuổi.

4. Đừng tán dương:

Điều mọi người nên làm trong bữa ăn chỉ là ăn. Khen ngợi hoặc hứa trao thưởng cho trẻ để trẻ ăn theo cách bạn muốn có thể khiến trẻ hiểu sai về việc ăn uống và làm hư chúng.

5. Hãy tôn trọng trẻ:

Trong hầu hết tình huống, bạn nên để trẻ quyết định những thử trẻ muốn và không muốn ăn. Ngay cả những ý kiến của trẻ về cách bạn trang trí đồ ăn cũng nên được lưu tâm.

6. Đừng bỏ cuộc:

Nếu con bạn từ chối ăn một loại rau xanh hết lần này đến lần khác, đừng vội từ bỏ. Hãy nấu loại rau ấy theo những cách khác nhau vào những lần sau. Bạn cũng có thể tự mình thưởng thức món ăn ấy và đến một lúc nào đó, trẻ sẽ đồng ý ăn thử chúng. Đừng đánh mất cơ hội để trẻ quyết định lại và sẵn sàng thử ăn những món mới bằng việc loại bỏ những thứ trẻ từng nói không ra khỏi thực đơn.

7. Hãy làm việc của bạn:

Và để trẻ làm đúng việc của chúng. Việc của bạn là cung cấp và chuẩn bị cho trẻ những món ăn ngon lành và bổ dưỡng. Và nhiệm vụ của trẻ là quyết định chúng sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu là đủ. Đừng cố gắng làm khó bản thân bằng việc ra quyết định thay trẻ.

8. Hãy làm những món ăn trở nên hấp dẫn hơn:

Thông thường những món luộc sẽ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán. Bạn có thể nấu các món khác nhau với cùng một loại thực phẩm, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt con bạn.

9. Đừng lo lắng:

Hãy nhớ rằng, là một phụ huynh, nhiệm vụ của bạn trong dài hạn là dạy và xây dựng ở trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, chứ không phải là khiến trẻ ăn được thịt bò vào bữa tối thứ 3.

Theo: eva.vn