Không đọc sách sớm cho con

Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng việc đọc sách sớm cho con là vô ích vì trẻ chưa biết nói và chưa thể nhận thức được. Tuy nhiên, quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, các chuyên gia cho rằng ngay từ trong bụng mẹ bé đã có thể nhận thức được những âm thanh phía bên ngoài.

Ngày nay, nhiều bạn nhỏ còn không biết đến những câu chuyện cổ tích, chúng chỉ được khám phá ipad, máy tính, thiết bị điện tử…, điều này không những làm tuổi thơ của con không còn ý nghĩa mà còn xây dựng thói quen xấu, tai hại cho con.

Đọc sách cho con càng sớm, mẹ càng giúp cho bé xây dựng vốn từ vựng phong phú, giúp chỉ số IQ của bé tăng lên đáng kể. Đồng thời, việc lắng nghe những câu chuyện hay còn giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp khi lớn lên, giai đoạn thích hợp nhất để đọc sách cho con là khi con được từ 3 tháng tuổi trở lên.

Ngay lập tức trả lời khi con thắc mắc điều gì đó

Khi bé lên 3 – 4 tuổi, bé bắt đầu có ý thức khám phá thế giới xung quanh và luôn đặt cho bố mẹ các câu hỏi “tại sao?”, “vì sao?” để thỏa trí tò mò của mình. Các chuyên gia cho rằng việc bé đặt ra nhiều câu hỏi cho bố mẹ chứng tỏ đó là một đứa trẻ thông minh và hoạt bát.

Nhưng đa phần cha mẹ thường trả lời ngay câu hỏi của con mà không cho bé thời gian để suy nghĩ vấn đề. Điều này khiến não bộ trẻ không được kích thích, khuyến khích để tìm ra câu trả lời.

Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể đặt câu hỏi ngược lại, hoặc đưa ra những câu hỏi gợi ý lại để con tự tìm câu trả lời cho mình. Chỉ khi nào quá khó khăn, bé không thể nghĩ ra, thì cha mẹ mới nên bật mí đáp án cho con.

Không để con được tự khám phá

Khám phá thế giới xung quanh không những giúp trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ mà còn giúp trẻ hòa nhập vào môi trường bên ngoài một cách thuận lợi hơn. Nhưng nhiều cha mẹ hay cấm đoán không cho bé động vào vật này, vật kia vì sợ bé làm hỏng, sợ bẩn, sợ nhiễm bệnh… Tuy nhiên, chính những đồ vật đó sẽ dạy cho trẻ nhiều bài học vô cùng bổ ích.

Đối với những khám phá đầu đời của bé, cha mẹ không nên nói “không được” với tất cả mọi thứ. Hãy cho bé được thỏa mãn trí tò mò nhưng hãy cương quyết với một số trường hợp không an toàn để bé dần nhận thức được những điều nguy hiểm quanh mình.

Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho con mà không khiến con phải làm gì

Bố mẹ chăm con từng chút một, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho con từ vật chất, một môi trường học tập tốt, sinh sống hoàn hảo nhất trong khả năng của mình. Đây là một sai lầm trong việc nuôi dạy con. Việc chuẩn bị sẵn mọi thứ cho con vô tình làm cho trẻ hiểu mọi thứ mình đang có là tự nhiên mà có, chứ không phải do công sức của ai. Như vậy, trẻ sẽ dần hình thành tâm lý bị động, không tự lập, không có khả năng sáng tạo nữa.

Khi còn nhỏ, cha mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ tự chơi một mình với đồ chơi mà không cần có người lớn, dạy trẻ tự xúc cơm, tự thu dọn đồ chơi…Khi lớn hơn thì dạy trẻ phụ bố mẹ rửa bát, giặt, gấp quần áo… Những thói quen rự lập đơn giản sẽ giúp trẻ tìm ra cách xử trí khi gặp những vấn đề khó trong cuộc sống.

Mắng con khi bé viết, vẽ lung tung ở khắp mọi nơi

Nhiều cha mẹ chỉ mong muốn bé ngoan ngoãn theo ý muốn của mình mà giám sát mọi hoạt động của bé. Khi thấy con vẽ bậy lên trên tường, cha mẹ hay mắng nhiếc hay phạt con vì tội làm bẩn tường, như vậy cha mẹ đã vô hình phá bỏ khả năng tư duy, khả năng tự chủ của trẻ ngay từ khi còn trong trứng nước.

Khi trẻ vẽ bậy là trẻ biểu hiện suy nghĩ một cách tự do bằng những nét vẽ của mình. Đó là biểu hiện của nhu cầu muốn được sáng tạo của riêng trẻ. Do đó bố mẹ nên để trẻ tự do sáng tạo để trẻ phát triển về cả thể chất lẫn tâm hồn.