Chuẩn bị:

– Dừa đã nạo (khoảng 1kg) (Dừa này các mẹ có thể mua ngoài chợ hoặc có thể mua quả về nạo nhưng làm cách này sẽ khá mất thời gian đấy. Tốt nhất là nên mua dừa đã nạo rồi).

– Máy xay sinh tố

– Nước đun sôi để ấm.

– Dụng cụ để lọc : vải sạch mỏng, màng lọc,…

Thực hiện

Bước 1:Lấy nước cốt dừa.

Dừa nạo (1kg) đổ ra bát cho thêm khoảng 300-400ml nước đun sôi vẫn để ấm, sau đó dùng đũa đảo đều ngâm khoảng 20 phút rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hoặc dùng tay đảo đều và vắt qua màng lọc. Khi sử dụng máy xay sinh tố, các bạn nhớ xay nhuyễn và cho vào một tấm vải sạch, mỏng để dễ vắt nước hơn. (đây được gọi là nước cốt dừa).

Lưu ý:

– Các mẹ chọn dừa già, cơm dừa khô, cứng, trắng sạch vì loại này mới cho ra được nhiều dầu và bảo đảm dầu tốt.

– Nếu các mẹ dùng tay để nhồi bóp cơm dừa thì phải nhồi bóp thật mạnh và kỹ trong nước ấm để cốt dừa được chiết hết ra, và nhớ là rửa tay thật sạch trước khi làm mẹ nhé.

Bước 2: Nấu nước cốt dừa ( thời gian nấu khoảng 5-6h)

– Cho nước cốt vừa lọc được vào chảo hoặc nồi đun sôi tới khi nước bay hơi hết thì còn 1 lớp dừa màu ngà vàng đọng xuống dưới, lớp dầu nổi lên trên. Dùng chảo thì nước dễ bay hơi hơn. Khi đun nhớ dùng đũa khuấy đều tay.

– Cứ tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi thấy các cấn dừa chuyển sang màu vàng là được. Bạn không nên để vàng quá vì khi đó dầu dừa thu được sẽ sậm màu.

Lưu ý:

– Để lửa vừa cho nước cốt dừa nhanh sôi, khi nước cốt sôi bùng lên một lúc bạn phải giảm nhỏ lửa để cho độ sôi vừa phải, liên tục khuấy đều và cà sát vào dưới đáy nồi để nước cốt không bị cháy bên dưới.

– Không cho thêm bất kỳ một gia vị gì vào nồi. Đặc biệt, đã đến lúc phát huy sự kiên nhẫn của bạn, vì khi nấu nước cốt dừa, bạn phải ngồi canh bên lửa thật lâu và khuấy đều liên tục, mất khoảng 5 – 6 tiếng đồng hồ, cho đến khi nước được bốc hết và bạn thấy nồi cạn dần xuống.

Bước 3 : Tắt bếp và lọc dầu dừa.

– Tắt bếp, dùng muôi múc lớp dầu trong nổi bên trên cho vào lọ. Nếu cẩn thận, chị em có thể lọc qua một lần nữa bằng màng lọc để loại bỏ hết cặn. Bạn sẽ ngửi được mùi thơm lừng như kẹo dừa khi mới ra lò.

Lưu ý:

– Khi vừa mới tắt bếp, bạn phải dùng muôi để gạn bỏ phần xác dừa đã bị cháy vàng ra khỏi nồi để sau này dầu dừa của bạn không có mùi khét.

Vậy là bạn đã có được dầu dừa để dùng rồi đấy!

Cách bảo quản:

Dầu dừa hơi sền sệt như dầu ăn, mùi rất thơm (giống kẹo dừa), màu trong hoặc ngà tùy vào loại dừa và độ lửa khi đun. Dầu dừa không cần bảo quản lạnh mà vẫn dùng được rất lâu (6 tháng đến 2 năm). Để tủ lạnh thì tốt hơn, nhưng dầu sẽ đông đặc lại (không ảnh hưởng gì đến chất lượng). Khi dùng, bạn chỉ cần lấy ra ngoài đợi dầu tan ra.

Nên để dầu dừa trong lọ thủy tinh sẽ bảo quản được lâu hơn và tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào các mẹ nhé!

Chúc các mẹ thành công!