Chăm sóc mắt bé sơ sinh
Sau khi chào đời, do tác động của quá trình sinh nở và do sự kích thích của nước ối từ khi còn nằm trong tử cung mẹ, mắt của bé có thể sưng đỏ. Do đó, bé sơ sinh sẽ được bác sĩ nhỏ thuốc nhỏ mắt.
Sau khi về nhà, bạn cần giữ vệ sinh mắt cho bé. Nên dùng tăm bông hoặc khăn mềm nhúng nước ấm, vắt khăn khô rồi chấm (lau) mắt nhẹ nhàng cho bé. Nếu mắt bé vẫn sưng và có dử nhiều thì cần nhỏ mắt cho bé bằng thuốc nhỏ mắt theo đơn của bác sĩ.
Ánh sáng trong phòng của bé không được chói quá, kể cả vào ban đêm. Ban ngày, nếu bé ngủ thì cũng nên kéo rèm cửa để mắt bé được nghỉ ngơi.
Ánh sáng ở hai bên giường (nôi, cũi) của bé cũng phải đồng đều. Nếu một bên ánh sáng chói quá, bé sẽ có phản ứng nhắm mắt lại. Sự điều tiết giữa hai đồng tử không hài hòa, từ đó có hại cho thị giác của bé.
Chăm sóc tai
Bên trong tai của bé sơ sinh thường khô (không có chất bẩn tiết ra). Vì vậy, cha mẹ không cần chăm sóc đặc biệt, không cần ngoáy tai cho bé bằng tăm bông.
Bạn nên tránh để sữa hay nước chui vào tai bé. Khi cho bé bú bình, có thể dùng khăn xô che tai bé lại. Nếu không, sữa từ miệng bé trào ra, dễ chui vào tai, gây viêm tai.
Khi bé khó chịu, khóc, sốt, bạn nên kiểm tra xem tai bé có gì bất thường không. Khi bé ngủ, nếu chạm vào tai mà bé giật mình kêu khóc hoặc bé không chịu mút sữa vì tai đau thì bạn nên đưa con đi khám.
Chăm sóc mũi
Khoang mũi của bé ngắn và nhỏ, đường mũi hẹp, nhiều mạch máu, khả năng thích ứng kém, chỉ hơi lạnh là bé có thể nghẹt mũi. Khi bé nghẹt mũi, bạn có thể nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, dùng tăm bông ngoáy nhẹ để bé hắt hơi, tống gỉ mũi ra ngoài. Bạn nên thao tác nhẹ nhàng, không được làm bé bị đau hoặc tổn thương niêm mạc mũi của con.
Những trường hợp nặng hơn, bạn cần đưa con đi khám.
Chăm sóc miệng
Khoang miệng của bé rất nhẵn, lại chưa có răng nên chưa có thức ăn bám vào. Hơn nữa, khoang miệng của bé thường tiết ra một lượng nước bọt lớn, có tác dụng làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi. Do đó, bình thường bạn chỉ cần vệ sinh miệng cho bé nhẹ nhàng và đơn giản hàng ngày.
Với bé bú bình thì không nên pha sữa bằng nước quá nóng, sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng của bé.
Có những bé, trên lợi mọc “nanh sữa” (hạt nhỏ như hạt vừng màu trắng hoặc hơi vàng). Đây không phải răng thực sự, cũng không phải một chứng bệnh. Nanh sữa do các tế bào thượng bì tích tụ lại trong thời kỳ phôi thai mà thành. Sau một thời gian, nanh sữa sẽ bị rụng, không hại gì cho bé.
Còn nếu muốn nhể nanh sữa, bạn cần đưa con tới bác sĩ. Bạn không được tự ý chà xát hay nhể nanh sữa cho con vì có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Tư thế ngủ cho bé
Bạn nên thỉnh thoảng thay đổi tư thế cho con. Không nên để bé nằm mãi một tư thế. Do xương sọ của bé chưa kín hoàn toàn nên nằm mãi ở một tư thế dễ làm đầu bé bị móp (méo, bẹp).
Không nên quấn bé quá chặt để tránh ảnh hưởng tới hô hấp và cử động chân, tay của bé.
Nên đặt đầu bé cao hơn chân một chút (không cần dùng gối). Nếu dùng gối, chỉ nên chọn gối 3-4cm.
ST: ThuyDuong