Ai cũng dễ dàng nói rằng trẻ em nghiện smartphone là một điều nguy hiểm. Báo chí, các kênh truyền hình, các phương tiện truyền thông (mà chúng ta tiếp cận từ chính smartphone) cũng luôn ra rả khẳng định điều này. Nhưng đa số những người làm cha mẹ đều không thực sự hình dung xem một ngày của con sẽ diễn ra theo cách nào, con sẽ tham gia những trò chơi, những hoạt động gì khi chúng ta quyết định giúp con đặt smartphone xuống. Nhà quá chật, đồ đạc quá nhiều, con quá hiếu động, chúng ta đều quá bận, đều rất cần tập trung cho công việc của mình… Ta thậm chí cảm thấy bị phiền phức, bị “phá phách” vì con trẻ. Chính vì những lý do có vẻ chính đáng ấy, vì cảm giác “muốn được yên” ấy, nên đa số chúng ta tặc lưỡi, mặc kệ con mình với những thiết bị có tiếng nói giống như con người.
Khi bắt đầu “ngày nghỉ không smartphone” của con, tôi cảm thấy vô cùng lúng túng. Con tôi đã quen với việc ăn sáng xong là ôm lấy điện thoại để xem hoạt hình. Tôi nói với con rằng chỉ có 20 phút cho điều này thôi, và trước khi bước vào 5 phút cuối, tôi sẽ nhắc con lần nữa. Con tôi (tất nhiên), chẳng thèm quan tâm! Vì nó quen xem mê mải rồi, mọi lời cảnh báo của tôi đều không hiệu lực. Nó phớt lờ đi…
Nhưng vì hôm nay tôi đã quyết tâm, nên khi đồng hồ kết thúc 15 phút, tôi gọi con: “Chỉ còn 5 phút thôi nhé”. Thằng bé (chắc chắn) vẫn không hề để ý. 5 phút tiếp theo, tôi đến gần, lấy lại điện thoại và nói rõ rằng đã hết 20 phút rồi nhẹ nhàng gỡ tay con ra khỏi điện thoại, cất đi. Nó bắt đầu hét lên:
– Con chưa xem xong!!!
– Nhưng chúng ta giao hẹn rồi mà?!
– Con muốn xem nốt!!!
– Mẹ nói rồi!
Vậy là một màn ăn vạ bắt đầu. Con tôi giãy đành đạch, lao vèo xuống nền nhà, và dậm chân bình bịch. “Cái gì mà sáng ra đã ầm lên thế? Để cho nó xem đi” – mẹ chồng tôi lên tiếng. “Không được đâu mẹ ạ, cháu nó nghiện điện thoại mất rồi” – tôi cố gắng giải thích với mọi người. “Ôi cái gì mà nghiện, nó là trẻ con, xem phim xem nhạc nó khôn ra bao nhiêu, để nó xem đi” – bố chồng tôi thêm vào. “Con đã quyết định rồi, bố mẹ ạ, con cần phải ngăn chặn cháu khi suốt ngày mê mải với mấy thứ này” – tôi kiên định. “Vậy thì chị trông nó đi, làm thế nào cho nó đừng phá phách thì làm”.
Sau màn ăn vạ, tôi gọi con ra hành lang để nó đạp xe. Thằng bé quên ngay chuyện chiếc điện thoại kia và bắt đầu hứng thú. Nhưng, “Sao lại đạp xe ở đây, nhà chật, bao nhiêu người đi lại mà lôi xe ra đạp?” – Không ai khác ngoài mẹ chồng tôi. Sau đó (lại vẫn) là tiếng bố chồng tôi “góp ý”. Tôi phải rất nhã nhặn để ông bà “tha lỗi”, rằng chỉ 15 phút nữa thôi, mẹ con tôi sẽ dừng lại “trò” này.
Sau khi đạp xe là giờ học với bàn tính gỗ. Tôi dạy con đếm bằng việc gảy những viên gỗ trên một thanh ngang. Một… hai… ba… bốn… “Con buồn ngủ” – “bây giờ chưa phải là giờ ngủ, mẹ con mình sẽ cất bàn tính đi để chơi trò vỗ tay nhé”. Tôi lại kết hợp vừa vỗ tay vừa đếm.
“Thế con không nấu cơm à?”- tiếng mẹ chồng giục giã. Tôi nhìn đồng hồ, đã đến giờ nấu cơm rồi. Gọi con trai xuống bếp, đưa cho cháu mấy ngọn rau muống, nhờ con “nhặt rau giúp mẹ nhé”. Tôi muốn con có trò chơi cho đỡ chán, để không vồ lấy màn hình điện thoại. Tôi biết, trên nhà, bố mẹ chồng tôi lại thở dài, ý chừng như tôi đang “đày đọa” thằng bé quá. Nhưng tôi phớt lờ.
Ăn xong, con tôi đi ngủ nhưng có vẻ như không có điện thoại để xem nên nó không muốn ngủ ngay, cứ nằm lăn qua lăn lại. Tôi bảo con, nếu không muốn ngủ có thể dậy chơi nhưng nhất định không được dùng điện thoại. Thằng bé đồng ý và ngỏ ý muốn chơi trò “rót nước”. Tôi biết trò này, con tôi rất thích rót nước từ bình gốm sang các cốc đồ chơi. Tôi thấy đây là một ý hay để cho con rèn luyện sự khéo léo. Tôi bí mật mang một chậu nhựa to vào phòng ngủ, đặt trong đó một bình nước và vài cốc nhựa, dặn con rót nước trong lòng chậu nhựa to để không đổ ra ngoài. 30 phút buổi trưa trôi qua, con tôi sung sướng, hỉ hả với trò chơi “rót nước” nhưng mẹ chồng thì bắt đầu phân tích cho tôi về tác hại của việc con đổ nước linh tinh, có thể làm ướt cổ, ướt người, bị ốm…
Tối ấy, ăn cơm xong, tôi cho con đi đánh răng. Cháu quá thích thú với cảm giác miệng mình đầy bọt nên đánh răng khá lâu, vừa đánh răng vừa lắc đầu. Mẹ chồng tôi thì có lẽ đã “quá sức chịu đựng” rồi, đành gọi tôi ra và nói trước mặt chồng tôi, rằng bà không hiểu vì sao tôi lại dạy con những trò “chẳng giống ai như vậy”. Tôi biết, có lẽ cuộc chiến “chống lại smartphone” của mình sẽ còn cam go. Tôi chỉ biết giải thích nhỏ nhẹ và (vẫn phải) mong ông bà tha lỗi. Thật may, chồng tôi ủng hộ tôi, anh cho rằng việc một đứa trẻ con nghịch nước, đi xe đạp… không phải là điều gì xấu, nhưng việc dán mắt vào smartphone sẽ để lại nhiều di chứng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Đêm ấy, con tôi ngủ rồi, tôi đặt lưng xuống giường mà nước mắt trào ra. Để một đứa trẻ “cai nghiện” được smartphone, cần sự “cai nghiện” những suy nghĩ hẹp hòi của chính những người xung quanh.
(Theo emdep)