Ngoài công dụng làm mượt da, mượt tóc cho các chị em, dầu dừa còn là liệu pháp trị hăm tã cho con cực hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Hầu như trẻ sơ sinh nào cũng dễ gặp phải hiện tượng hăm tã. Nhìn những vết ngứa rát, đỏ li ti trên mông, bẹn, đùi,… của con, có bậc phụ huynh nào mà không khỏi xót xa. Bôi kem trị hăm là cách phổ biến để chống lại chứng hăm tã đáng ghét này nhưng làn da trẻ sơ sinh mỏng manh, non nớt rất hay bị ảnh hưởng bởi hóa chất.
Dưới đây là một số cách trị hăm tã cho bé bằng nguyên liệu tự nhiên được sưu tầm bởi kinh nghiệm của nhiều bà mẹ trên thế giới, vừa hiệu quả mà lại rất lành, không gây kích ứng.
1. Trị hăm tã bằng liệu pháp tự nhiên
Dầu dừa
Dầu dừa là nguyên liệu làm đẹp rất sẵn có trong bếp của các mẹ. Ngoài công dụng làm mượt da, mượt tóc cho các chị em, dầu dừa còn là liệu pháp trị hăm tã cực hiệu quả. Mẹ hãy bôi một lớp mỏng dầu dừa lên chỗ con bị hăm tã để làm dịu vùng da đang bị sưng đỏ, ngứa ngáy.
Sữa mẹ
Trong sữa mẹ có kháng sinh tự nhiên giúp diệt khuẩn, làm sạch da bé, nhờ đó mà trị được chứng hăm tã. Mẹ chỉ cần dùng vài giọt sữa mẹ thoa lên khu vực bé bị hăm tã và để da bé khô tự nhiên trước khi thay cho bé tã mới.
Bột yến mạch
Bỏ một chút bột yến mạch vào máy xay sinh tố để nghiền mịn, trộn với nước cho thành hỗn hợp dẻo quánh rồi cho vào nước tắm hàng ngày để bé ngâm mình trong đó khoảng 15 phút.
Dấm táo
Dùng một thìa dấm táo pha loãng cùng một nửa cốc nước. Nhẹ nhàng lau nước dấm táo lên vùng da hăm với một chiếc khăn mềm. Trong dấm táo có chứa những nhân tố kháng khuẩn, chống lại tình trạng hăm tã.
Không dùng tã
Cho trẻ ngủ mà không dùng tã bỉm, chỉ cần lót bên dưới mông trẻ một tấm vải chống thấm, bảo vệ cho chiếc đệm là được. Như vậy phần bên dưới của trẻ sẽ luôn được thông thoáng, giúp cho da bé có cơ hội được “thở” và liền lại vết thương do hăm tã gây ra. Việc trị hăm cho bé dứt điểm sẽ nhanh chóng hơn.
Baking soda (Thuốc muối)
Trộn 2 thìa baking soda với nước tắm hàng ngày của bé rồi rửa cho bé mỗi lần thay tã, để xoa dịu, giảm đau ngứa vùng da hăm khó chịu.
2. Phòng chứng hăm tã như thế nào?
Nguyên nhân gây hăm tã
Để ngừa hăm tã cho con, mẹ cần phải biết nguyên nhân gây ra hăm tã. Hăm tã thường xảy ra khi:
Trẻ nhỏ không được ở trong tình trạng sạch sẽ, khô thoáng.
Trẻ bị mặc bỉm, tã, quần áo quá chật, bị chà xát vào làn da mỏng manh của bé.
Hăm tã thường xảy ra khi bé bị đóng bỉm, tã quá chật, bị chà xát vào làn da mỏng manh của bé. (Ảnh minh họa)
Da bé bị mẫn cảm, dị ứng với loại khăn ướt mà mẹ sử dụng,
Bé gặp đồ ăn lạ: có thể do bắt đầu tập ăn thức ăn rắn hoặc bé bị tiêu chảy
Cách phòng hăm tã
Giữ vùng kín của bé sạch sẽ và khô thoáng. Thay tã cho bé thường xuyên. Rửa vùng kín cho bé bằng nước ấm sạch là tốt nhất – chỉ dùng thêm một chút xà phòng loại nhẹ, không gây kích ứng, không có mùi hương khi nào bé quá bẩn. Nhớ để vùng kín cho bé thật khô thoáng trước khi đóng bỉm, tã mới cho bé.
Cho bé dùng loại tã có kích cỡ phù hợp, tránh để bé phải cảm thấy khó chịu, chật chội, bí bách vì mặc tã, gây kích ứng cho làn da, dẫn đến hiện tượng hăm tã.
Không nên lau vùng kín của bé bằng khăn tắm sau khi tắm cho bé xong – điều này có thể làm cho làn da nhạy cảm của bé bị kích ứng, làm vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Tốt nhất là mẹ nên nhẹ nhàng vỗ và xoa vào khu vực đó của bé cho mau khô.