Cha mẹ hãy có những cách ứng xử phù hợp, để con cảm nhận được tình yêu thương, đặc biệt đối với những bố mẹ có con ở lứa tuổi tiểu học
Mỗi trẻ em đều biết rằng cha mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng mình. Tuy nhiên, nếu bậc cha mẹ thường xuyên la hét, quát mắng, tạo cho trẻ những cảm xúc tiêu cực, thì liệu con có thể tin rằng bạn yêu chúng hay không? Dưới đây là vài gợi ý của chuyên gia đào tạo Nguyễn Thị Xuân Phương (Trung tâm phát triển kỹ năng sống TGM) giúp người làm cha làm mẹ có những cách ứng xử phù hợp, để con cảm nhận được tình yêu thương, đặc biệt đối với những bố mẹ có con ở lứa tuổi tiểu học.
1. Thay đổi cách nói chuyện với con
Có bao giờ bậc làm cha mẹ ngồi nghĩ lại câu nào mình hay nói với con của mình nhất? Theo thống kê của một số học sinh, 5 mẫu câu “đáng ghét” nhất mà bậc phụ huynh thường nói với chúng là: “Con có mỗi việc học thôi, có phải lo gì nữa đâu”, “Bố mẹ có mắng cũng chỉ vì thương con thôi”, “Con nhìn gương cái A, B, C nhà bác X, Y, Z kia kìa”, “Bố mẹ có tiếc con cái gì bao giờ đâu”, “Hồi xưa bố mẹ khổ lắm, không sướng như con bây giờ”…
Có phải những câu mà người làm cha làm mẹ thường nói với con chủ yếu đều mang tính mệnh lệnh, yêu cầu trẻ phải làm việc này, việc kia? Nếu là câu hỏi, họ cũng ít hỏi về cảm xúc của con mà hay hỏi về những công việc mà con phải làm, hỏi về điểm số ở trường.
Nếu muốn bé cảm nhận được tình yêu thương, bạn nên tăng cường các câu khen ngợi, các cử chỉ âu yếm và thời gian chia sẻ chất lượng dành cho con mình.
Những bé dưới 10 tuổi vẫn rất đề cao sự âu yếm của cha mẹ, vẫn thích kể chuyện trường lớp bạn bè cho bố mẹ nghe. Đến giai đoạn tuổi vị thành niên, con sẽ tập trung và dành thời gian cho những mối quan hệ bạn bè nhiều hơn. Vì thế, nếu như ở giai đoạn tiểu học, trẻ không học được thói quen chia sẻ với bạn chỉ vì luôn gặp phải những câu mệnh lệnh ở cửa miệng của bố mẹ thì khi đến tuổi vị thành niên, con càng gặp khó khăn trong việc chia sẻ với bạn những vấn đề mà bé gặp phải.
2. Đả thông tư tưởng con chỉ là con nít
Nói thì dễ, làm thì khó. Phụ huynh thường tự nhủ sẽ nói nhẹ nhàng với bé nhưng đến lúc nói chuyện thấy sao chúng bướng bỉnh và dở hơi quá, vậy là lại nổi cáu. Bạn cảm thấy dường như bé quá ích kỷ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình (thực ra ở tuổi này, các con chưa đủ phát triển để nghĩ cho người khác). Bạn bực mình vì con không cẩn thận, hay làm sai, hay làm đổ vỡ (thực ra, ở tuổi tiểu học, tư duy của con là tư duy trực quan hành động, có thể con không biết 2+5 bằng mấy nhưng khi bảo con có 2 cái kẹo, được cho thêm 5 cái kẹo, chúng biết ngay mình có 7). Bạn bực mình cho rằng con không nghe lời (thực ra, sự chú ý của con chưa phát triển đển mức bình tĩnh nghe lời người khác). Trẻ em ở lứa tuổi tiểu học thường bị bố mẹ quát mắng và ăn đòn nhiều nhất. Nhiều người chia sẻ có cảm giác con họ như đang trêu tức bố mẹ.
Nếu bạn biết nghĩ: con chỉ là trẻ con thì sẽ không bực mình, không khó chịu và có thể dạy con một cách bình tĩnh, tránh làm tổn thương bé bằng những câu nói hay hành động lúc nóng nảy.
3. Tháo “nhãn” cho con
Nếu bạn thường xuyên gán cho trẻ những cá tính xấu, nói với con những câu kiểu “Con lớn rồi mà không biết thương em” hay luôn miệng phàn nàn rằng con hư, con nghịch… trẻ sẽ cảm thấy mình không có giá trị với bố mẹ, đằng nào cũng bị bố mẹ coi là đứa trẻ hư, bị cho ra rìa nên chúng không cần phải cố gắng nữa. Mối quan hệ giữa con và bố mẹ sẽ bị rạn nứt từ đó.
4. Chấp nhận mong muốn, cá tính của con
Bạn thường nặng nề với suy nghĩ, dạy con là trách nhiệm của bố mẹ, thấy trẻ không làm theo ý mình thì rất muốn sửa lại cho đúng form bản thân mong muốn, thậm chí cáu giận với trẻ.
Bạn nên nhớ, môi trường ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một trẻ em bao gồm xã hội, nhà trường, gia đình và đặc biệt là cá tính của chúng.
Muốn bé làm theo ý mình 100% là điều không thể. Khi đòi hỏi bé cao quá, trong khi bé không làm được, bạn bực mình khiến con cũng khó chịu lây và càng không cảm nhận được tình cảm của bạn dành cho chúng. Nuôi dạy trẻ nên theo thiên hướng phát triển của bé chứ không phải theo mong muốn của bạn. Khi cố gò ép trẻ theo ý của mình mà không để ý đến mong muốn của bé không chỉ làm chúng khổ mà còn làm chính bạn khổ lây. Albert Einstein đã từng nói: “Tất cả mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình thật là ngu ngốc”.
5. Giải tỏa áp lực cho bản thân
Để bé được vui vẻ thì bản thân cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, cũng phải có môi trường tốt. phụ huynh nhiều khi giận cá chém thớt, bực mình với ai đó, mệt mỏi căng thẳng với công việc thì trút giận vào trẻ. Khi bản thân mình vui vẻ, mình nhìn cái gì cũng thoáng và dễ bỏ qua cho người khác, khi mình đang cáu giận, buồn bực thì nhìn cái gì cũng không thấy hài lòng, trẻ có một lỗi nhỏ cũng có thể khiến mình la mắng, quát tháo. Và bạn càng quát tháo thì càng đẩy bé ra xa mình.
Bạn hãy bình tĩnh khi nói chuyện với con, làm sao để con cảm nhận được, dù thế nào thì bố mẹ vẫn luôn bên mình.
Khi bực mình, bạn hãy im lặng, tránh nói những lời có thể khiến con khó chịu và suy đoán rằng bạn không yêu chúng.
6. Dành thời gian cho con
Dù bận rộn với việc kiếm sống, bạn vẫn nên cố gắng dành cho bé một khoảng thời gian nhất định. Thời gian bên bé càng ít thì càng phải chất lượng, bạn nên chú ý sẽ nói gì với con, tạo cho con cảm giác gì…
Nếu con không tìm được chỗ dựa trong gia đình, trẻ sẽ tìm chỗ dựa ở những nơi khác, và biết đâu đó là những đàn anh, đàn chị bất hảo trong xã hội mà con bạn nghĩ rằng người đó mạnh mẽ và có thể bảo vệ đươc chúng.
Bạn nên làm gương cho trẻ, lắng nghe những ưu tư lo lắng và ghi nhận công lao của người chồng hoặc vợ. Người mẹ thường là người ở bên và chăm sóc bé hàng ngày. Còn bố cũng có thể cùng chơi các trò vận động với trẻ, dành thời gian tìm các khóa học, mua sách vở cho bé….
Nếu bạn đánh hay quát mắng con mỗi khi bực mình thì khi bực mình con bạn cũng có hành động “sao y lại bản chính” với đứa em của mình.
Theo: vnexpress