Từ sau bận bé Bắp nhà em bị tiêu chảy triền miên khi kết thúc đợt thuốc kháng sinh, em bắt đầu thấy sợ thuốc Tây lắm luôn! Biết là có bệnh phải uống thuốc mới khỏi nhưng cũng khó biết bác sĩ nào có tâm lắm ạ. Gặp bác biết xót con mình, chỉ cho dùng kháng sinh khi cần thì không nói làm gì. Nhưng gặp phải bác cứ kê kháng sinh vô tội vạ thì khổ con.
Đợt vừa rồi, trở trời, con ho hắng cả ngày, sốt ruột lắm em mới cho con đi khám. Bác sĩ bảo bé Bắp nhà em chỉ bị viêm họng. Biết bệnh con rồi, thế là sau ngày thuốc đầu tiên, em chuyển sang cho con uống nước lá me đất luôn. Chỉ sau 2 ngày, con em bớt ho hẳn. Đến ngày thứ 3, em cho con uống thêm nữa thì dứt luôn từ đó.
Em dám cho con em làm chuột bạch rồi! Cũng hơi hồi hộp vì lần đầu cho Bắp làm quen thứ nước lá hơi khó uống. Nhưng cuối cùng cũng dụ được, con uống vào bệnh khỏi mà mẹ cũng đỡ sốt ruột nhìn con uống thuốc, mừng ghê!
Sẵn đây, em cũng chia sẻ với các mẹ bài thuốc trị ho từ lá me đất em đã dùng cũng như các loại lá có tác dụng trị ho hiệu quả theo Đông y. Mẹ nào thấy bài thuốc nào gần gũi với nơi mình sinh sống thì thử áp dụng nhé!
Lá chua me đất
Đây là loại lá em đã dùng để chữa ho cho Bắp. Ở chỗ em sẵn có lá chua me đất hoa vàng (Oxalis corniculata), loại có ba lá chét nhỏ nên em hái đỡ một nắm trước. Đầu tiên, đem về rửa qua với nước muối loãng. Sau đó, lấy một nhúm, cắt nhỏ, cho vào bát và thêm vài cục đường phèn. Lấy bát lá này đi hấp cách thủy cho đến khi đường phèn tan hoàn toàn và lá me chín dập. Em dùng nước này cho cái Bắp nhà em uống 2 ngày, ngày 3 lần: sáng, trưa và tối. Sau khi con uống, em thấy con đỡ ho hẳn. Nhưng để chắc chắn bệnh không tái phát, em cho con uống thêm ngày nữa.
Ngoài cách này ra, em cũng nghe mọi người chỉ nhai lá chua me đất với ít muối và nuốt nước cũng chữa viêm họng, ho đờm, ho khan rất hay đấy ạ! Nhưng chắc cách này chỉ dùng được cho mấy bé lớn thôi ạ!
Lá ngũ trảo
Cách này ở quê chồng nhà mình, nhiều mẹ dùng hiệu quả lắm. Mọi người hái lá ngũ trảo về, phơi khô và xay thành bột. Sau đó lấy khoảng 70g bột lá ngũ trảo đem nấu với 1 lít nước cho thật sôi rồi chắt lấy nước cốt. Tiếp tục lấy nước này đun sôi với 1 muỗng canh mật ong và nấu đến khi sền sệt lại thì để nguội và cho vào hũ có nắp kín bảo quản. Cái này là sirô trị ho từ ngũ trảo. Mẹ có thể cho bé uống ngày 1-2 muỗng cà phê và uống 3 lần/ ngày. Nếu bé dưới 1 tuổi, mẹ nên thay mật ong bằng đường phèn để tránh bé bị ngộ độc nhé!
Lá diếp cá
Lá diếp cá có tính mát, vị chua, có tác dụng đặc biệt với gan và phổi nên thường dùng để giải nhiệt, giải độc, tiêu viêm, sát khuẩn. Nhiều người xem lá diếp cá như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên để điều trị ho cho trẻ nhỏ.
Mẹ có thể lấy khoảng 15 lá diếp cá nấu với nước vo gạo mới và nấu cho đến khi lá nhừ nát rồi lọc lấy nước, để nguội. Do em chưa từng cho bé Bắp nước rau diếp cá bao giờ nên không biết bé có phản ứng ra sao. Nhưng nhiều mẹ từng cho con áp dụng cách này chia sẻ rằng vì lá diếp cá rất mát nên có thể phân con đi sẽ hơi lỏng trong thời gian uống nước lá đấy ạ!
Lá hẹ
Theo các tài liệu Đông y cổ và kinh nghiệm của các cụ, lá hẹ có tác dụng bổ gan, thận và nhất là trị ho cho trẻ nhỏ rất hiệu nghiệm. Dùng lá hẹ cũng khá đơn giản. Mẹ chỉ việc cho nắm lá đã rửa sạch vào bát và chưng với 2-3 cục đường phèn. Sau khi vừa chưng xong, để nguội và cho bé uống từ 2-3 muỗng cà phê, và uống 2 lần/ngày.
Lá húng chanh
Húng chanh hay như mọi người quen gọi là lá tần cũng có tác dụng trị ho rất hiệu quả. Trong lá này có chứa tinh dầu với thành phần cavaron là chủ yếu. Do đó, nó thể làm tan đờm, tiêu độc và nhờ đó chữa ho, trị viêm họng cho bé. Mẹ có thể giã lá húng chanh với ít muối và lấy nước cho con uống hoặc cho vào máy xay chung với đường phèn trước khi đem hấp cách thủy khoảng 20 phút. Mỗi ngày, chỉ cần cho trẻ uống 2-3 lần, cơn ho của bé sẽ giảm.
Lá xương sông
Ngoài công dụng trị đầy bụng, tan máu bầm, lá xương sông còn nổi tiếng là loại lá trị ho cảm cho trẻ nhỏ rất hiệu quả. Để có được hiệu quả trị ho tốt nhất, mẹ nên chọn loại lá xương sông bánh tẻ, lấy khoảng chừng 5-6 lá và giã nhỏ. Sau đó cho vào bát, thêm mật ong và đem hấp cách thủy. Lấy nước trong bát cho con uống liên tục trong 5 ngày, ngày 2 lần.
Lá cải cúc
Nhà nào cũng ít nhất vài ban lần mua cải cúc về nấu canh nhưng có lẽ ít mẹ nào biết lá cải cúc cũng là một vị thuốc chữa ho. Cải cúc lại có vị ngọt nhẹ, ít hăng hơn các loại lá khác nên rất thích hợp cho trẻ nhỏ. Để chữa ho với cải cúc, sau khi rửa sạch, mẹ cắt khúc, thêm mật ong và đem chưng cách thủy chừng 20 phút. Lấy nước có được cho bé uống ngày 2-3 lần.
Lá tía tô
Tía tô chẳng những trị ho cảm thông thường mà còn rất tốt cho trẻ bị hen suyễn do nó có tính ấm, vị cay. Để trị hiệu quả hơn, mẹ kết hợp: 5g lá tía tô, 5g hoa đu đủ đực, 5g hoa khế. Cho tất cả vào bát, thêm 2 muỗng canh mật ong và đun nhỏ lửa đến khi lá tía tô chín rục. Sau đó, rót nước này vào chai và để tủ lạnh dùng dần. Cả hoa đu đủ đực, hoa khế đều là những vị thuốc trị ho rất hay, kết hợp cùng lá tía tô chắc chắn bé sẽ nhanh khỏi bệnh. Nếu là bé lớn, mẹ có thể giã lấy nước, pha thêm ít muối cho bé uống cũng rất hiệu quả.
Lá khế
Theo Đông y, lá khế thường dùng để trị sởi, mề đay, phát ban hoặc ngứa trên da. Đây cũng là loại lá dùng để trị ho do viêm họng rất hiệu quả. Mẹ đem lá khế đi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước và pha với ít muối cho bé uống.
Xà lách xoong
Ở nước ta, xà lách xoong ít được dùng để trị ho nhưng y học cổ truyền Tây phương lại biết đến xà lách xoong từ xa xưa với công dụng trị ho, suyễn… Cũng như những cách trên, các mẹ có thể lấy nắm lá xà lách xoong, đun sôi với nước cho đến khi lá mềm rục và lấy nước này cho bé uống ngày 3 lần.
Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là một loại thuốc quý, có rất nhiều công dụng như chữa động thai, trị đái dầm, trị ho, hạ sốt, hạ huyết áp, ngừa viêm não truyền nhiễm… Trong đó, công dụng trị ho từ cỏ mần trầu cũng được rất nhiều người áp dụng. Đơn giản, chỉ việc lấy 50g cỏ mần trầu, 30g rễ cỏ tranh và sắc với 400ml nước. Sau khi nước còn lại 1/3, tắt bếp, để nguội và cho bé uống ngày 2 lần.
Ngoài các loại lá em kể trên, các bài thuốc như gừng ngâm mật ong và chanh; tắc chưng đường phèn; lê chưng đường phèn… cũng có công dụng trị ho rất tốt, được nhiều mẹ áp dụng và chia sẻ thành quả.
Lưu ý: Đối với các bài thuốc dân gian, các mẹ cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Hoặc ít nhất phải cho con đi khám để biết con bệnh gì mà áp dụng cho đúng nhé! Trong trường hợp con uống lá đã 5-7 ngày vẫn chưa khỏi hoặc có dấu hiệu ho nặng hơn, mẹ nên ngưng và cho con đi khám lại nhé!
(Theo wtt)