Tình yêu
Tình yêu và sự âu yếm thực sự cần thiết cho trẻ, nhất trong những tuần tháng đầu tiên. Con bạn không cố tình lôi kéo sự chú ý của bạn bằng tiếng khóc mà chỉ đơn giản nó có một nhu cầu tự nhiên là cần tình yêu của bạn. Bạn không hề làm hư con nếu dỗ dành khi con khóc.
Nựng con, dỗ dành con khi chúng khóc sẽ tạo nên sự tin cậy. Con bạn sẽ tin rằng nhu cầu của chúng được đáp ứng và sẽ không bị stress. Đồng thời, chúng học được về tình yêu và hình thành mối quan hệ giữa người với người. Nếu một đứa trẻ ngay từ những tuần đầu tiên không được chú ý chăm sóc, lớn lên chúng sẽ sống khép mình và cô độc.
Bạn phải làm gì: Luôn luôn dỗ dành trẻ khi chúng khóc bằng cách âu yếm vuốt ve hoặc nựng nịu; không nên để trẻ khóc một mình.
Trò chuyện
Nói chuyện với trẻ, không phải lắp bắp bằng một giọng nói vô cảm mà nói một cách dịu dàng. Giọng của mẹ chính là âm thanh yêu thích nhất của trẻ từ khi mới chỉ là bào thai 5 tháng tuổi.
Bạn phải làm gì: Sử dụng ngôn ngữ mà bạn thành thạo nhất và với vốn từ vựng phong phú. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng học của trẻ nhỏ. Con bạn sẽ rất thích giao tiếp với bạn khi bạn sử dụng ngôn ngữ biểu cảm.
Vuốt ve
Vuốt ve là một công cụ tuyệt vời để học hỏi. Nó cũng có tác động đáng kể trong việc giúp trấn an trẻ. Những đứa trẻ được massage sẽ lớn nhanh hơn, ít cáu kỉnh và nếu phải nằm viện thì cũng được ra viện nhanh hơn những đứa trẻ không được xoa bóp.
Hãy giữ cho trẻ gần gũi với bạn khi cho ăn và ôm ấp trẻ thường xuyên. Sau khi tắm, bạn nên hát cho trẻ nghe và nói mình đang xoa đến đâu. Bạn sẽ rất thích những giây phút như thế này bên con.
Bắt chước
Con bạn rất thích nhìn vào khuôn mặt của mẹ. Ngay từ khi mới sinh, con trẻ đã thích như vậy. Trẻ có thể bắt chước những vẻ mặt của mẹ như cười hoặc cau mày.
Bạn phải làm gì: Khuyến khích trẻ bắt chước bạn. Hãy cúi xuống cách trẻ khoảng 20 cm và làm điệu bộ như là tặc lưỡi. Dù con bạn là trẻ sơ sinh, nó cũng có thể sẽ tặc lưỡi với bạn đấy.
Trải nghiệm
Hãy để trẻ trải nghiệm càng nhiều càng tốt, tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh sẽ làm tâm hồn trẻ trở nên hào hứng hơn.
Bạn phải làm gì? Đi dạo và đưa con đến nhiều nơi như siêu thị, sân chơi và phố phường. Cho con cảm nhận được những cảnh vật khác nhau và những âm thanh khác nhau.
Không để trẻ trước màn hình TV suốt cả ngày. Điều này sẽ không kích thích trẻ. Trẻ cần những trải nghiệm thực sự chứ không phải là những hình ảnh ảo.
Khám phá
Trẻ sẽ cần nhiều không gian để tự mình khám phá. Hãy tạo một môi trường an toàn để trẻ tìm hiểu như phòng khách.
Không nên đặt những vật nguy hiểm trong tầm với của trẻ, bịt mọi ổ cắm điện và các góc sắc cạnh của đồ đạc. Cho nhiều đồ chơi an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Đọc sách
Nên bắt đầu đọc sách cho trẻ nghe từ sớm. Nó có thể không cần hiểu câu chuyện nhưng sẽ rất thích nghe giọng của bạn và nhìn vào các bức tranh.
Bạn hãy sử dụng các loại truyện tranh hoặc những loại sách kích thích khả năng xúc giác, ví dụ sách có bề mặt khác nhau để trẻ có thể sờ lên đó.
Âm nhạc
Hát và chơi nhạc cho trẻ từ khi bé còn trong bào thai rất có ích cho sự phát triển của não bộ. Thông thường âm nhạc có nhịp điệu không dứt như nhạc giao hưởng là tốt nhất. Nhạc của Mozart được coi là kích thích các nơ-ron thần kinh, như các nơ-ron phục vụ cho việc học tốt môn toán.
Hòa âm hoặc hát đồng dao, các bài vui nhộn là cách làm cho trẻ vui vẻ. Bạn có thể sử dụng các hộp nhạc hoặc nhạc thu âm để tạo nên một không khí yên tĩnh khi ăn và để khuấy động khi chơi.
Chơi đùa
Đó chính là cách trẻ có thể học trong khi vui thích với trò chơi. Khi chơi với trẻ, bạn đang giúp chúng phát triển mà bạn không thể nhận thấy điều đó ngay được.
Bạn hãy sử dụng những hình vẽ tương phản giúp cho con tăng cường khả năng tập trung và chú ý. Giải thích các màu sắc hoặc bức tranh khi con bạn xem.
Chơi trò chơi với ngón tay từ sớm sẽ giúp phát triển khả năng gập các ngón tay vào lòng bàn tay và chìa tay ra để nắm đồ vật. Con bạn chỉ có thể học cách sử dụng bàn tay và ngón tay nếu được thực hành. Bằng trò chơi này, con bạn có thể học được ngôn ngữ và kỹ năng vận động một cách thành thạo.
Nhẹ nhàng đưa cánh tay của con bạn. Thay đổi tay. Cười với con và mô tả các chuyển động của cánh tay. Khen ngợi con vì đã làm được các chuyển động đó. Trò chơi này dạy con bạn hiểu “nguyên nhân và kết quả”, lại giúp luyện tập kỹ năng nhìn theo.
Khen ngợi trẻ thông minh
Không tiếc lời khen ngợi, động viên khi con làm được đúng những động tác bạn dạy. Hãy xây dựng lòng tự trọng của con bạn bằng cách để trẻ khám phá và học hỏi.
Bạn nên khuyến khích con dũng cảm vượt qua những thử thách bằng cách liên tục nói rằng nó có thể làm được việc đó. Chú ý đến những cố gắng của con và thưởng, động viên vì những điều trẻ đã đạt được.