Vượt khó: Phải làm sao cho con khỏe về nhà, quyết tâm rồi phải tìm cách không ngồi đó chờ được. Mỗi lần vào cho con bú để ý các cô y tá ở phòng chăm sóc đặc biệt, chọn cô có vẻ tận tâm nhiều kinh nghiệm nhất, xin số điện thoại, sau đó đặt vấn đề nhờ giúp đỡ chăm sóc bé cả sau khi ra viện. Gửi ít tiền cảm ơn. Hiệu quả lắm, bé được quan tâm hơn, được cô tập bú (bé đang được nuôi bằng ống thông dạ dày), sau 10 ngày cho xuất viện.

Về nhà cân lại bé còn 1,5kg, vẫn yếu lắm không đủ sức bú, cô y tá đến mỗi ngày (100.000đ/h). Đầu tiên cô bắt khoét lỗ núm vú thật to gấp 3 lỗ bình thường của size núm vú sơ sinh, để vào góc miệng em bé, chỉ cần bé nhấp nhẹ sữa sẽ xuống ngay, cách này giúp bé bú được nhưng rất dễ bị sặc, mỗi khi bé sặc mình tái hết mặt mày nhưng cô y tá tỉnh như không, búng mạnh vào gan bàn chân cho bé khóc để không ngạt thở. Cô ấy quen làm được, mình chịu không dám cho bú kiểu đó, thế là nài nỉ cô gắn ống thông để đổ sữa vào xilanh bơm cho bé.

Cách 1h bơm 1 lần, mỗi lần 30cc, khổ nỗi bé nhà mình bị trào ngược, không bơm 1 lần được, phải chia đôi, mỗi lần 15 cc, cách 30phut bơm 1 lần, nhiều khi ngồi cầm xi lanh cho chảy từ từ vào bao tử con mà người cứ muốn đổ gục vì căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng tình thương con cho mình sức mạnh vượt lên mỗi ngày.

bi-quyet-cham-soc-tre-sinh-non

Cân nặng của bé: Việc thứ 2 cô y tá yêu cầu là phải mua 1 cái cân em bé, mỗi ngày tầm 9g sáng là cân con, phải ghi chú cân nặng sao cho mỗi ngày bé tăng 50gr là đạt yêu cầu, nếu tăng ít hơn là phải nỗ lực chăm sóc hơn. Biết đây là vấn đề quan trọng nhất cho sự phát triển của bé nên cả nhà đều dốc sức

Đầu tiên là chọn sữa (vì mẹ không có sữa): may mắn là khi bé nằm dưỡng nhi ở BVTD đã được cho bú loại sữa đặc biệt dùng cho trẻ sinh non, thấy bé hấp thu tốt nên mình dùng luôn. Đó là sữa Prenan của hãng Nestley (4 tháng đầu là Prenan 1, sau là Prenan 2), sữa này rất dễ tiêu, các bé sinh non bộ máy tiêu hóa còn yếu nếu có sữa mẹ là tốt nhất, may mà khoa học tiến bộ nên còn có những loại sữa chuyên dụng này, chỉ tội khá mắc tiền (lúc đấy là >120k/hộp 400gr).

Kích thích cơ thể bé hấp thu và phát triển: phải cho bé tắm nắng, việc nhỏ này rất quan trọng, mình vốn úm con sợ đem bé ra nắng gió (nhất là buổi sáng sớm trời hay se lạnh) nên thường bỏ qua việc này khi nuôi bé lớn kết quả là cơ thể bé không tổng hợp được vitamin D và canxi làm bé còi cọc, thiếu chiều cao. Do đó bé sau này dù bé tẻo teo vẫn phải mang tắm nắng. Lấy cái khăn bông to quấn bé, hé lộ từng phần da thịt (vẫn sợ nhiễm lạnh) phần lưng cho lộ nhiều, phần ngực lộ ít một, phần không lộ thì giữ ấm, cứ thế làm sao cho cả cơ thể con đều được tắm nắng. Ngoài tắm nằng việc tiếp theo là masage cho con, sử dụng lotion dành cho em bé (siêu thị có bán) xoa một ít vào lòng bàn tay sau đó xoa khắp người bé, chà xát kích thích cho máu lưu thông, xoa nắn chân tay, vuốt xương cẳng chân nắn nhẹ cho chân đỡ cong (vì xương bé sơ sinh rất mềm), hai tay xoa hai hướng như vẽ hình trái tim, mỗi ngày masage con 1 đến 2 lần sau khi tắm xong hoặc trước giờ bé bú.

Tất cả yêu cầu của cô y tá mình nhất nhất làm theo, 2 tuần đầu căng thẳng lắm vì chưa quen và bé chưa tăng cân tốt lắm (có khi 3 ngày mới tăng 100gr) tuần thứ 3 thì mọi việc vào nề nếp, có ngày bé tăng hơn 50gr, khi bé 2 tháng bé được 3,7 kg gần bằng bé bình thường. Tạ ơn trời phật.

Bí quyết chăm sóc trẻ sinh non

Giữ cho con không bệnh: Việc rất quan trọng khi nuôi bé sinh non là làm sao giữ cho con không nhiễm bệnh. Để làm được điều này tưởng là khó nhưng nếu biết cách vẫn có thể thực hiện được bằng một vài cách như sau:

1/ Giữ cho nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ: Trước đây khi mình nuôi bé đầu, sợ con ốm lắm nên suốt ngày tất cả các cửa đều đóng kín (không cho gió lùa mình nghĩ như thế bé sẽ không nhiễm bệnh) nhưng kết quả là bé yếu nhớt, bệnh suốt. Rút kinh nghiệm bé thứ hai dù sinh non nhưng mình vẫn giữ nhà cửa thông thoáng (chỗ bé nằm gió không thốc thẳng là được).

2/ Sử dụng quạt và máy lạnh đúng cách. Mùa nóng mình sử dụng quạt bằng cách cho xoay vào tường tạt gió ra mát mẻ mà không làm bé lạnh, sử dụng máy lạnh thì đặt nôi bé nằm sát ngay vị trí đặt máy (nơi không bị hơi lạnh phả trực tiếp).

3/ Tắm bé đúng cách. Đã có kinh nghiệm nuôi bé đầu nhưng khi bé sau bị sinh non, bé như chai nước, da mỏng như tờ giấy thì thực sự cả mẹ và bà đành trông chờ cô y tá mỗi ngày. Cô sử dụng 1 cái chậu không lớn lắm, đường kính chỉ khoảng 25 cm, cô chỉ dùng khăn vải mùng lau rửa thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không dùng xà bông em bé, chỉ tắm bằng nước ấm, không khoả nước lên người nơi duy nhất vuốt nước là bộ phận sinh dục.

4/ Cái máy sấy tóc. Ban đầu mình cũng chả hiểu cái máy sấy tóc liên quan gì đế việc giữ cho bé không ốm, nhưng đến khi thấy cô ý tá sử dụng thì hiệu quả vô cùng. Đầu tiên là cho việc mặc quần áo của bé sau khi tắm: khi cô tắm bé gần xong, mình phải dùng máy sấy, sấy vài vòng lên khăn lông quấn bé để giữ nhiệt. Quần áo lấy từ tủ ra cũng vậy, ban đầu mát lạnh nếu mặc ngay vào người bé + bé vừa tắm thân nhiệt giảm sẽ làm bé dễ nhiễm bệnh (do trẻ sinh non thân nhiệt kém trẻ thường), phải dùng máy sấy, sấy thân áo, tay áo và quần cũng thế, sau đó lấy tay vò cho mềm và nếu có kiến thì diệt luôn. Trời lạnh dùng máy sấy, sấy quanh chỗ bé nằm để tạo hơi ấm, hiệu quả vô cùng

Bé hay ọc sữa: Cả 2 bé nhà mình đều bị trào ngược nên chuyện ọc sữa là “chuyện thường ngày”. Khi nuôi bé đầu mình đã từng stress nặng vì chuyện này, đưa con đi đủ các bác sĩ, uống đủ loại thuốc từ từ Tây đến Tàu (motilium là chẳng si nhe gì). Không kinh nghiệm nên bé đầu mình suy dinh dưỡng 1 tuổi chỉ có 9kg, đến bé sau đã sinh non lại còn bị trào ngược, nó không trào ngay, bé bú xong nằm ngủ khoảng 30′ bỗng ho lên 1 tiếng sữa trào ra lỗ mũi, sợ kinh hoàng luôn, vẫn cô y tá chỉ cho mình các làm: phải tạo cho bé cái gối đặc biệt có độ dốc đế 45 độ để bé nằm, sau này đi khám ở 1 PGS-TS nhi khoa bà bảo việc quan trọng để làm giảm bé ọc sữa không phải là uống thuốc mà là cách bế bé sau khi bú.

bi-quyet-cham-soc-tre-sinh-non

Động tác bế bé cho bé ợ hơi rất quan trọng. Đó là: cho cằm bé tựa vào vai mình, một tay bợ mông bé sao cho đấu và mông bé hơi tạo độ dốc (biên độ nhỏ thôi), tay còn lại vuốt xuôi lưng bé kích thích bé ợ hơi. Khi bé lớn hơn chút, đặt bé ngồi thẳng lên đùi mình, một tay đỡ trước ngực, 1 tay vuốt xuôi sau lưng (hoặc vỗ nhẹ vào giữa lưng), lúc đầu bà nội bé lo vì bé mới hơn 2 tháng đã dựng ngồi như vậy sợ bé sẽ ảnh hưởng cột sống, như nếu mình đỡ bé đúng cách giúp bé ngồi thẳng, bé sẽ không sao (đã kiểm nghiệm vì bé mình nay 5 tuổi rồi). Mách nhỏ nữa là nếu bạn nào ở SG có thể đến TT phục hồi chức năng của BV Nhi Đồng 1 (nhớ là vào Trung tâm đừng vào khu khám bệnh của BV) mua 1 cái gối chống trào ngược cho bé nằm, cũng khá hiệu quả.

Áp dụng những cách trên đây với bé sinh non nhà mình, khá vất vả, cả nhà thay phiên nhau bế bé, có khi đến 30′ sau khi bú mới dám đặt xuống, cách này giúp bé giữ được lượng sữa đã bú và tăng cân nhưng cơ địa bé bị trào ngược quá nặng nên khi không trào hẳn ra ngoài như mình thấy bé vẫn bị trào bên trong nên khi 4 tháng bé bị viêm tiểu phế quản do trào ngược phải nằm NĐ1 gần 10 ngày nhưng đã chuẩn bị tâm lý “sống chung với lũ” rồi nên lấn này mình không stress như bé đầu, nghĩa là mình đã hiểu việc trào ngược của bé là không thể chấm dứt mà chúng ta chỉ có thể làm giảm tác hại và ảnh hưởng của nó (bằng cách bế giúp bé ợ hơi và thuốc tiêu hoá), còn bé ọc hết ta cho bú lại, bé viên tiểu phế quản ta đến BV thế thôi (như lũ về thì thích ứng với lũ), bạn có căng thẳng hay khổ sở chỉ mệt mình và những người xung quanh chứ không giải quyết được vấn đế (Phải nuôi 2 đứa và đổ bao nhiêu nước mắt mới rút được kinh nghiệm xương máu này đấy).

Khi trời trở lạnh: Việc giữ ấm cho bé sinh non quan trọng lắm, vì bé sinh non yếu toàn diện nên rất dễ viêm phổi (đã có bé viêm phổi qua đời khi chỉ vài tháng) ám ảnh điều này nên mình luôn đề cao cảnh giác.

Nhưng giữ ấm cho con không có nghĩa là úm con (đã từng làm thế với bé đầu và thất bại). Có vài cách khá hiệu quả mà mình đúc kết được.

Cái chụp bé: chức năng thông thường của nó là chụp bé nằm khỏi bị muỗi, ruồi tấn công nhưng khi trời trở lạnh đây có thể là cái lồng ấp rất tốt. Bởi vì khi trời lạnh dù bạn có quấn bé 2,3 lớp khăn lông nhưng không khí bé hít thở lại lạnh thì bé vẫn viêm họng hay viêm phổi như thường, đôi khi bạn đóng kín cửa mà vẫn lạnh (nhất là ban đêm). Vậy để làm ấm không khí này bạn có thể lấy lồng chụp, chụp bé chưa đủ ấm có thể phủ lên 2/3 lồng chụp một cái khăn vải hoặc mảnh vải (chừa lại 1/3 cho không khí đối lưu. Lúc nửa đêm gần sáng trời lạnh nhiều, mình lấy máy sấy, sấy vài vòng xung quanh xua bớt không khí lạnh (tuỳ khả năng thức cứ thấy hơi lành lạnh là lại sấy, nhưng tuyệt đối không sấy trực tiếp vào bé, chỉ vòng ngoài xung quanh thôi).

bi-quyet-cham-soc-tre-sinh-non

Ngoài ra một cách giữ ấm giúp bé ít viêm họng nữa là mang vớ chân cho bé thường xuyên, nhất là ban đêm, ban ngày cho bé mang giày vải, trưa nóng tháo vớ cho khỏi hầm. Người già bị lạnh chân là không ngủ được nên trẻ con cũng thế những việc nhỏ này rất cần.

Giúp con phát triển trí óc. Bé sinh non nghĩa là thay vì ở trong bụng mẹ phát triển cho đủ ngày đủ tháng thì lại “chui ra” trước thời gian quy định, vì thế mà từ thể chất đến trí tuệ đều không bằng trẻ thường do đó ngoài ưu tiên chăm sóc thể chất, thì không thể không chú ý đến sự phát triển trí tuệ.

Âm nhạc. Lợi ích của âm nhạc đối với sự phát triển của bé báo chí nói nhiều rồi, mình chỉ chia sẻ việc thực hành của mình. Đem bé từ BV về là mua ngay cái máy nghe đĩa nhỏ, mở nhạc không lời của Mozat, Bethoven, nhạc hoà tấu piano của Richard Claydeman mở liên tục (âm lượng nhỏ vừa đủ nghe) khi bé ngủ (bé sơ sinh ngủ suốt ngày), chỉ ban đêm khi cả gia đình ngủ thì mới tắt (cho máy nó nghỉ nữa).

Tình yêu thương. Điềunày khoa học cũng đã chứng minh, với bé sinh non nhà mình hễ khi nằm yên ngủ thì thôi, còn khi cho bú, khi bế vác cho ợ hơi, khi tắm… tóm lại là bất cứ khi nào ai ẵm bé đều phải nói chuyện với bé, hát cho bé nghe, thì thầm những lời yêu thương, vuốt ve, hôn hít …vv. để bé cảm nhận được sự che chở, sự yêu thương.

Bé lớn hơn chút, có những giờ thức chơi thì mua những đồ vật nhiều màu sắc, hoặc phát ra âm thanh rồi trò chuyện giảng giải về chúng và làm cho bé xem (chơi).

Nếu bạn nào đã từng đọc cuốn “Em phải đến Havard để học kinh tế” thì sẽ biết thêm được ý nghĩa và những cách thức khác nữa để phát triển trí tuệ cho bé.

bi-quyet-cham-soc-tre-sinh-non

Giữ cho con không bị tưa (đẹn) miệng. Bé nào bú mẹ thì ít gặp vấn đề này nhưng bé nào bú bình thì mẹ bé chú ý. Nhưng là sao để bé đừng tưa miệng? Có phải khi bé bú xong thì cứ cho uống nước là không bị? Vậy mà bé đầu mình bị tưa miệng khổ sở đến nỗi bỏ bú luôn, lý do là do bé rất dễ trào ngược, khi bé bú no còn cho bé bú nước tiếp ào là vọt hết ra ngay, còn nếu chỉ nhỏ vài giọt nước thì không sạch được. Bé thứ 2 nhờ cô y tá mà mình học được tuyệt chiêu nên miệng bé lúc nào cũng sạch

Kỹ thuật “rửa” miệng cho con sau khi bú: bế bé trên tay (hoặc đặt bé nằm trên gối cao dốc), nghiêng đầu con sang trái (hoặc sang phải), múc một thì nước nhỏ đổ vào miệng con nhưng không cho chảy xuống họng để bé nuốt vào mà giống như tráng dầu trên chảo cho nước tràn qua lưỡi rồi sau đó chảy hết ra ngoài theo chiều nghiêng của đầu bé (nhớ đặt 1 cái khăn ngay khoé miệng để hứng nước tráng miệng này chảy ra). Bạn làm quen có thể tráng 2 – 3 lần sau mỗi cữ bú, bạn sẽ thấy mỗi lần tráng xong nước chảy ra đầy bợn sữa (những bợn sữa này nếu ở trong miệng sẽ lên men gây tưa lưỡi , thậm chí là tiêu chảy).

Rơ miệng bé đầu chả có kinh nghiệm, rơ miệng bằng thuốc rơ miệng nên sau này lưỡi bé bị bợn đóng nhiều thì rơ phải tăng “đô” thuốc mới sạch, thậm chí đến khi thuốc cũng hết xi nhê phải giã lá cỏ mực. Nên bé sau mình chỉ rơ bằng nước muối (2 lần/ ngày) kết hợp với kỹ thuật rửa miệng đổ nước ra sau mỗi cữ bú nên miệng bé rất sạch, sau này rất háu ăn chứ không biếng ăn giống chị.

Vượt qua stress: có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, mình nuôi 2 đứa, thường xuyên stress nặng, đứa đầu thì lười ăn, hay bệnh, đứa sau sinh non mong manh yếu ớt. Stress đến nỗi không thèm ăn, không ngủ được, thấy cuộc sống chán ngắt, lúc nào cũng có cảm tưởng cả ngàn khối đá đang đè nặng lên mình. Làm sao vượt qua, không dễ đâu vì phải phối hợp cả “nội công, ngoại kích”. Nghĩa là bản thân mình phải tự AQ mình, rồi khó khăn vất vả sẽ qua, rồi con sẽ khoẻ, thời gian trôi nhanh lắm..v.v. Làm việc mình thích: cũng không đơn giản vì khi bé dưới 2 tháng hầu như mình rất ít ra ngoài, vậy thì nghe nhạc, xem tivi, đọc sách…vv. cho phép mình nghỉ ngơi 1 khoảng thời gian rứt ra khỏi việc chăm con để nạp năng lượng – Đấy là nội công.

Ngoại kích là sự chia sẻ của mọi người: bất kỳ người thân nào: mẹ, mẹ chồng, em và đặc biệt là chồng, phải làm sao cho mọi người hiểu và cùng chia sẻ việc chăm sóc bé với mình (cho bé bú vài cữ, cho tắm nắng, thay tã…) cùng chăm sóc bé là cùng cho bé thêm sự yêu thương và cho mình sự đồng cảm, chia sẻ tinh thần.

Kết hợp tất cả + tình yêu thương con = vượt qua stress.

Bé sinh non chỉ vất vả chăm sóc 4 tháng đầu, nếu thành công bé sẽ phát triển như trẻ thường, thậm chí là tốt hơi cả trẻ thường không được chăm sóc đúng cách. Bé sinh non nhà mình phát triển tốt lắm, hơn hẳn chị sinh đủ về mọi mặt cả thể chất và sự lém lỉnh, lanh lợi. 1 tuổi nặng 11,5 kg, dài 79 cm bây giờ bé 4 tuổi,bảo trước từng bị sinh non chả ai tin.

Tất cả kinh nghiệm nuôi con được đúc kết bằng nước mắt, lo âu và cả tiền bạc (trả cô y tá) mình thật lòng chia sẻ với mọi người, mong rằng sẽ giúp được những ông bố bà mẹ đang nuôi con nhỏ như mình ngày xưa./.

(Tổng hợp từ chia sẻ của mẹ quachphunhan trên WTT)

Mời bạn xem thêm >>

Sự tò mò ảnh hưởng đến phát triển năng lực ở trẻ như thế nào?

Bảng việc nhà theo độ tuổi mẹ nên khuyến khích bé tự làm

Chăm sóc giấc ngủ của bé theo từng độ tuổi