1. Bi hài chuyện…quên

Chạy từ tầng 1 đến tầng 3, rồi từ tầng 3 xuống tầng 1, tôi lục tung bàn làm việc, tủ quần áo để tìm điện thoại. Thấy tôi loay hoay mãi, chồng hỏi: “Em tìm gì mà bới tung đồ đạc lên vậy?”. “Dạ, em tìm điện thoại”. “Cái em cần tìm đang ở trên… tay em đó!”. Trời, thì ra điện thoại tôi đang cầm trên tay…

Nhiều hôm, tôi dở khóc, dở cười vì quên vé xe. Đến giờ về với con rồi mà vẫn đứng ở nhà xe 30 phút để tìm, không biết mình để chỗ nào nữa. Cố lục lại trí nhớ xem mình để ở đâu, nhưng mọi thứ quá mù mịt. Cuối cùng, sau một hồi căng thẳng đầu óc, tự nhiên thấy vé xe ngay trong… ví của mình!

Nhưng có lẽ, thứ mà tôi hay quên nhất là chìa khóa xe và chìa khóa nhà. Nhiều hôm gửi xe rồi không rút chìa khóa ra, may mà bảo vệ cầm giúp. Sang nhà hàng xóm, rõ ràng là khóa cửa xong cầm chìa khóa trong tay và đi về, nhưng toàn bộ phần sau đó thì không tài nào nhớ nổi. Tôi lại đi ra ngõ rồi vào trong nhà, ngồi xuống ghế và cũng chẳng nhớ ra gì hết. Rồi lại kiếm tìm tất cả những nơi có thể. Kết quả, chìa khóa ở trên giường và tôi cũng không biết vì sao nó lại ở đó nữa… Nhiều hôm, tôi như người mất trí. hông nhớ một thứ gì khác,  Mọi thứ đảo lộn hết khiến tôi không nhớ nổi điều gì và cảm thấy “bất lực” với chính mình.

2. Cách giải quyết đãng trí sau sinh

Đúng là “đi ngày đàng học sàng khôn”, tôi “thu hoạch” được nhiều kinh nghiệm hay để “giải quyết” vấn đề. Sau 2 tuần, tình hình sẽ được cải thiện rõ rệt nếu bạn áp dụng những cách giống tôi như sau:

* Lập danh sách: Mỗi ngày có bao nhiêu việc cần làm, người bình thường còn hay quên nữa là người đãng trí. Vậy nên, bạn hãy lập danh sách những việc cần làm trong ngày. Giờ nào ăn, giờ nào vệ sinh cho con…, rồi dán ở cửa ra vào hay nơi nào dễ nhìn nhất và nên ưu tiên việc nào cần làm trước. Nhờ vậy, bạn sẽ không phải căng thẳng quá trong việc chăm con. Ghi chép phần công việc đã làm, công việc sắp tới sẽ giống như thời khóa biểu nhắc nhở bạn làm đúng, làm đủ phần việc của một ngày, một tuần hay cả tháng. Cách này không chỉ giúp bạn khó quên mà còn rèn luyện được trí nhớ rất tốt.

* Đọc sách để ghi nhớ: Theo bác sĩ tâm lý, đọc sách mỗi ngày là chìa khóa để bộ não nhạy bén và nhớ lâu vì nó khuyến khích não hoạt động. Sau khi đọc xong 1 hoặc 2 chương nên ngừng lại và tóm tắt giải đáp những gì vừa đọc. Điều này giúp rèn trí nhớ tốt hơn và tạo “phản xạ” nhớ lâu, không nhầm lẫn. Bạn cũng có thể chơi các trò chơi tư duy như sudoku, ô chữ… hoặc xem phim để luyện trí nhớ và giảm tress.

* Quan sát nhiều hơn: Nếu rảnh rỗi, bạn nên “bắt” não bộ hoạt động nhiều hơn để rèn trí nhớ. Ví dụ, xem những hình ảnh nhiều họa tiết (phong cảnh, chụp tập thể…) trong 30 giây. Sau đó, cất ảnh đi và lần lượt mô tả lại bức ảnh đó càng nhiều càng tốt. Nên ưu tiên những chi tiết đáng nhớ đầu tiên, rồi đến các chi tiết nhỏ. Cách khác, là bạn học cách nhớ tên một người. Ví dụ gặp một người, hãy nhìn họ thật kỹ, nhẩm đi nhẩm lại tên họ ít nhất 3 lần và sử dụng tên để nói chuyện. Bạn cũng có thể gắn tên với điểm đặc trưng nào đó của họ để cho dễ nhớ. Thực hành nhiều lần phương pháp này, bạn sẽ thấy được hiệu quả rất tốt.

* Tranh thủ ngủ: Thiếu ngủ cũng là thủ phạm làm giảm trí nhớ và gây stress cho các bà mẹ sau sinh, nên bạn hãy tranh thủ chợp mắt bất kể khi nào có thể. Bé ngủ thì mẹ cũng ngủ, bạn không nên quá ôm đồm việc chăm con mà cần nhờ sự giúp đỡ của người thân (ông bà, chồng…). Như vậy, sẽ gắn kết được tình thương trong gia đình, giúp bé dạn dĩ hơn và bạn có thời gian nghỉ ngơi.

* Tìm người chia sẻ: Làm quá nhiều việc, hay lo âu cũng là nguyên nhân khiến giảm trí nhớ. Vì thế, khi gặp vướng mắc hay khó khăn gì, bạn cần chia sẻ với chồng, với bố mẹ để tìm cách giải quyết và loại bỏ âu lo. Đồng thời, nên mạnh dạn hỏi những người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con. Luôn giữ cho tâm lý ổn định là yếu tố then chốt để cải thiện trí nhớ.

* Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đa dạng, không nên kiêng khem gì cả. Sau sinh, bạn nên ăn nhiều loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi và những thực phẩm chứa omega 3 – 6, rất có lợi cho não bộ và làm tăng trí nhớ. Mỗi ngày, bổ sung 2 cốc sữa trước khi cho con bú khoảng 30 phút. Uống nhiều nước lọc, vitamin E, ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh… có tác dụng chống oxy hóa tế bào não, tránh khỏi tác hại của quá trình thoái hóa, cải thiện tuần hoàn não.

* Học ngoại ngữ: Học một ngoại ngữ nào đó, không cần phải chuyên sâu, cũng là một phương pháp rèn luyện trí nhớ rất tốt, vì nó giúp trí não phải vận động. Chỉ cần kiên trì học 1 – 2 tuần, bạn sẽ thấy có kết quả ngay. Qua đó, những việc khác cũng luôn ở trong “bộ nhớ” của bạn.

* Tập thể dục hàng ngày: Ngoài việc rèn luyện sức khỏ, tập thể dục còn giúp bạn chống sự lão hóa và tránh mất trí nhớ. Môn tập giúp rèn luyện trí nhớ tốt là aerobic, vì nó cải thiện sự lưu thông hiệu quả khắp cơ thể, bao gồm cả bộ não. Ngoài ra, nếu thích một bài hát nào đó, bạn đừng ngại nghe nhiều lần. Điều này sẽ giúp não bộ ghi nhớ lời bài hát và sau một thời gian, bạn sẽ thuộc lòng chúng. Hoạt động này cũng giúp não bộ tăng được khả năng ghi nhớ.

Theo bau