Khổ sở vì chứng hay quên
Từ ngày chị sinh xong, ngày nào chị Hồng (trú tại Phúc Xá, Hà Nội) cũng lẩm bẩm điệp khúc: “Người đây, xe đây, chìa khóa đây, vé xe đây, điện thoại đây, ví đây, đủ rồi, đi thôi”. Sau khi điểm danh quân số các món đồ cần thiết 1 cách cẩn thận, chị mới bắt đầu yên tâm đi ra khỏi nhà. Từ công ty về nhà, chị cũng lẩm bẩm hàng loạt đồ dùng theo kiểu đó.
Mỗi khi có đồng nghiệp trêu chọc, chị lại phân bua: “Đừng có cười mình, đó là cách mình đỡ quên này quên nọ mà”. Trước đây khi chưa tự khai sáng ra cách này, đi đâu chị Hồng cũng quên một cái gì đó.
Hôm nào chị cũng chạy đủ 5 lượt lên lên xuống xuống cầu thang trong nhà mới mang đủ các thứ trước khi ra khỏi nhà. Khi thì chị quên chìa khóa, lúc lại quên cả điện thoại…
Chị suýt bị “khai trừ” khỏi hội các bà tám ở công ty vì cái tội hay quên của mình. Trưa nào hội của chị cũng họp nhóm ở dưới sảnh công ty để chém gió, đàm đạo, trò chuyện đủ thứ trên trời, dưới biển. Nhưng từ ngày chị sinh con xong, chị thường xuyên đang nói thì bỗng dưng “thộn mặt” ra quên sạch: “Ớ, tôi đang nói đến đâu ấy nhỉ”.
“Cứ đến hồi gay cấn thì cái Hồng lại ‘giở quẻ’, nhiều khi vừa bực vừa thương”, Mai Tâm – đồng nghiệp của chị Hồng chia sẻ thêm.
Xấu hổ nhất là lần, chị bấm số điện thoại của chồng, nhầm lẫn thế nào gọi ngay số của sếp nam. Trước chị nổi tiếng ở công ty về khả năng thù lâu nhớ dai của mình, chị làm kinh doanh, chị thuộc nằm lòng các số điện thoại của khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè và cả người thân.
Thế mà có ngày chị nhầm tai hại đến vậy. Vừa nghe thấy tiếng alo èo xèo ngoài đường, chị Hồng đã “bắn tỉa luôn”: “Anh, tối nay mình hẹn hò nhớ, nhờ mùi của con ‘trâu nước’ quá đi à”…
Sau khoảng 2 phút nói ra toàn những câu mặn, dường như vị sếp không chịu được nữa đành lí nhí: “Hồng ơi, hic, anh không phải trâu nước của em đâu”.
Đến giờ nghĩ lại chị vẫn còn ngại ngùng vô cùng, chị tâm sự: “Lúc đó chỉ muốn chết đi cho xong, xấu hổ không để đâu cho hết được”.
Có một lần đang ngồi chơi với con thì bé thì nó tè dầm, ra tủ định lấy quần áo cho bé thay thì tự dưng chị lại đứng đực ra chẳng nhớ gì, nghĩ sao cũng không thông, chị quay ra chơi tiếp với con, quên rằng thằng cu đang khó chịu vì quần ướt.
Không đến nỗi ngượng chín mặt như chị Hồng, chị Linh (Lĩnh Nam, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng nhớ nhớ quên quên.
Một lần, rõ ràng lúc đó đã 8 giờ sáng thế mà khi đi đường chị lại sợ kinh hồn: “Đường mù mịt như có màn sương cực dày che phủ kín trước mặt, mọi thứ lờ mờ khiến mình sợ, tay lái xe loạng choạng. Đang định dừng xe để dắt bộ, mình sờ sờ lên mắt thì ôi thôi, hóa ra là quên kính ở nhà. Thế là lại hì hục về nhà lấy”.
Rồi có lần nhà hết sạch sữa bột, bà nội gọi điện nhắc chị đi ngay và luôn để kịp bữa trưa cho bé. Vâng vâng dạ dạ rõ là to thế mà lần sờ kiểu gì chị quên béng luôn cả, phóng vi vu đi chơi với bạn tít mù. Hôm đó, đúng lúc điện thoại của chị hết sạch pin, bà gọi mãi không được, sợ con dâu gặp chuyện gì vì mãi không thấy về, bà nội gọi điện ngay cho con trai về để đi tìm vợ. Đến khi về tới nhà chị mới sực nhớ mình quên mua sữa cho con.
Khắc phục chứng đãng trí thay vì sống chung với lũ
Từ khi sinh bé Mi, chị Liên (Cống Trắng, Hà Nội) liên tục hay quên. Việc này làm xáo trộn hoàn toàn sinh hoạt cũng như ảnh hưởng tới công việc của chị.
Biết rằng nếu để vậy thì không ổn chút nào, chị đã lên kế hoạch khắc phục chứng đãng trí của mình bằng một cuốn sổ nho nhỏ luôn mang theo bên mình. Cứ có một sự kiện gì, chị không dám đẩy nhiệm vụ cho trí nhớ của mình như trước khi sinh mà chị ghi nhanh vào cuốn sổ này.
Đây là cách ghi nhớ tạm thời mà chị áp dụng. Ngoài ra, để cải thiện tình trạng này, chị dành thời gian để ngủ nghỉ nhiều hơn, dành thêm thời gian để chị đọc sách. Theo chị, đọc sách cũng là một cách rất tốt để cả thiện trí nhớ của mình.
Chị Mai (Ngõ Huyện, Hà Nội) chia sẻ: “Biết là sau khi sinh thế nào mình cũng lú lẫn nên ngay từ thời điểm mang bầu, mình đã ăn thật nhiều cá, gần như ngày nào khẩu phần về loại động vật này cũng xuất hiện trong thực đơn của mình”.
Chị cho rằng, chất Omega 3 có trong cá hồi, cá mòi, cá thu có tác dụng rất lớn, ảnh hưởng đến chức năng của não và sự nhanh nhạy của trí tuệ.
Bên cạnh đó chị chú ý tới giấc ngủ của bản thân hơn. Dù công việc công ty rồi gia đình con cái có bận rộn tới mức nào chị vẫn dành thời gian để ngủ trưa. Vì vậy, sau một thời gian chị cũng thấy mình đỡ đãng trí hơn.