Nếu phạt không đúng cách trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh và lỳ đòn hơn

1. Luôn miệng nói “không” và “không”

“Không” hầu như là câu nói cửa miệng của đa số những người làm cha mẹ. “Không được nghịch gậy”, “Không được đi chân đất”, “Không được ném đồ chơi”… Với từ “không”, nghe như trọng lượng của câu nói có vẻ rất mạnh, nhưng kỳ thực, lạm dụng từ này sẽ gây phản tác dụng. Nói “không” thường xuyên sẽ khiến trẻ trở nên chai sạn với từ này, đặc biệt khi bố mẹ chỉ nói mà không chỉ cho con cần làm gì thì tốt hơn.

Vì thế, hãy tiết kiệm từ “không” cho những tình huống thực sự cần thiết và nguy hiểm, như khi trẻ lại gần ổ cắm điện, khi con định với cốc nước sôi… Còn những việc khác ít quan trọng hơn, hay chỉ cho trẻ việc bố mẹ muốn con làm thay vì nói không, ví dụ “Con bỏ gậy xuống nhé, cái gậy dễ chọc vào mắt rất nguy hiểm”. “Con đi dép vào nào, đi chân đất bẩn lắm”… sẽ giúp trẻ ý thức hơn với những hành vi tốt.

2. Dùng roi vọt hoặc chửi mắng

Có một hiệu ứng xảy ra khi bố mẹ dùng bạo lực để đối xử với nhau, trong đó bao hàm cả khi ta dạy con trẻ: Bạn quát bé, bé có thể cũng quát lại bạn, khi bạn đánh bé, bé sẽ phản ứng bằng cách ném đồ đạc, cáu gắt với người khác, là bởi lúc đó con cũng biết nổi giận, chỉ có điều con biết mình yếu thế không thể làm gì nên đành giận cá chém thớt. Tuy nhiên cảm xúc này ngày một mạnh mẽ và khó kiểm soát hơn, nhất là khi bé ngày một lớn. Điều đó có nghĩa là khi con đã có một sức mạnh nhất định nào đó rồi mà vẫn tiếp tục bị đè nén bằng bạo lực, thì chưa biết những chuyện nguy hại nào sẽ xảy ra.

Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế cơn cáu giận để dạy trẻ bằng lẽ phải, bằng sự chân tình của lý lẽ. Điều này chắc chắn sẽ dễ tiếp thu hơn rất nhiều và tạo nên sự cảm phục của con trẻ. Tất nhiên khó phụ huynh nào có thể tránh được cáu giận. Nhưng nếu trong lúc đó, họ có làm điều gì hơi quá đáng khiến bé cảm thấy bị tổn thương, hãy xin lỗi con và nhớ giải thích bé con lý do tại sao mình lại giận dữ đến vậy.

phat con khong dung cach

3. Can thiệp thô bạo khi bé đang chơi

Đối với các bé, không gì bực bội bằng việc đang chơi mà bị quát tháo hoặc bị bắt dừng lại. Bậc phụ huynh đừng cố gắng xen ngang khi con đang chơi một cách hăng say, bởi lúc đó, ngoại trừ đòn roi và bạo lực, không gì có thể bắt con dừng lại được. Cố gắng can thiệp sẽ chỉ khiến cả bố mẹ và trẻ cảm thấy mệt mỏi, bực bội.

Tốt nhất, bố mẹ nên biết cách bỏ qua có chọn lọc. Chơi giúp cho trẻ xây dựng rất nhiều kỹ năng để thích ứng với cuộc sống, chơi vừa giúp con khám phá, tìm tòi, rèn luyện sự tập trung hay sự hòa đồng vào tập thể. Do đó, nếu việc bé đang chơi là an toàn, hoặc chưa đến mức cấp bách phải dừng lại ngay, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Nếu cảm thấy con đang quá say mê khi vài phút nữa bố mẹ cần cho trẻ dừng chơi, hãy nhắc nhở trước cho chúng về thời gian. Mốc thời gian sẽ giúp con bớt tập trung vào cuộc chơi và khi đến giờ, việc nhắc nhở con sẽ nhẹ nhàng hơn.

4. Chỉ nói mà không làm

Việc chỉ nhắc nhở, yêu cầu trẻ nhưng con không làm, bố mẹ  cũng không có hành động nào thiết thực sẽ dần khiến con chai lỳ với lời nhắc của mình, khiến lời nhắc trở thành trống rỗng, vô nghĩa và thiếu trọng lượng. Vì vậy, nếu bố mẹ đã nói rằng “Con tắt tivi ra ăn cơm”, hãy để bé hiểu rằng đó là một mệnh lệnh trước sau sẽ phải thi hành. Nếu con vẫn cố để được nán lại một chút, hãy kiên trì nhắc chúng lần thứ 2. Nếu lần này trẻ vẫn không làm, bố mẹ cần có những hành động kiên quyết hơn để con hiểu rằng dù chúng được nuông chiều và được tôn trọng, nhưng con cần biết bạn có uy quyền nhất định, đặc biệt là trong những mệnh lệnh đúng.

Theo: meonuoicon.com