Bé bị sốt, hắt hơi, chảy nước mũi hay nghẹt mũi và cáu kỉnh hơn bình thường. Có thể bé đã bị cảm lạnh và bố mẹ đang rất lo lắng cho sức khỏe của bé. Bài viết này sẽ cung cấp tất cả các thông tin giúp bố mẹ hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí khi bé gặp phải vấn đề này.
Khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ thống miễn dịch chưa ổn định, bé rất dễ bị cảm lạnh, bị sốt. Điều này khiến bé biếng ăn và không chịu chơi như bình thường. Mặc dù đây không phải là một loại bệnh quá nghiêm trọng nhưng có rất nhiều điều bố mẹ có thể làm để giảm bớt những khó chịu cho bé khi bị cảm lạnh.
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh là gì?
Cảm lạnh ở trẻ là một bệnh nhiễm virus, có ảnh hưởng đến mũi và cổ họng của bé. Một số triệu chứng thông thường của bệnh bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi. Trẻ sơ sinh dễ bị cảm lạnh thông thường hơn so với người lớn, vì hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển tốt. Hệ thống miễn dịch yếu khiến cơ thể không thể chống lại virus gây bệnh, làm cho chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây ra các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cúm. Trong năm đầu đời, bé có thể bị cảm lạnh thông thường ít nhất là 7 – 8 lần.
Việc điều trị tốt nhất cho bé khi bị cảm lạnh là làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh và cung cấp nhiều nước cho bé. Lượng nước đủ cho cơ thể sẽ làm bé thở dễ dàng và giúp bé vượt qua mọi vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, có rất nhiều biện pháp khác mà bố mẹ có thể thử để giảm bớt tình trạng bệnh cho bé.
Lần đầu tiên bé bị cảm lạnh thông thường, bạn hãy đưa bé đến khám bác sĩ ngay lập tức. Trong một số ít trường hợp, cảm lạnh cũng có thể gây ra nguy cơ viêm thanh quản và viêm phổi cho bé.
Nguyên nhân khiến bé bị cảm lạnh
Virus cảm lạnh nhìn chung thường tấn công vào mũi và họng của trẻ sơ sinh (nhiễm trùng đường hô hấp trên). Một số virus phổ biến nhất gây ra bệnh là rhinovirus và coronavirus. Các virus này rất dễ lây truyền.
Sau khi bé bị nhiễm virus, cơ thể bé sẽ trở nên miễn dịch với virus cụ thể. Nhưng khi có một số lượng lớn các loại virus khác nhau gây ra bệnh cảm lạnh thông thường, bé có thể thường xuyên bị bệnh này trong một năm.
Bệnh lây nhiễm trên xâm nhập vào cơ thể của bé thông qua miệng, mũi. Ngoài ra, virus cảm lạnh cũng xâm nhập vào cơ thể của bé từ:
1. Không khí
Khi có ai đó bị nhiễm bệnh mà hắt hơi, ho hay nói chuyện trong phòng, virus từ người bệnh sẽ lây truyền trực tiếp cho bé sơ sinh. Nó dễ dàng đi qua miệng và mũi của bé, gây nhiễm trùng đường hô hấp.
2. Tiếp xúc trực tiếp
Khi người bị nhiễm bệnh chạm vào bé, bế bé hay giữ bé trong vòng tay của mình, các virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của bé.
3. Bề mặt bị ô nhiễm
Một số virus cư trú trên bề mặt các vật dụng trong nhà và duy trì hoạt động của chúng trong vài giờ. Ngay khi bé chạm vào các bề mặt như vậy hoặc chạm vào một số đồ vật khác như đồ chơi, thú nhồi bông, virus cũng sẽ tấn công bé.
Bé bị cảm lạnh
Mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác cho cơ thể bé.
Triệu chứng khi bé bị cảm lạnh
Một số triệu chứng cảm lạnh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh là:
– Nghẹt mũi
– Sổ mũi
– Chảy nước mũi, nước mũi nhiều hơn và đặc hơn theo thời gian của bệnh
– Hắt hơi
– Khó ngủ
– Cáu gắt
– Hơi sốt
– Biếng ăn
– Khó ăn
– Mắt đỏ
– Viêm họng
– Bồn chồn
Các biến chứng khi bé bị cảm lạnh
Mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác cho cơ thể, trong đó bao gồm:
1. Viêm tai giữa
Một số loại virus cảm lạnh thông thường có thể gây ra nhiễm trùng tai cho bé. Khi virus có hại hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của bé, nó sẽ tấn công màng nhĩ và gây ra tình trạng nhiễm trùng làm bé rất đau đớn.
2. Viêm xoang
Khi bé bị cảm lạnh thông thường trong một thời gian dài, nó dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ cấp ở các xoang (gây viêm xoang) làm bé bị nghẹt mũi, khó thở và đau nhức.
3. Thở khò khè
Cảm lạnh thông thường gây ra tình trạng thở khò khè, bé của bạn sẽ có cảm giác đau cơ và sốt nhẹ. Nếu bé bị hen suyễn, cảm lạnh thông thường có thể làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Trong trường hợp như vậy, bé có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp cùng với nghẹt mũi.
4. Một số bệnh nhiễm trùng khác
Một số bệnh khác liên quan với cảm lạnh thông thường là viêm họng liên cầu khuẩn, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi.
Khi nào bố mẹ cần đưa bé đi khám?
Dưới đây là một số trường hợp bố mẹ cần đưa bé đi khám ngay lập tức khi bé có các dấu hiệu, triệu chứng của cảm lạnh:
– Nếu bé của bạn trong nhóm tuổi 3-6 tháng, thân nhiệt của bé tăng lên đến 39 độ C (102.2 độ F) hoặc cao hơn.
– Khi bé có các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm kéo dài hơn 3 tuần.
– Khi các triệu chứng của cảm lạnh thông thường trầm trọng hơn theo thời gian.
– Nếu bị đau tức ngực hoặc ho ra đờm vấy máu. Trong trường hợp như vậy, các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
– Khi bé khó thở, bạn cần đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt
– Nếu bé bị cảm lạnh rồi bị nhiễm trùng tai cấp tính, gây viêm tai và đau nặng. Khi tai của bé bị nhiễm trùng, bé có thể thường xuyên chà xát vào tai mình bởi tình trạng ngứa ngáy và bé dễ cáu gặt. Trong trường hợp đó, các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh điều trị cho bé.
– Nếu bé của bạn bị đau họng dai dẳng, có thể bé đã bị viêm amiđan do vi khuẩn cần phải điều trị kháng sinh.
Theo: afamily.vn