Không phải đứa trẻ nào bẩm sinh cũng có được một sức đề kháng ưu việt. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có những quan niệm và cách chăm sóc thiếu khoa học của bố mẹ khiến trẻ thường dễ bị bệnh hơn những đứa trẻ khác. Cha mẹ có thể ứng dụng những nguyên tắc sau đây để tăng cường sức đề kháng cho con.

Nguyên tắc 1:  Để trẻ được “bẩn” trong phạm vi cho phép

Thứ nhất, hệ thống miễn dịch của trẻ cần có quá trình phát triển. Do đó, để kích thích sự hoàn thiện hệ miễn dịch, đặc biệt là giúp cơ thể trẻ tạo nên quần thể khuẩn có lợi cho đường ruột, cha mẹ hãy để trẻ tiếp xúc với một số vi khuẩn vô hại trong không khí. Như vậy, khi trưởng thành, trẻ mới có khả năng kháng lại những vi khuẩn, độc bệnh có hại và không dễ bị mẫn cảm.

Thứ hai, dù trẻ có được chăm sóc chu đáo cách mấy, cha mẹ cũng không thể bảo đảm được rằng bé luôn ở trong một môi trường không có vi khuẩn. Và việc để trẻ quá sạch sẽ chỉ là giải pháp tạm thời, không hề có ích cho sự tăng cường thể chất ở trẻ. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy mạnh dạn để trẻ nghịch “bẩn” trong mức độ cho phép, chỉ cần đảm bảo cho trẻ không bị nhiễm khuẩn có hại là được.

7 nguyên tắc tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Nguyên tắc 2: Không tùy tiện bỏ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh hơn ở giai đoạn trước 6 tháng tuổi. Sữa mẹ có đến hơn 700 loại vi khuẩn có lợi, là nguồn đề kháng tự nhiên ưu việt đối với trẻ. Vì thế, nếu không rơi vào tình trạng bất đắc dĩ thì mẹ không nên tước đi quyền được bú sữa mẹ của trẻ, đây là một trong những nguồn dưỡng chất quan trọng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

Nguyên tắc 3: Cho trẻ vận động nhiều hơn

Cho trẻ tản bộ, bơi lội, đánh cầu, đạp xe v.v…là những hoạt động giúp trẻ vận đông tốt. Dù bạn có bận rộn thế nào cũng nên sắp xếp đưa trẻ ra ngoài và có hoạt động trao đổi oxi.  Tùy theo độ tuổi mà lựa chọn môn vận động phù hợp với trẻ. Các hoạt động ra mồ hôi giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường hệ miễn dịch một cách tích cực.

Nguyên tắc 4: Đừng “nhốt trẻ trong nhà”

Với trẻ có sức đề kháng kém người lớn thường cố gắng để trẻ ở suốt trong nhà để tránh nhiễm bệnh. Thực tế cách làm này không khoa học vì như vậy  không giúp cải thiện tình trạng miễn dịch cho trẻ. Cần cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, tắm nắng, bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời, kích thích tái tạo tế bào hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu ở trẻ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bạn chỉ cần không đưa trẻ đến nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao là được.

Nguyên tắc 5: Không nên cho trẻ mặc quá ấm, ăn quá no và quá nhanh

Để trẻ ăn uống nhanh và quá no sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, đường ruột. Khi hệ tiêu hóa ở trạng thái căng thẳng, cơ thể trẻ cũng rất dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc mặc quần áo của trẻ cũng cần phù hợp, đôi khi bạn cũng cần cho trẻ chịu một chút lạnh để cơ thể có dịp thích ứng và hình thành khả năng đề kháng cần thiết.

Nguyên tắc 6: Ăn gì rất quan trọng

Việc thiếu hụt vitamin và dưỡng chất, chẳng hạn như trẻ bị thiếu sắt, magie, canxi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng đề kháng trước vi khuẩn và bệnh tật của cơ thể. Do đó, đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng là điều tối quan trọng giúp trẻ luôn có hệ miễn dịch tối ưu.

Nguyên tắc 7: Tập cho trẻ thói quen vệ sinh tốt và ngủ đủ giấc

Bạn cần dạy trẻ có thói quen tốt như rửa tay, năng thay quần áo, đánh răng v.v…hàng ngày. Trong nhà nên giữ môi trường thoáng khí, vừa đảm bảo bầu không khí trong lòng cho trẻ, vừa giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn.

Theo VietBao.vn