Có lẽ khi sinh ra đàn bà, ông trời đã không xem xét kĩ lưỡng hoặc giả ngài cũng là đàn ông nên chẳng hề dành cho người phụ nữ chút ưu ái nào trên đời. Họ sinh ra đã mang trên mình đủ thứ gánh nặng, mà sinh ra làm đàn bà ở đất nước nhiều định kiến như Việt Nam, đàn bà – dường như còn khổ hơn gấp trăm, ngàn lần.
Đàn bà xấu quá cũng không được, xinh quá thì bảo là “hồng nhan bạc phận”
Đàn bà không lấy chồng thì bị bảo là ế, là gia đình vô phúc. Lấy chồng không hạnh phúc là do không biết cách sống, không chăm sóc được nhà chồng.
Đàn bà không sinh con gọi là “đàn bà độc”, bị người người nói ra, nói vào. Nhưng sinh con rồi, tự khắc người phụ nữ phải gắn thêm với trách nhiệm làm mẹ. Mệt mỏi thì người ta nói “đó là hạnh phúc” và chẳng may, có chút sơ suất nghĩ cho bản thân mình 1 chút, họ gọi là “vô trách nhiệm”.
Tôi đang nói đến câu chuyện của một bà mẹ trẻ với ước mơ được thoát khỏi cái balo bỉm sữa của mình trong 3 ngày để rồi nhận lấy cái kết là sự lạnh lùng của người chồng nói cô ta là vô trách nhiệm, là người mẹ không xứng đáng. Người đàn ông cô đã yêu và sinh con cho anh ta, người mẹ chồng cô đã gọi là “mẹ” đã đuổi người phụ nữ khỏi nhà. Tôi thật sự không hiểu, họ đã bao giờ coi cô ấy là vợ, là con trong nhà?
Nhưng xã hội mà, có người này người khác, cứ xem như “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tuy nhiên, cái đáng sợ hơn lại là những bình phẩm của người ta ở dưới, thay vì bảo vệ người phụ nữ giống mình, họ lại hùa vào trách cứ cô gái trẻ. Họ nói đứa trẻ khát sữa thật đáng thương, họ nói người mẹ như cô ấy thật đáng sợ. Ơ kìa, chúng ta lấy quyền gì để lên án cô gái đó? Đứa trẻ tội nghiệp vậy bà mẹ không đáng thương sao? Đứa trẻ cần hơi ấm của mẹ còn người mẹ không cần được hít thở bầu không khí của tự do trong 3 ngày sao?
Tôi chợt rùng mình trước cái lạnh lùng của xã hội này. Hơn 300 ngày mang bầu, thêm 300 ngày cho đứa trẻ được đến 9 tháng tuổi, gần 2 năm hy sinh của 1 người phụ nữ, vậy mà, cô ấy chỉ xin có 3 ngày tự do cũng trở thành cái tội. Thương thay cho phận đàn bà, thương thay cho cái mác mẹ bỉm sữa chẳng thấy hạnh phúc ở đâu, chỉ toàn những giọt nước mắt đắng cay.
Ai cũng biết, sinh con là niềm vui. Tôi biết chứ nhưng làm mẹ không có nghĩa biến thành cái máy robot không biết vui biết buồn, biết đắng cay, biết mệt mỏi. Mẹ cũng có những giấc mơ riêng, cũng có những giây phút chán nản, cũng muốn được thả mình xuống dưới làn nước biển mát lạnh, được có 1 buổi tối bên đồng nghiệp chẳng phải vội vàng quay về với con.
600 ngày mẹ hy sinh vì con, 3 ngày mẹ dành cho mẹ, như thế là quá nhiều sao? Cứ phải nhung nhớ con đến quằn quại, phải dành cả tuổi thanh xuân không ngưng nghỉ mới là người mẹ thật sự? Ai cũng có quyền được hạnh phúc cơ mà, vì sao, một người mẹ có con 9 tháng tuổi lại không có cái quyền đó? Ai cũng xì xào về người mẹ ích kỉ mà chẳng ai nghĩ đến 600 ngày qua, một cô gái trẻ trung đang tung tăng với thế giới hạnh phúc, bỗng dưng nhốt mình với 4 bức tường và 1 đứa trẻ nhỏ, cô ấy có hạnh phúc nổi không?
Câu chuyện đó không chỉ xảy ra ở một người, trong một gia đình mà nó là cả một hệ tư tưởng và tôi đảm bảo, tất cả các bà mẹ bỉm sữa khi sinh con, đều sẽ phải trải qua những ngày tháng nhiều nươc mắt như thế.
Tôi đã nghe nhiều câu chuyện. Khi vợ sinh con, các ông chồng phải đi công tác, phải đi làm việc xa, mọi người trong nhà đều động viên, nói họ “yên tâm đi, ở nhà đã có mẹ nó lo rồi.” Có lẽ, những người phụ nữ đứng trước trách nhiệm “nghiễm nhiên là của mình” đó chỉ biết mỉm cười. Trong lòng họ có cay đắng hay không, chỉ mình họ hiểu.
Đứa trẻ – kết tinh của bố và mẹ, nó chẳng được mang họ của mẹ, thậm chí có đứa còn chẳng giống mẹ chút nào. Nhưng trách nhiệm, lại chỉ dành cho người mẹ. Sao chẳng bao giờ tôi thấy có ai nói với một bà mẹ bỉm sữa, thúc giục họ mau đi chơi đi, yên tâm hưởng thụ một vài ngày tươi đẹp đi, rằng “ở nhà đã có bố nó lo cho rồi.”
Cuộc sống mỗi người có sự cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Có những người chỉ cần hít cái hơi của con là đủ sống, họ có thể đóng cửa trong nhà với những đứa trẻ suốt tháng, suốt năm cũng không hề thấy chán. Nhưng đừng đem đó là thước đo ép buộc mọi người phụ nữ khác phải sống giống như mình. Họ – có thể như bất cứ cô gái chưa chồng nào – đều khao khát một bầu trời tự do khác, không phải chỉ ôm lấy con là đủ.
Còn những bà mẹ bỉm sữa, đừng để những định kiến xã hội biến bạn trở thành một bà mẹ đau khổ. Tôi còn nhớ câu nói đã từ lâu rồi, một đứa trẻ hạnh phúc là khi nó được lớn lên bên cạnh một người mẹ vui vẻ. Hãy cứ sống cho mình nhiều hơn một chút, cứ ích kỉ nhiều hơn một chút, những người không muốn thấy bạn hạnh phúc, cứ vứt bỏ họ sang một bên mà sống đi nhé!
Theo eva.vn