Sách truyện là món ăn tinh thần không thể thiếu để bồi đắp nhân cách, tâm hồn trẻ em. Bên cạnh việc lo con ăn gì để cao, để lớn, mặc gì cho đẹp cho xinh, rèn luyện đức tính chăm đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn trẻ là việc làm vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số gợi ý về những cuốn sách hay của văn học Việt Nam cho các con từ 8-10 tuổi trở lên:
1. Tuổi thơ dữ dội
Đề tài chiến tranh tưởng chừng như khô khan, xa lạ với thế hệ trẻ nhưng nếu bắt tay vào đọc “Tuổi thơ dữ dội”, không ai có thể rời mắt khỏi cuốn tiểu thuyết này bởi mức độ lôi cuốn đến nghẹt thở với những nút thắt chạm đến mọi cung bậc cảm xúc yêu thương, tự hào, đau buồn, căm giận, vui sướng, lo sợ,… tựa như đang xem một bộ phim cực kì sống động ngay trước mắt.
“Tuổi thơ dữ dội” là bản hùng ca dành cho các em thiếu niên tuổi còn rất nhỏ nhưng chiến đấu vì Tổ quốc kiên cường, bất khuất không kém gì người lớn. Thực sự đây là cuốn sách rất đáng để mẹ mua cho con, giúp các con vừa hiểu thêm về lịch sử hào hùng của đất nước mà không hề nhàm chán, tẻ nhạt, vừa học thêm nhiều bài học xúc động, ý nghĩa từ những tấm gương anh hùng tuổi đời chỉ ngang với mình.
2. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Được mệnh danh như cuốn “Hoàng tử bé” của Việt Nam, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần mở ra một thế giới trong veo, rất đỗi hồn nhiên và giàu tình cảm của một cậu bé con 10 tuổi. Thế giới ấy có bố, có mẹ hết mực thương yêu, có những người hàng xóm tốt bụng, có cô giáo hiền, có lũ bạn cùng lớp tinh nghịch, có khu vườn đầy hoa thơm ngát dưới ánh trăng đêm.
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” được mệnh danh là cuốn “Hoàng tử bé” của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Truyện chỉ là tập hợp những câu chuyện bình dị, giản đơn về một tuổi thơ yên bình nhưng ấm áp và gần gũi đến lạ. Bé sẽ bắt gặp những suy nghĩ ngây thơ, ngộ nghĩnh đến lạ của chính mình trong đó:
“Tôi nói dù bố có là bãi phân trâu, tôi vẫn yêu bố.”
“Những ngày mưa, tôi hay chui vào đống chăn tìm hơi ấm. Tôi tìm bóng tối nữa. Thật thú vị, nhìn mà cứ như không nhìn.”
… đến những triết lí sâu sắc nhưng dễ hiểu:
“Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy “nỗi nhớ” của mình.”
“Mẹ tôi vẫn hay nói, nỗi sợ lớn nhất của một ngừoi thầy thuốc là khi để mất một đứa trẻ. Người già có thể chết, nhưng trẻ con cần phải sống và lớn lên. Bởi đơn giản, chúng là một mảnh vườn phải được cày xới và chăm bón. Chúng cần phải ra hoa và sinh sôi. Chúng là tất cả những gì một người già hy vọng…”
Điểm nhấn đặc biệt nữa là giọng văn thủ thỉ, giàu nhạc điệu, đẹp đẽ và nhẹ nhàng đến mức mỗi lần đọc cần phải nâng niu từng con chữ, chắc chắn sẽ khiến bé cảm thấy thích thú và lôi cuốn.
3. Dế mèn phiêu lưu ký
Không còn phải bàn cãi về mức độ nổi tiếng của tác phẩm này, Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã chu du gần 40 quốc gia, được dịch ra 40 thứ tiếng và được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Câu chuyện về thế giới côn trùng này sinh động, phức tạp và hấp dẫn không kém gì thế giới của loài người.
Những anh Châu Chấu, bác Xén Tóc, cô Nhà Trò, Kiến, Niềng Niễng, lão Chim Bói Cá, gã Bọ Ngựa,…, và đặc biệt là chàng Dế Mèn nhân vật chính sẽ đưa bé vào vương quốc kì thú của các loài động vật, kích thích trí tưởng tượng và tinh thần ham khám phá, tìm hiểu của bé.
Cuộc phiêu lưu của chàng Dế Mèn vừa can đảm, tốt bụng, hào hiệp nhưng cũng có lúc kiêu căng, hống hách, gây ra hậu quả xấu sẽ giúp các bé học được nhiều bài học bổ ích, về tình bạn, về lòng thương người, về tinh thần đoàn kết,… Mang giọng văn hài hước và tinh tế, chắc chắn “Dế mèn phiêu lưu ký” sẽ là cuốn sách gối đầu giường cho tuổi thơ của con thêm đầy ý nghĩa.
4. Quê nội
Tác phẩm này từng được nhà phê bình Pháp Alice Kahn so sánh với “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của đại văn hào Mark Twain (Mỹ). Đọc “Quê nội”, độc giả được theo chân hai em thiếu niên Cục và Cù lao hồn nhiên, trong sáng trải qua một tuổi thơ tươi đẹp với những cánh đồng, bãi mía, bờ dâu, những buổi chăn trâu, bắt cá, vật lộn,… nhưng cũng không kém phần sôi nổi, dữ dội khi cùng người lớn tham gia vào hàng ngũ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. “Quê nội” chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình cảm cách mạng trong sáng và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tốt đẹp phía trước.
5. Đất rừng phương Nam
“Đất rừng phương Nam” bạt ngàn dừa xanh, mênh mông rừng tràm, với những cảnh câu rắn, bắt cá sấu, nuôi ong lấy mật, chạm trán với hổ, những món ẩm thực tuyệt ngon và đặc sắc của vùng sông nước,… chắc chắn sẽ khiến các con say mê và thích thú. (Ảnh minh họa)
Tác phẩm mở ra một miền “Đất rừng phương Nam” bạt ngàn dừa xanh, mênh mông rừng tràm, với những cảnh câu rắn, bắt cá sấu, nuôi ong lấy mật, chạm trán với hổ, những món ẩm thực tuyệt ngon và đặc sắc của vùng sông nước,… chắc chắn sẽ khiến các con say mê và thích thú.
Qua câu chuyện về cuộc phiêu bạt của cậu bé An, thiên nhiên và con người Nam Bộ hiện ra trước mắt độc giả hoang sơ, phóng khoáng và tràn đầy sức sống. Lồng vào trong đó là tình người đơn sơ, giản dị nhưng rất mực nồng hậu, thắm thiết. Tác phẩm cũng đã được chuyển thể thành phim và được coi là một trong những bộ phim xuất sắc, để lại ấn tượng khó quên trong lòng bao thế hệ khán giả.
6. Kính vạn hoa
“Kính vạn hoa” có thể coi là một trong những cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi cho nhà văn có sách thiếu nhi bán chạy hàng đầu Việt Nam – Nguyễn Nhật Ánh.
Bộ truyện dài 45 tập này xoay quanh bộ ba thân thiết Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Mỗi người một tính cách đặc trưng riêng: Quý ròm lẻo mép, thông minh nhưng nhát gan, hấp tấp. Nhỏ Hạnh giỏi giang, là “cuốn từ điển di động”, biết mọi thứ trên trời dưới biển nhưng hậu đậu, vụng về. Tiểu Long khù khờ, chậm chạp nhưng giỏi võ và trượng nghĩa.
Truyện khắc họa thế giới học trò nghịch ngợm, sôi động, đầy màu sắc và kỉ niệm, lồng ghép trong đó là bao bài học đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với giọng văn hóm hỉnh, cách dẫn chuyện lôi cuốn, tình tiết hấp dẫn, “Kính vạn hoa” là cuốn sách khiến bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam say mê và còn được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài tập được khán giả vô cùng yêu thích.
Theo: eva.vn