Người lớn nhiều khi vẫn nói cho “sướng miệng” những câu đùa vui dưới đây mà không lường được rằng, chúng có mức độ “sát thương” kéo dài tới đầu óc non nớt, ngây thơ của trẻ:
“Sắp có em bé rồi là chuẩn bị ra rìa nhé!”
Vụ em bé 4 tuổi bẻ gãy tay em trai vì bị người lớn trêu ra rìa ở Vũ Hán, Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo cho thấy câu nói đùa này để lại hậu quả kinh khủng đến mức nào. Khi một gia đình chuẩn bị chào đón một thành viên mới, mọi sự chú ý thường được dồn vào em bé sắp sinh, đứa trẻ còn lại vốn dĩ đã cảm thấy tủi thân, lại thêm lời nói đùa đáng sợ này càng tăng thêm tâm lý ghét bỏ đứa em và buồn phiền vì không được quan tâm đến.
“Xinh gái thế này lớn lên cần khối chàng chết/không cần học nhiều, cứ lựa đại gia mà lấy”
Đây là câu nói đùa khá phổ biến dành cho các bé gái. Tưởng chừng với câu nói này, các bé sẽ vô cùng thích thú nhưng người lớn đâu biết rằng, làm vậy sẽ reo rắc vào đầu bé gái tư tưởng chỉ cần xinh đẹp để… lấy chồng giàu mà không cần nỗ lực của bản thân.
Người lớn nhiều khi vẫn nói cho “sướng miệng” những câu đùa vui dưới đây mà không lường được rằng, chúng có mức độ “sát thương” kéo dài tới đầu óc non nớt, ngây thơ của trẻ. (Ảnh minh họa)
Khen “hàng” của bé trai “ngon”
Lại thêm một trò đùa kì cục của người Việt: hễ gặp bé trai là vạch quần ra xem và rôm rả bình luận, cười đùa về bộ phận sinh dục của trẻ. Đặc biệt, nhiều người còn thích búng, sờ nắn rồi khen “hàng ngon”. Đối với nhiều nước trên thế giới, hành động này chẳng khác nào “quấy rối tình dục” trẻ vị thành niên. Trêu chọc, bình phẩm bộ phận sinh dục của bé trai rõ ràng là một trong những trò đùa đáng lên án, cần phải được loại bỏ.
“Con là con nuôi”, “Bố mẹ lượm mày ngoài gầm cầu/sọt rác…”
Câu nói tưởng chừng chỉ mang tính chất đùa vui của người lớn nhưng có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lí sợ hãi và hoài nghi về thân phận của mình, khiến trẻ lo lắng không biết “liệu mình có phải là con của bố mẹ thật hay không”, “khi nào thì bố mẹ đuổi mình đi”, “bố mẹ không thật sự yêu thương mình”… Nỗi ám ảnh không chỉ xuất hiện ngay lúc đó mà còn có thể kéo dài tới mãi về sau, khi trẻ đã trưởng thành.
“Bố mày có dì hai rồi”
Không ít người lớn thích trêu trẻ con rằng bố đứa trẻ đã có vợ bé, dì hai, thậm chí còn chỉ đích danh một cô nào đó (cô hàng xóm, đồng nghiệp cơ quan bố,…) để đùa rằng đó là “bồ” của bố. Đằng sau sự vui cười của người lớn, là nỗi lo lắng và tức giận của đứa trẻ khi nghĩ rằng có “người thứ ba” chen chân vào hạnh phúc gia đình. Không những đứa trẻ sẽ mất niềm tin vào bố mà còn tạo nên định kiến ghét bỏ của trẻ với “cô bồ” đó.
“Nín ngay không xẻo mồm/cho công an bắt/ông Ba Bị đến…”
Những lời hăm dọa vô căn cứ này có thể khiến trẻ không dám vòi vĩnh trong chốc lát, nhưng về lâu về dài lại làm cho trẻ ám ảnh, tác động tiêu cực tới tâm lý của trẻ. Một số trẻ không tin vào lời hăm dọa này thì việc đưa ra những hình phạt như “xẻo mồm”, “ông Ba Bị bắt”,… chỉ càng khiến trẻ “lì đòn” hơn.
Theo Eva.vn