Phát triển các kỹ năng giao tế xã hội

Khi trẻ chơi trò giả bộ, chúng sẽ khám phá các mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, bè bạn và đồng nghiệp, qua đó chúng sẽ học hỏi được nhiều hơn cách mọi người tác động lẫn nhau.

Chơi đóng giả bác sĩ, chúng sẽ tưởng tượng cách các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân của họ. Chơi đóng giả gia đình, chúng sẽ tập làm quen với cách các bậc cha mẹ nghĩ về con cái. Các trò chơi đòi hỏi trí tưởng tượng như vậy sẽ còn giúp phát triển lòng vị tha, thông cảm với người khác.

Trẻ sẽ có cách nhìn nhận khác khi sự việc thực tế diễn ra. Chúng sẽ trẻ nên sẵn lòng cư xử công bằng, chấp nhận chia sẻ, và chấp nhận hợp tác.

Xây dựng sự tự tin

Những đứa trẻ tất nhiên là có rất ít khả năng tự kiểm soát đời mình. Nhưng việc tưởng tượng bản thân là một kiến trúc sư xây dựng các tòa nhà chọc trời hoặc một anh hùng thấy chuyện bất bình chẳng tha sẽ đem lại cho trẻ sức mạnh nội tại sau này. Nó giúp trẻ phát triển sự tự tin vào các khả năng của bản thân, cùng những tiềm năng khác.

Thúc đẩy sự phát triển của tri thức

Việc dùng đến trí tưởng tượng là khởi nguồn của khả năng suy luận trừu tượng về sau. Kỹ năng này đóng vai trò quan trọng ở trường lớp (và xã hội sau này) – nơi trẻ sẽ được dạy rằng các chữ số biểu trưng cho những nhóm đối tượng, các ký tự biểu trưng cho âm thanh…

Thực hành các kỹ năng ngôn ngữ

Khi trẻ chơi đóng vai, chúng sẽ tự tìm tòi cách dùng từ, cấu trúc câu cũng như các kỹ năng giao tiếp bằng lời khác cho phù hợp với vai đã chọn. Chẳng hạn như một ông vua sẽ phải nói với giọng đầy quyền uy, các từ ngữ cần mạnh mẽ, có thể hơi “đao to búa lớn” một chút so với những cận thần chỉ được phép nói nhún nhường, lễ độ.

Làm chủ được cảm giác sợ hãi

Ví dụ khi chơi đóng vai một quái vật, chúng sẽ tự nhận thức được rằng thật ra con quái vật ấy cũng chẳng ghê gớm gì, nó chỉ to bằng thằng bạn của mình mà thôi. Hoặc với trò chơi gia đình, chúng sẽ được làm quen với các cảm xúc con cái dành cho cha mẹ hoặc trò chành chọe của anh chị em, từ đó không còn cảm giác bất an vì bị anh/chị hay em cướp mất tình thương của cha mẹ.