1. Cho con bú sữa ban đêm rồi để con ngủ luôn chứ không cho con súc miệng làm sạch đường trước khi ngủ
Đường trong sữa là nguyên nhân vô cùng lớn khiến hàm răng sữa của trẻ dễ hỏng. Cho bú để ngủ mà còn lôi dậy súc miệng – cái này chắc là khó cho các mẹ vì không ai nỡ phá giấc ngủ của con, nhưng các mẹ cũng nên nghĩ lại nếu không muốn con có hàm răng sữa thê thảm và hàm răng vĩnh viễn thui chột về sau.
Mình đã nghe chuyên gia tuyên truyền thế này: “Nếu muốn con có hàm răng vĩnh viễn đẹp và khỏe mạnh, thì hàm răng sữa phải khỏe mạnh. Khi trẻ bị sâu răng sớm (trong giai đoạn răng sữa), nếu không điều trị mà để như vậy cho đến khi trẻ thay răng với ý nghĩ rằng thay răng mới sẽ hết, thì chắc chắn, mầm sâu răng ấy (đúng ra là ổ vi khuẩn ấy) sẽ không mất đi, nó sẽ âm thầm phá hoại hàm răng vĩnh viễn sau này. Cũng có khả năng chúng tác động đến vị trí mọc của các răng được thay dẫn đến hàm răng bị lệch lạc. Hơn nữa, đống vi khuẩn ấy lại đi vào cơ thể qua đường tủy hay chui thẳng vào bụng, gặp dịp sức đề kháng cơ thể yếu đi, sẽ gây trăm loại bệnh khác. Ổ vi khuẩn trong răng là mầm mống gây vô số loại bệnh trong người mà nhiều khi chẳng ai nghĩ tới”.
2. Mẹ thử sữa hay thức ăn, đồ uống bằng miệng trước khi đút cho trẻ
Trẻ con mới sinh ra không mang vi khuẩn gây sâu răng, nhưng dễ lây từ ổ vi khuẩn sâu răng có trong miệng mẹ, thế nên, các bà mẹ được khuyến cáo tuyệt đối không thử các loại đồ ăn, đồ uống cho trẻ bằng miệng, không hôn lên miệng trẻ. Đương nhiên nếu người mẹ không mắc sâu răng thì vẫn có thể, nhưng tiếc là thống kê cho thấy là cũng có tầm trên dưới 90% các bà mẹ mắc sâu răng.
3. Để con tự đánh răng một mình
Các bà mẹ nhà mình hay tự hào khoe con mình giỏi, có thể tự đánh răng từ bé, nhưng buồn là, vô số trường hợp bé có đánh 2-3 lần trong ngày thì hàm răng vẫn thê thảm như thường. Ở Nhật, người ta để cho bé tự đánh răng nhưng sau đó mẹ (hoặc bố, ông bà, anh chị) giúp trẻ chải sạch lại bằng cách cho bé nằm, đầu hướng vào vào lòng mẹ rồi chải đủ các góc, nhất là mấy cái răng trong cùng dễ bị sâu nhất. Phương pháp này được áp dụng cho đến khi bé được 8-9 tuổi, lúc ấy bé có thể tự đánh răng mà không cần người lớn kiểm tra hay chải giúp.
Các bác sĩ Nhật lúc về Việt Nam cũng làm thử phương pháp này nhằm truyền đạt cho các bà mẹ biết phương pháp, và thật ngạc nhiên là các bé dù phải nằm trong lòng bác sĩ cũng không hề khóc lóc, không phản ứng kiểu giãy nảy như lúc khám răng. Mỗi lần chải răng cho con như vậy, bố mẹ sẽ theo dõi được tình trạng răng miệng của con, con thì cảm thấy ấm áp, yên tâm khi được đặt nằm vào lòng người lớn.
4. Chỉ tập cho con đánh răng khi răng đã mọc cả hàm (khoảng 1,5 tuổi trở đi)
Ở Nhật, trẻ được làm quen với dụng cụ đánh răng dành cho trẻ từ khi hai cái răng cửa đầu tiên mọc ra, đầu tiên bé có thể chỉ gặm cái bàn chải thôi nhưng dần dần bé sẽ quen và hứng thú với việc được đánh răng. Đây là cách mà người Nhật xây dựng ý thức chăm sóc răng miệng cho trẻ từ sớm.
Nhìn các bác Nhật tuổi cha chú mình, thấy răng bác nào cũng lởm chởm, nhưng nhìn bọn trẻ Nhật thì không như vậy. Nghe nói mấy chục năm trước người Nhật như người Việt Nam mình bây giờ về cả điều kiện lẫn nhận thức, nhưng người Nhật đã giải quyết được vấn đề răng miệng của trẻ em một cách ngoạn mục. Bây giờ vào trường mẫu giáo hay cấp 1 ở Nhật, hiếm thấy có cháu nào bị sâu răng, hàm răng sữa bé nào cũng trắng phau cho đến tận lúc thay.