Nghiên cứu mới của Viện Sức khỏe và Phúc lợi Quốc gia Phần Lan cho thấy nếu hoàn toàn không ăn các thực phẩm giàu gluten như bánh mì, mì ống, một số loại bánh ngọt làm từ bột mì, ngũ cốc ăn sáng…phụ nữ mang thai có thể giảm nguy cơ tiểu đường type 1 của con xuống bằng 0.
Sự hy sinh này không quá khó vì quanh chúng ta có khá nhiều nguồn tinh bột khác như gạo, khoai…
Trên hết, trong khi tiểu đường type 2 là do mắc phải và dễ điều chỉnh bằng ăn uống hơn, tiểu đường type 1 là dạng bẩm sinh và trẻ phải khổ với những ống tiêm insulin suốt đời, phát sinh các vấn đề sức khỏe đi kèm và giảm chất lượng sống nghiêm trọng.
Để đi đến lời khuyến cáo này, các nhà khoa học đã theo dõi 247 trường hợp tiểu đường type 1 ở trẻ em trong suốt 15,6 năm, cũng như tìm hiểu kỹ thói quen ăn uống từ trước khi mang thai của mẹ những đứa trẻ này.
Kết quả cho thấy mẹ càng tiêu thụ nhiều gluten, nguy cơ tiểu đường type 1 ở trẻ càng tăng. Những người ăn nhiều gluten đem đến cho con mình nguy cơ gấp đôi so với người ăn ít, trong khi nếu không ăn, bà mẹ có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Gluten vốn là protein bao gồm gliadin và glutenin, có nhiều trong các hạt của một số loại cây lương thực phổ biến như lúa mì, lúa mạch…, thường tìm thấy trong bánh mì, mì ống, một số bánh ngọt, bột ngũ cốc và thức ăn chế biến sẵn.
Thực phẩm chứa gluten cũng là một trong các nhóm thực phẩm gây dị ứng phổ biến.
Công trình cũng cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều gluten trong khẩu phần có thể có hại, tuy nhiên, vẫn cần thêm những nghiên cứu mở rộng hơn để giải thích rõ các cơ chế tiềm ẩn.
Mẹ ăn quá nhiều, lớn lên con cũng tiểu đường?
Vừa qua, các nữ hộ sinh Anh quốc đã kêu gọi quốc gia này ban hành hướng dẫn chính thức về mức tăng cân cho phụ nữ mang thai ở nước này. Tại Anh, lời khuyên về ăn uống cho phụ nữ mang thai khá chung chung, chỉ cần bảo đảm không “ăn cho 2 người”.
Nhiều bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh đã phải áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ vốn phân rõ người thiếu cân, đủ cân, thừa cân trước khi mang thai cụ thể nên tăng cân bao nhiêu, tuy nhiên, nhiều bà bầu từ chối hợp tác.
Ngày càng nhiều các nghiên cứu cho thấy mẹ béo phì dễ bị tiểu đường thai kỳ, sẩy thai, tiền sản giật…; trong khi em bé có thể gặp vấn đề với bệnh huyết áp và tiểu đường về sau.
Tại Việt Nam, bà bầu quá cân là vấn đề được bàn tới nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người vẫn mang tâm lý “ăn cho 2 người” dù ngành y tế Việt Nam có hướng dẫn chính thức phù hợp với thể trạng người Việt.
Theo đó, bà mẹ có BMI khỏe mạnh (18,5-24,9 kg/bình phương chiều cao) cần tăng 1 kg trong 3 tháng đầu, 4-5 kg trong 3 tháng giữa và 5-6 kg trong 3 tháng cuối. Người có BMI thấp hơn thì phải tăng 25% cân nặng, người BMI nằm trên khoảng đó thì tăng 15% cân nặng.
theo Người lao động
Nguồn: soha.vn