Bé gặp những người lớn mới
Nếu trước đó bé chỉ tiếp xúc với bố mẹ, ông, bà, người giúp việc, bé hoàn toàn có thể sợ những người lạ. Cố gắng cho bé giao tiếp nhiều hơn với người lạ trong thời gian còn lại trước khi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Lúc đầu, tổ chức những cuộc gặp gỡ như thế trên “lãnh thổ” của bé, để bé hiểu những người như vậy không nguy hiểm. Sau đó, cho bé cùng bạn tới nhà bạn bè, bà con chơi. Bạn đừng quên đem theo một số đồ chơi để bé vừa có thể nói chuyện vừa có thể tự chơi. Nói chung, hãy tạo nên một không khí dễ chịu mà bé thích.
Tạo cho bé những tình huống để bé có thể tự nói chuyện với những người khác nhau. Ví dụ, trong cửa hàng bánh kẹo, để cho bé tự chọn bánh bích quy, tự nói chuyện với cô bán hàng, tự mua hàng. Nếu hàng ngày tạo ra những tình huống quen thuộc bé sẽ nhanh chóng học cách cư xử đúng, cảm thấy tự tin, và bé sẽ dễ quen với cô giáo cũng như bạn bè ở nhà trẻ hơn.
Bé cần học:
– Làm quen, chào hỏi, trả lời các câu hỏi.
– Giao tiếp lịch sự và biết cảm ơn.
– Cách hỏi nếu không hiểu hoặc quên cái gì đó.
– Cách yêu cầu khi cần (ví dụ nếu muốn đi vệ sinh, dậy trong giờ nghỉ trưa không, giúp bạn buộc dây giày…)
– Biết gọi người giúp, nếu bị bạn khác bắt nạt, chứ không phải đứng một góc và khóc.
Quan hệ bạn bè
Bạn thử để ý xem các em bé chơi với nhau như thế nào. Có cảm giác, chúng bên nhau, nhưng thực ra mỗi đứa trẻ đều tự chơi. Giao tiếp với nhau, chơi cùng nhau, không cãi nhau và chia sẻ đồ chơi – tất cả những việc này các em nhỏ vẫn chưa biết và các em sẽ học hỏi dần dần trong tương lai. Khoảng 3 tuổi các em sẽ biết chơi cùng nhau. Quan trọng nhất là người lớn không nên vội vàng.
Bạn hãy thường xuyên đưa bé ra sân chơi với các trẻ khác và theo dõi xem bé của bạn cư xử như thế nào, so sánh với các bé khác. Nhưng không phải để phê bình bé, mà để bạn tự rút ra kết luận: Bé của bạn đã biết những gì, cái gì cần phải học hỏi thêm.
Bé của bạn cần biết:
– Biết chơi với các em bé khác và không cãi nhau, đánh nhau.
– Tham gia những trò chơi chung (như cùng xây toà lâu đài bằng cát, làm đường cho xe chạy).
– Biết chờ tới lượt mình (ví dụ chờ lên đu quay tại sân chơi)
– Biết chia sẻ đồ chơi, không tranh giành đồ chơi một cách thô bạo.
– Biết tự bảo vệ bản thân.
– Biết yêu cầu điều gì đó.
Nếu bé con nhà bạn chơi với các em bé cùng tuổi không được, hãy cho bé làm quen và chơi với những đứa trẻ khác. Có rất nhiều cách để các em nhỏ chơi với nhau: Ném bóng, bắt bóng, cả đội cùng đuổi theo bóng. Bạn hãy cầm theo một ít phấn, chia cho cả những đứa trẻ khác, và để chúng cùng vẽ.
Hãy ra những đề tài cho các em cùng vẽ, có thể là một bể đầy cá vàng, hoặc cánh đồng cỏ có nhiều cây, hoa và chim. Bạn sẽ thấy công việc chung rất dễ làm cho các em gần nhau hơn, thân thiện với nhau hơn.
Và cố gắng nên để bé tự hành động. Không nên lao ngay vào giúp bé, nếu thấy điều gì đó không ổn. Đơn giản là bạn ở tư thế sẵn sàng, quan sát và giúp đỡ các bé nếu cần. Bạn cũng đừng quá lo lắng, mâu thuẫn giữa các em nhỏ diễn ra thường xuyên, và kết thúc cũng nhanh như bắt đầu ấy.