Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc “sản xuất” sữa, ngay từ những tuần đầu của thai kỳ, vòng 1 của bà bầu đã tăng đáng kể. Cả vòng 1 đau nhức bao gồm cả nhũ hoa, nguyên nhân là do lượng hormon tăng cao. Dưới tác động của hormone, ngực bà bầu sẽ trở nên to hơn, mềm đi và rất nhạy cảm. núm vú và quầng vú lớn hơn đồng thời trở nên sậm màu do sự thay đổi sắc tố da.
Một số mẹ bầu sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu mặc dù đã vệ sinh bầu ngực hàng ngày. Giải thích về lý do này, các chuyên gia cho rằng do việc tăng kích cỡ, vùng da tại đây căng ra với tốc độ khá nhanh. Điều này là hoàn toàn bình thường, bà bầu không phải lo lắng.
Khi mang bầu, vòng 1 của bạn cũng nhạy cảm hơn. Hiện tượng nhạy cảm của bộ ngực thường liên quan đến biểu hiện đau, căng cứng ở ngực, mà hầu hết chị em đều có thể cảm nhận được trong suốt thời gian thai nghén. Những sọc sẫm màu xuất hiện, chạy dọc theo bầu ngực vì cơ thể tăng lượng máu tới bầu ngực. Tùy thuộc vào sự thay đổi của hormone trong cơ thể nên vòng một của từng bà bầu có sự thay đổi khác nhau.
Mách nhỏ mẹ bầu cách chăm chút vòng 1
Cùng với sự lớn lên của bụng bầu, “đôi gò bồng đảo cũng không ngừng phát triển” gây đau nhức cho bạn trong suốt 9 tháng mang thai. Làm thế nào để hạn chế được hiện tượng khó chịu này, mời các mẹ bầu tham khảo những bí quyết nhỏ dưới đây:
Chọn loại áo ngực phù hợp: Có khi bà bầu ‘buông lỏng’ ngực tự nhiên, nhiều người sẽ cho rằng đây là cách thực sự tốt cho bà bầu nhưng theo các chuyên gia đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Khi không có sự cố định và nâng đỡ của áo ngực thì bầu vú sẽ to và bị xệ xuống. Khi đó, nửa phần trên của vú chịu sức kéo phát triển không tốt trong khi nửa phần dưới chịu áp lực làm ống tuyến co khúc, tuyến nang nhỏ hẹp cản trở sự lưu thông của bạch huyết và tĩnh mạch gây tắc nghẽn sữa.
Nên chọn loại áo ngực đơn giản, có khả năng nâng đỡ ngực tốt, dễ điều chỉnh quai áo cũng như vòng áo quanh chân ngực, không nên chọn loại mút dày và có gọng. Gọng áo cứng quá sẽ khiến cho tình trạng đau nhức của vòng 1 trầm trọng hơn rất nhiều. Khi đi ngủ, bạn có thể chọn loại áo ngực thoải mái hơn một chút, hoặc một chiếc áo ngủ phù hợp để tạo sự dễ chịu cho vòng 1. Một vài thai phụ có thể sẽ cần đến một chiếc gối nhỏ, mềm để đỡ ngực khi ngủ vào giai đoạn cuối của thai kỳ, lúc vòng 1 tăng kích cỡ tối đa.
Uống nhiều nước: Thêm một ly nước mát trong ngày là cách đơn giản nhất để giúp giảm cảm giác đau nhức và sưng ngực khi bầu bí. Sự tích nước làm tình hình thêm tệ nên bất kỳ thứ gì giúp cơ thể bạn tháo nước đều tốt cả. Thêm vào đó, bạn cần tránh ăn mặn, sử dụng caffeine. Ngoài ra, thử uống trà lợi tiểu tự nhiên như thì là, bồ công anh. Bổ sung vitamin B6 cũng hữu ích trong trường hợp này.
Tắm nước ấm: Một số phụ nữ thấy đỡ đau ngực hơn khi đứng dưới vòi nước ấm, trong khi đó, một số khác cho biết tình hình chỉ có tệ hơn mà thôi. Nếu bạn nằm trong nhóm đầu, bạn có thể áp dụng cách trị liệu đầy thư giãn này, tuy nhiên hãy nhớ kiểm soát nhiệt độ nước, tốt nhất là để nước bằng thân nhiệt của bạn hoặc thấp hơn 37 độ C một chút. Nước quá nóng có thể gây hại cho em bé trong bụng của bạn. Bên cạnh đó, hãy tránh dùng các loại xà phòng hoặc sữa tắm có hương thơm hoặc các sản phẩm dễ gây kích ứng da.
Sử dụng kem dưỡng theo chỉ định của bác sĩ: Nếu vòng 1 có cảm giác quá ngứa ngáy, bạn có thể tìm mua một loại kem bôi dành cho phụ nữ mang thai, giúp cho da đàn hồi tốt hơn, mềm mại hơn và bớt cảm giác ngứa.Với việc tiết sữa non, thai phụ cần giữ cho vòng 1 luôn khô ráo và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, tránh viêm nhiễm. Nếu sữa non tiết ra quá thường xuyên, bạn có thể dùng miếng hút thấm sữa để tránh bị ảnh hưởng tới lớp áo bên ngoài.