1. Canxi: Là khoáng chất cần thiết cho cấu trúc xương, răng. Thiếu Canxi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển chiều cao và tầm vóc sau này của trẻ. Thiếu Canxi còn làm trẻ hay ói ọc, giật mình khóc đêm, ra mồ hôi trộm, thậm chí gây co rút cơ hoặc ngất xỉu. Nhu cầu Canxi của trẻ tăng dần theo độ tuổi, khoảng từ 500 – 1000mg mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần phải được bổ sung các thực phẩm giàu Canxi như sữa và chế phẩm của sữa như phô mai, cua đồng, tép tôm, cá, đậu hũ,…

2. Vitamin D: Là vi chất cần thiết để hấp thu Canxi và chuyển vào xương. Thiếu vitamin D, dù có ăn uống nhiều Canxi thì cơ thể trẻ cũng không hấp thu được. Do đó, những biểu hiện khi thiếu vitamin D cũng gần tương tự như khi thiếu Canxi. Một phần nhỏ vitamin D được cung cấp từ những thức ăn có chất béo như phô mai, bơ, hạt nhiều dầu,…còn phần lớn là do làn da trẻ tự tổng hợp dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.

3. Vitamin A: Là loại vitamin quan trọng nhất với nhiều vai trò trọng tâm trong quá trình phát triển cơ thể. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm tăng trưởng, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh hô hấp, đường ruột, nhiễm trùng da; quáng gà, khô mắt và nguy hại nhất là bị mù khi thiếu vitamin A nặng. Trẻ nhỏ hay bệnh nên nhu cầu vitamin A càng cao nhưng lại dễ bị thiếu hụt do ăn uống kém. Những thực phẩm chứa nhiều Vitamin A cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, phô mai,…

4. Kẽm: Là khoáng chất có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Thiếu kẽm làm trẻ biếng ăn, còi cọc, dễ mắc bệnh, khó ngủ, chậm tăng trưởng, tư duy chậm hơn,… và thường kèm với tình trạng thiếu máu. Kẽm có nhiều trong thủy hải sản như hàu, sò, ốc, cua, tôm, cá,…

5. I-ốt: Tuy nhu cầu cơ thể chỉ đòi hỏi một lượng rất nhỏ, nhưng đây là vi chất thiết yếu hàng ngày cho sự phát triển cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ. Thiếu I-ốt ở phụ nữ mang thai sẽ gây ra dị tật thai, thai lưu, trẻ sơ sinh đần độn, thiểu năng giáp,… Trẻ nhỏ thiếu I-ốt cũng bị giảm sút hoạt động trí tuệ. Những thực phẩm cung cấp I-ốt bao gồm muối ăn, sữa, phô mai, cá biển, rau chân vịt, cải thảo,…

Làm thế nào để phòng tránh thiếu hụt những vi chất này cho trẻ?

• Cần chú ý cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm, đổi món thường xuyên, cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm chứ không chỉ ăn nước hầm, nước luộc,…

• Do trẻ nhỏ sức nhai yếu nên cần chú ý cắt nhỏ thực phẩm, lựa chọn những miếng nhỏ phù hợp cho trẻ.

• Số lượng các loại thực phẩm cần thiết như sữa, phô mai, chất đạm như thịt, cá, trứng; chất bột đường, chất béo, rau và trái cây hàng ngày đều cần được cung cấp đầy đủ và đúng mức. Ví dụ một chén bột, cháo cho trẻ cần 30g đạm, 20g rau và 10g dầu (tương đương 2 muỗng canh mỗi loại).

Chú ý theo dõi thường xuyên sự phát triển về cân nặng, chiều cao, tâm thần, vận động của trẻ để điều chỉnh việc ăn uống và chăm sóc kịp thời. Lưu ý cung cấp đầy đủ những vi chất thường bị thiếu hụt để giúp trẻ có sự tăng trưởng tốt, sức khỏe toàn diện để trở thành những người trưởng thành có tầm vóc, thể lực và trí tuệ ngang tầm thế giới.

(Theo webtretho)