Những năm trở lại đây, chắc hẳn nhiều bố mẹ không còn quá xa lạ với các clip tính nhẩm nhanh “siêu tốc” của các bé học sinh lớp 5 của một trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hoặc trong chương trình mặt trời bé thơ phát sóng trên kênh VTV3 cũng xuất hiện rất nhiều “thần đồng” tính nhẩm nhanh chỉ trong nháy mắt.
Các phép cộng, trừ, nhân, chia từ hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn đều được nhẩm nhanh ra kết quả mà không cần dùng bàn tính hay máy tính.
Tìm hiểu ra mới biết thì các bé được tiếp cận với phương pháp toán tư duy Soroban – Một cách học nhẩm tính nhanh xuất phát từ Nhật Bản.
Phương pháp tính nhẩm Soroban là gì
Tính nhẩm nhanh Soroban dựa trên chiếc bàn tính cổ xuất xứ từ Trung Quốc với tên gọi Soroban. Chiếc bàn tính này du nhập vào đất nước hoa anh đào từ những năm 1600. Và kể từ đó, nó trở thành công cụ tính toán không chỉ tại Trung Quốc, Nhật Bản mà còn lan rộng ra các nước khu vực châu Á.
Người Nhật đã phát minh ra phương pháp tính nhẩm nhanh nhờ vào cơ chế hoạt động của chiếc bàn tính soroban này.
Bằng cách tưởng tượng đang sử dụng bàn tính, não bộ sẽ đưa ra kết quả của các phép toán cộng, trừ, nhân, chia nhanh các con số.
Phương pháp này được xem như một cách rèn luyện trí não tại Nhật Bản. Thậm chí phương pháp tính nhẩm siêu tốc này còn phát triển đến mức có cả một giải đấu Soroban được tổ chức tại Nhật Bản với cấp độ cao nhất là Flash Anzan.
Trong cuộc thi này, 15 số sẽ xuất hiện trên màn hình trong tích tắc. Mỗi số nằm giữa 100 đến 999, các thí sinh sẽ phải cộng tất cả các số này để ra kết quả. Điều điên rồ nhất là 15 con số này xuất hiện chỉ trong có 1,85 giây và người nắm giữ kỷ lục thế giới đã đưa ra câu trả lời chỉ 1,7 giây sau khi những con số xuất hiện hết.
Thông thường thì người tham gia nhẩm tính sẽ không thể nhớ được các con số. Họ chỉ quan tâm đến kết quả chính xác cuối cùng.
Tác dụng của Soroban đối với não bộ
Theo các nghiên cứu của khoa học hiện đại, khi trẻ tiếp xúc với học tính nhanh Soroban thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho não bộ. Đây là phương pháp tính nhẩm sẽ rèn luyện được cả 2 bán cầu não trái lẫn não phải.
Phương pháp tính nhẩm nhanh này bao gồm hai phần: tưởng tượng hình ảnh bàn tính và thực hiện các phép tính. Trong khi đó, bán cầu não trái đảm nhiệm việc tính toán logic còn bán cầu não phải đảm nhiệm trí tưởng tượng không gian.
Do đó, trong khi thực hiện phép tính nhẩm, ví dụ: Khi nghe thấy số 75 lập tức thông tin đó sẽ được truyền lên não trái và não trái lại truyền thông tin sang não phải. Tại đây, não phải sẽ hình dung và tưởng tượng ra sự di chuyển của các hạt bàn tính ở vị trí số 75 như hình vẽ. Như vậy, não trái chỉ ghi nhớ thông tin là con số 75, còn não phải lại hình dung và tưởng tượng ra một cách rõ nét về số 75 trên bàn tính.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều tranh cãi xung quanh cách tính nhẩm nhanh Soroban này. Nhiều nhà nghiên cứu Toán học cho rằng đây là phương pháp khiến cho não bộ có thể “mệt mỏi” – nhất là não bộ của trẻ.
Song, nhiều phụ huynh cho thấy khi bé theo học tính nhanh thì lại có tư duy về con số rất nhanh nhạy, linh hoạt.
Hiện nay phương pháp tính nhẩm nhanh Soroban nhận được nhiều sự quan tâm lớn của các gia đình có con từ độ tuổi 4-6. Do vậy có rất nhiều trung tâm dạy tính nhẩm ra đời.
Do vậy, bố mẹ thông thái hãy lựa chọn cho con mình phương pháp và địa chỉ học phù hợp. Nếu không có thời gian đưa đón và thời khóa biểu phù hợp tại các trung tâm, bố mẹ có thể lựa chọn hình thức giúp bé học toán nhanh ngay tại nhà. Đây là hình thức học online vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp bố mẹ và con cái có thời gian cùng học với nhau hiệu quả.