Chiến tranh bên bát ăn thường xảy ra nhất khi bé lên 2-3 tuổi và rất hiếm khi thực sự liên quan đến sự ăn uống. Trẻ ở tuổi này đã bắt đầu muốn khẳng định mình. Bé đã để ý thấy những gì nó làm, nó nói đều có tác động đến những người xung quanh. Giờ đây, bé muốn thử “tự vệ”. Bạn hãy cố gắng đừng để lộ ra là bạn muốn bát ăn của bé phải sạch trơn. Dần dần rồi bé sẽ hiểu ra rằng nó ăn không chỉ để mẹ vui, mà còn để không bị đói.
Làm thế nào để trẻ thích ăn hay chí ít thì cũng không sợ ăn?
1. Nguyên tắc ‘mackeno’
‘Mackeno’ chính là ‘Mặc kệ nó’. Nếu nhóc tì không đói, đừng cố để ép bé ăn một món nào đó hay đồ ăn vặt. Đặc biệt, tuyệt đối không mua chuộc, dụ dỗ bé bằng bất kỳ hình thức nào, ví như: cho tiền hay thưởng quà… để dụ bé ăn. Vì hành động này có thể có hiệu quả trong một vài lần nhất định, nhưng vô tình lại tạo cho bé quyền được ‘yêu sách’ trước mỗi bữa ăn.
Trong một vài trường hợp, trẻ có thể chán ăn do mệt mỏi hoặc lo âu. Do đó, hãy chia nhỏ bữa ăn của trẻ, cho trẻ quyền được lựa chọn thực đơn cho mình để tăng cảm hứng ăn uống. Chất còn hơn lượng! Dù trẻ chỉ ăn vài thìa nhưng trong những thìa nhỏ đó cũng đã đảm bảo đủ các chất cho trẻ vẫn hơn là cố nhồi nhét.
2. Thiết lập thói quen
Cho trẻ thưởng thức bữa ăn chính và bữa ăn phụ vào một giờ nhất định để biết đói, đồng thời hình thành thói quen ăn uống tốt. Cung cấp nước trái cây, sữa xen kẽ đều giữa các bữa ăn chính và ăn vặt.
3. Kiễn nhẫn với các loại thực phẩm mới
Sau khi nếm hoặc ngửi một loại đồ ăn mới, trẻ có thể nôn ra ngay hoặc từ chối tức thì. Phản ứng này là hoàn toàn bình thường vì để làm quen và thích một món ăn nào đó, trẻ cần thời gian. Có tips đơn giản để khuyến khích trẻ là bạn hãy ăn món ăn mới thật ngon và thích thú trước mặt trẻ. Đồng thời, miêu tả cảm giác, màu sắc và vị của món ăn cho trẻ nghe. Đảm bảo, với một món ăn tuyệt hảo và hấp dẫn, không một đứa trẻ nào có thể từ chối.
‘Dục tốc bất đạt’, hãy ghi nhớ rằng, khi cho trẻ làm quen với một món mới, hãy khéo sắp xếp món mới xen vào món ăn mà bé yêu thích và cho bé thử từ từ thôi nhé!
4. Trẻ con ăn bằng mắt
Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ hơn nhiều. Do đó, hãy biến tấu các món ăn phổ biến thành những hình thù nhìn là lạ. Ví dụ, món cơm được vẽ thêm hình mặt cười hoặc bông cải xanh được cắt tỉa ngộ nghĩnh…
5. Cho trẻ tự bốc
Cho trẻ tự bốc. Trẻ khóc toáng hay tìm cách lẩn tránh ăn khi thấy bát cháo, chén bột, thìa, ghế ăn. Bạn hãy thay đổi chiến lược xem sao. Nếu trẻ chưa thể bốc ăn được, bạn hãy cho trẻ ăn bằng ngón trỏ (bạn quẹt bột/cháo vào ngón tay và cho trẻ ăn, nhưng nhớ giấu chén bột/cháo đi). Với trẻ đã có thể sử dụng tay, bạn hãy để trẻ tự do dùng tay bốc thức ăn. Tuy nhìn khá lem nhem, nhưng trẻ sẽ thích thú và hào hứng ăn.
6. Cùng trẻ lựa thực phẩm
Không có gì hay ho bằng việc dụ trẻ đi shopping cùng và gợi ý cho chúng chọn thực phẩm hoặc món rau mà chúng thích. Sau đó, chế biến theo khẩu vị của chúng, chắc hẳn trẻ sẽ hài lòng lắm vì được cha mẹ nuông chiều!
Đặc biệt, với trẻ lớn hơn một chút, hãy khuyến khích trẻ cùng tham gia nấu nướng, như: rửa rau hoặc khuấy bột… Trẻ sẽ ngon miệng hơn khi cảm giác món ăn là một phần thành quả lao động của mình.
7. Nguyên tắc 3 không khi ăn
3 không: Không ti vi, không đi rong, không đồ chơi. Nguyên tắc 3 không này cần thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Một người mẹ chia sẻ: “Nếu trẻ chưa từng được ăn phải xem ti vi, được chơi đồ chơi, được đi rong thì làm sao biết giờ ăn là phải như thế. Tất cả đều do người lớn tạo thói quen”.
Bữa ăn của trẻ chỉ lên kéo dài 15 – 30 phút. Nếu cho trẻ ăn khi đang xem tivi, hoặc chơi đồ chơi dễ khiến trẻ phân tâm. Không tập trung ăn uống cũng không có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.
8. Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn
Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho bé một món, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi trẻ không muốn ăn. Nếu bữa sau, bạn cho bé một bát súp sườn hầm khoai tây, củ cải, bạn sẽ thấy là ít ra thì bé cũng thử.
Theo Eva