Xác định năng khiếu của trẻ như thế nào?
Chỉ khoảng 1% trẻ em thuộc diện thiên tài, trong khi tỷ lệ được xếp là có năng khiếu chừng 15-20%. Năng khiếu đó có thể là tư duy thần đồng trong một môn học, nhưng “gà mờ” ở các môn khác, hoặc giỏi toàn diện, hoặc thậm chí là những biểu hiện bất thường, khó bảo… Việc xác định đúng kiểu năng khiếu sẽ quyết định lớn đến cơ hội thành công của trẻ trong tương lai.
Các nhà tâm lý hiện đánh giá năng khiếu như một khái niệm mang tính điều kiện và tạm thời. Tính điều kiện thể hiện ở chỗ có rất nhiều điểm (nếu như không nói là tất cả) phụ thuộc vào việc đứa trẻ có năng khiếu sẽ phát triển khả năng của mình như thế nào, liệu gia đình có sẵn sàng ủng hộ những say mê của trẻ hay không. Ví dụ, một đứa trẻ được nuôi dạy và lớn lên trong một gia đình nhạc sĩ sẽ có nhiều khả năng trở thành một nhạc sĩ sau này hơn rất nhiều so với một đứa trẻ mà cha mẹ không liên quan gì đến âm nhạc. Tính tạm thời của khái niệm này là ở chỗ, năng khiếu có thể được bộc lộ ở những thời điểm khác nhau của cuộc sống, có thể từ lúc nhỏ, hay cũng có thể vào lúc đã trưởng thành. Như Albert Einstein, lúc nhỏ nếu được các chuyên gia tâm lý hiện đại kiểm tra, có lẽ được xếp vào… loại kém, do cậu biết nói khá muộn, thành tích học tập không tốt và thậm chí từng bị đuổi vì học kém. Trong khi nhiều thiên tài khác như nhà vật lý – lý thuyết Liên Xô Lev Landao, người sáng lập ra ngành điều khiển học Norder Viner… lại có năng khiếu được bộc lộ từ khi còn nhỏ.
Trí tuệ phân biệt và trí tuệ bao quát
Theo phó giám đốc Viện Tâm lý học Nga Serguey Maly, hiện có tới hơn 100 định nghĩa khác nhau về năng khiếu, cho dù tất cả chúng đều không có được tính khái quát đầy đủ và cũng không thể làm hài lòng tất cả các chuyên gia tâm lý, sư phạm. Tiêu chí chính của tài năng là nhu cầu kiên trì của đứa bé trong một công việc trí tuệ phức tạp nào đó. Đó có thể là mong muốn giải được những bài toán khó, làm thơ hay soạn thảo ra một chương trình máy tính mới…
Ở độ tuổi học phổ thông, năng khiếu đôi khi không liên quan trực tiếp đến thành tích học tập tốt. Nói đơn giản hơn, đây là một kiểu năng khiếu trí tuệ riêng biệt. Trẻ thuộc loại này thường có khuynh hướng thích tự mình nghiên cứu sâu và mở rộng kiến thức trong lĩnh vực mình quan tâm, có khả năng tư duy một cách triết lý với những gì đã được đọc. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với một lĩnh vực hoạt động thường dẫn tới việc trẻ có thành tích xuất sắc trong một số môn học, trong khi vẫn “bình thản” đón nhận điểm kém ở những môn khác. Nhưng chính những trẻ loại này mới có nhiều khả năng trở thành những nhà khoa học tiềm năng, người sáng tạo ra những ý tưởng mới, có khả năng tạo ra những phát minh đáng kể.
Một số loại khác lại có năng khiếu thuộc loại trí tuệ bao quát. Trong trường hợp này, khả năng của chúng thể hiện rõ nhất trong quá trình học tập. Việc học đối với chúng rất thoải mái, hầu như không có chút khó khăn nào – đối với bất kể môn gì. Những học sinh thuộc loại “luôn được khen thưởng” này có nhiều khả năng trở thành những chuyên gia tốt trong tương lai.
Các loại năng khiếu khác
Có một dạng năng khiếu nữa có thể dễ dàng dự đoán – đó là năng khiếu về nghệ thuật. Nó thể hiện trong mối quan tâm của trẻ đối với những loại hoạt động sáng tạo như âm nhạc, khiêu vũ, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh…
Kiểu năng khiếu thứ tư là năng khiếu sáng tạo.
Nó được thể hiện trong cách suy nghĩ khác với thông thường, cách nhìn đặc biệt đối với thế giới, khuynh hướng muốn dựng nên những dự án riêng. Trẻ thuộc loại này thường hay gây xung đột, khó bảo, có tính độc lập trong những quyết định của mình và thường phớt lờ các nguyên tắc. Ví dụ như chúng có thể tới lớp với bộ quần áo nhàu nát, sách vở ghi chép lộn xộn… Ở những học sinh loại này thường dễ dàng nhận thấy khuyết điểm, trong khi những khả năng sáng tạo của chúng thường chỉ được xác định sau quá trình khảo sát của một chuyên gia tâm lý. Để làm rõ được năng khiếu này, cần phải đưa ra một hoạt động cho phép tính tự chủ: ví dụ một bài văn có chủ đề khác thường hay một giải pháp kỹ thuật nào đó.
Kiểu năng khiếu tiếp theo có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng thường không được dễ dàng chấp nhận – đó là năng khiếu về xã hội (năng khiếu chỉ đạo).
Kiểu này có đặc trưng là khả năng hiểu được mọi người, biết cách thiết lập những mối quan hệ xây dựng với họ, lãnh đạo họ. Năng khiếu lãnh đạo cần phải có một mức độ trí tuệ đủ cao, một trực giác phát triển và khả năng đồng cảm. Cũng có những “thủ lĩnh tình cảm” luôn là nơi trút bầu tâm sự của mọi người, trong khi cũng có những thủ lĩnh của hành động. Họ biết cách đưa ra những quyết định đúng, xác định mục tiêu và nhiệm vụ dành cho những người khác. Ở những học sinh có năng khiếu chỉ đạo, mối quan tâm với học hành thường không được cao. Do có tính cách mạnh mẽ và độc lập, chúng có thể dễ dàng công khai bỏ học hay được coi là con người hay gây gổ.
Dạng năng khiếu cuối cùng trong danh sách là năng khiếu động cơ tâm lý (thể thao).
Theo một điều tra mới đây về các vận động viên nổi tiếng, nhận định về khả năng trí tuệ thấp của họ thường là không đúng. Ngược lại, đa số vận động viên đều có mức độ trí tuệ cao. Các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh được mối quan hệ trực tiếp giữa sự phát triển của động cơ, tâm lý và trí tuệ. Không phải tình cờ mà trong số những vận động viên nổi tiếng còn có những nhà văn được thừa nhận, những thương gia thành đạt hay những nhà sư phạm tài năng. Những đứa trẻ có năng khiếu thể thao có thể thường xuyên học không tốt không phải do chúng không thể tiếp thu, mà đơn giản chỉ bởi chúng không có đủ thời gian cho việc học hành.
Phương pháp phổ biến nhất để xác định năng khiếu của trẻ chính là thử nghiệm, cho dù đa số chuyên gia cho rằng đây chưa phải là phương pháp hoàn thiện, do còn lệ thuộc nhiều vào việc xác định chỉ số thông minh (IQ) – loại thử nghiệm cho phép xác định tài năng qua việc so sánh độ tuổi của đứa trẻ với các khả năng trí tuệ của nó.
Khi một đứa trẻ hoàn thành được tất cả các bài tập dành cho lứa tuổi của nó, IQ của trẻ sẽ bằng 100. Nhưng nếu một cậu bé 10 tuổi giải được hết bài tập của lứa tuổi 14, hệ số IQ của cậu ta sẽ là 140 (14:10 x100). Do chỉ số này vượt hơn nhiều so với tiêu chuẩn, đứa trẻ hoàn toàn có thể được đánh giá thuộc loại có tài năng. Theo các kết quả thống kê, IQ thường cao hơn ở những trẻ được sinh ra và giáo dục trong những gia đình cha mẹ có học thức cao và làm nghề lao động trí óc.
Những bậc cha mẹ quan tâm đến con cái cũng có thể tự xác định kiểu năng khiếu của chúng. Điều này rất có ích cho họ trong việc đáp ứng được những động cơ trong hành vi của trẻ, giúp chúng có thái độ nghiêm túc đối với việc học tập ở hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ có một năng khiếu rõ ràng, không có gì là thừa nếu muốn biết tiềm năng – tức là độ sâu các khả năng của trẻ.
Phần lớn các phép thử hiện nay đều nhằm vào việc nghiên cứu những đặc tính nhất định của con người. Đối với những đứa trẻ trước khi đến trường, các phép kiểm tra thường dựa vào việc sử dụng các tranh ảnh và đồ chơi. Ví dụ, chuyên gia thử nghiệm cho đứa trẻ xem hai quả bóng giống nhau, sau đó bóp bẹp một quả bóng và hỏi trẻ hai vật có nặng bằng nhau không. Từ câu trả lời, có thể đưa ra kết luận về mức độ suy nghĩ logic của trẻ. Tất nhiên là đối với học sinh và người lớn, những phương pháp thử nghiệm phức tạp hơn được áp dụng. Người ta hiện phân chia ra 3 loại phương pháp chính: khả năng tập trung, trí nhớ và tư duy logic.
Phương pháp nghiên cứu khả năng tập trung đơn giản nhất được gọi là mẫu hiệu chỉnh. Người được kiểm tra được trao một tờ giấy mẫu có nhiều chữ cái khác nhau – 40 hàng x 40 chữ cái/hàng. Đứa trẻ cần phải xem kỹ các hàng chữ, gạch dưới những chữ đã có ở các hàng thứ nhất. Với thời gian quy định để làm việc này là 5 phút, mức độ chú ý trung bình đối với học sinh tiểu học là 550 chữ cái, trung học cơ sở là 700 và trung học phổ thông là 850. Còn phải kể đến phương pháp Munsterberg: một đoạn văn bản lẫn lộn các chữ cái có thể có nhiều từ khác nhau. Nhiệm vụ của người được kiểm tra là trong vòng 2 phút tìm và gạch dưới tất cả những từ này.
Các “công nghệ” đánh giá trí nhớ cũng có không ít. Một phép thử phổ biến được gọi là “trí nhớ thao tác”. Chuyên gia thử nghiệm sẽ đọc 10 hàng số, mỗi hàng có 5 số. Nhiệm vụ của người trả lời là ghi nhớ 5 số trong hàng vừa được đọc, sau đó trong đầu phải cộng nhẩm số thứ nhất với số thứ hai, số thứ hai với số thứ ba và cứ tiếp tục như vậy. Khoảng cách giữa mỗi lần đọc xong một hàng số là 15 giây. Mức trung bình đối với học sinh tiểu học là 20 số (tất cả có 40 đáp số), trung học cơ sở là 25 số và trung học phổ thông là 30 số. Nếu vượt qua được mức này, có thể nói học sinh đó có năng khiếu về toán.
Để đánh giá tư duy logic, người ta thường dùng phương pháp quan hệ về số lượng. Người được kiểm tra sẽ được giao 18 bài tập logic, mỗi bài có 2 tiền đề logic. Dựa vào chúng, cần phải xác định mối quan hệ giữa các chữ cái được gạch. Lấy ví dụ về một bài tập kiểu này: A lớn hơn B 9 lần, B nhỏ hơn C 4 lần. Vậy mối quan hệ giữa A và C là như thế nào?
Phương pháp thử nghiệm trên cơ sở bài trắc nghiệm hiện có rất nhiều, và kết luận của chúng thường dựa trên những thang điểm đã được định trước. Chính vì vậy, sai số và tính quy ước của những “phép đo trí tuệ” này tương đối lớn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên bỏ qua dù là một phương pháp dự đoán được coi là kém hoàn thiện nhất: việc áp dụng một loạt các phương pháp khác nhau (theo logic hay độ tập trung) ở mức độ này hay khác đều có thể cho ta một khái niệm tương đối chính xác về năng khiếu của trẻ. Điều đó chắc chắn sẽ rất quan trọng đối với tương lai con em chúng ta.
Theo Thế giới mới