Chỉ là xin tiền?
Vấn nạn trấn lột trong trường học
Gần đây, PV Thanh Niên nhận được thông tin phản ánh về em D. -một HS lớp 9 Trường THCS Bình Tây, Q.6, TP.HCM bị nhiều HS cùng trường làm áp lực để đưa tiền bạc. Nguồn tin còn cho rằng, đôi bông tai mà D. lấy trộm của mẹ mình mang đi bán có giá đến 120 triệu đồng, vì chúng đính những hạt kim cương!
Đến cổng trường tìm D. nhưng không gặp, chúng tôi đã nhờ một số HS chỉ đường đến nhà D. Tiếp chúng tôi ở bậc cửa (vì cha mẹ D. không có ở nhà), D. có vẻ bồn chồn. Em nói: “Con có thể gặp cô lúc khác, còn ở đây con lo mẹ sắp về. Mẹ con chưa hề biết vụ việc”. Theo lời D. kể vắn tắt, em đã lấy trộm tiền của gia đình, trang sức của mẹ gồm 1 đôi bông tai, 1 lắc tay, điện thoại di động đem bán để có tiền đưa cho bạn. Sự việc vỡ lở khi cha của D. phát hiện vì thấy mất tiền.
Chúng tôi liên lạc với cha D. qua điện thoại và ông xác nhận con mình có đưa tiền cho bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, khi hỏi chi tiết số tiền, ông từ chối: “Thôi, con tôi khờ thì phải chịu. Cháu nó chịu sức ép hơn 1 tháng rồi, chúng tôi không muốn khơi lại nữa. Hơn nữa, trường cũng đã giải quyết rồi”.
Ngày 15.11, chúng tôi đã đến gặp Ban giám hiệu Trường THCS Bình Tây để tìm hiểu thực hư. Ông Diệp Vĩ Cường – Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Đây không phải là trấn lột mà là hiện tượng xin tiền. Các HS kia chỉ xin và em D. đều cho vì D. quá dễ dãi. Sự việc xảy ra vào khoảng tháng 9, đến đầu tháng 10 năm nay đã giải quyết xong”. Tiếp lời, ông Nguyễn Long Giang – Phó hiệu trưởng khẳng định: “Không hề có trấn lột vì ở đây không dùng vũ lực, sức mạnh buộc HS sợ hãi để trấn lột tiền bạc”.
Ông Giang tóm lược vụ việc: D. khá yếu đuối nên có tâm lý muốn được bạn bè che chở. Vì vậy, D. thường cho tiền bạn trong lớp để bạn chơi với mình. Thấy một bạn được D. cho tiền ăn uống thoải mái, 11 HS khác đã xúm vào xin tiền của D. Vụ việc được phát hiện khi một trong 12 em xin tiền mang điện thoại của D. về nhà và phụ huynh em này biết, đã báo cho giáo viên chủ nhiệm. Trong cuộc họp kiểm điểm, những HS này thừa nhận đã “xin” và “giữ tiền” của D. tổng cộng là 1.470.000 đồng. Trong đó, mức “xin” nhiều nhất là 400 ngàn đồng và thấp nhất là 100 ngàn đồng. Đại diện nhà trường cũng cho hay, toàn bộ số tiền trên đã được các phụ huynh có con em liên quan trả lại cho gia đình D.
Phân tích vụ việc này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét: “Hiếm khi nào có đến 12 HS cùng lúc “xin tiền” một người. Và cũng hiếm có HS nào bạo gan qua mặt cha mẹ, trộm cắp nhiều tiền chỉ để “cho bạn” trong một thời gian dài”.
Đang là chuyên viên tham vấn tâm lý học đường tại một số trường tiểu học trên địa bàn Q.11, TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng đề cập một câu chuyện ít nhiều có sự tương đồng: Có một cậu bé mỗi ngày được cha mẹ cho đến mấy trăm ngàn đồng. Cậu đã mang tiền và mua quà bánh cho bạn. Sau, gia đình siết lại, cậu bé bắt đầu bị bạn vòi tiền. Bà Mỹ Linh nhấn mạnh: “Đây cũng là một hình thức trấn lột. Bởi lẽ, khi người bạn nói với cậu bé rằng nếu không tiếp tục đưa tiền thì không chơi với em nữa và lôi kéo những đứa khác cô lập cậu bé. Điều này có nghĩa đã gây sức ép tâm lý, đe dọa tinh thần lên cậu bé”.
Có thể không loại trừ trường nào
Ông Nguyễn Văn Vượng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM bày tỏ: “Tôi xem trấn lột như là một vấn đề của xã hội và mang tính tiêu cực. Nó có thể xảy ra không loại trừ trường nào”. Ông Vượng tâm tư: “Cái mất lớn nhất với những HS bị trấn lột là mất niềm tin trong cuộc sống. Bởi các em không biết bảo vệ mình bằng cách chia sẻ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn khác. Từ đó các em dễ chấp nhận và thỏa hiệp với cái xấu”.
Ông Vượng cũng lưu ý, ngay cả con em một số gia đình khá giả cũng có thể tham gia trấn lột, chứ không chỉ có HS khó khăn. Theo ông Vượng, những thanh thiếu niên này muốn thể hiện tính cách, tâm lý kẻ cả, đại ca của mình đồng thời muốn thỏa mãn nhu cầu tiêu xài cá nhân. Do đã quen nhúng chàm cộng với phản ứng tiêu cực là sự im lặng, chịu đựng của nạn nhân nên những kẻ trấn lột ngày càng lấn tới, dễ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, lôi kéo những em khác – kể cả em bị trấn lột – đi trấn lột người khác…
“Theo tôi, để phòng ngừa, giáo viên và phụ huynh phải gần gũi các em thường xuyên và trang bị cho các em kiến thức tự bảo vệ bản thân. Song song đó là tăng cường lực lượng tự quản, tức là cán bộ lớp”, ông Lê Văn Linh – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Thanh Bình, TP.HCM góp ý kiến. Ông Linh trăn trở: “Tôi cảm nhận hiện nay có nhiều HS sống theo kiểu mạnh được yếu thua. Nhiều em cũng không tìm được chỗ dựa để tin tưởng chia sẻ khi gặp chuyện. Đặc biệt, HS không được dạy cách xử lý tình huống, chẳng hạn khi nào báo bố mẹ, khi nào báo thầy cô và khi nào báo công an”.
Bên cạnh sự sâu sát của gia đình, nhà trường, vai trò của chuyên viên phòng tham vấn học đường cũng rất quan trọng trong việc phát hiện cũng như tham gia xử lý những vụ trấn lột trong trường học.
————————————-
Rot Store chuyên cung cấp đồ sơ sinh, xe đẩy combi, máy hút sữa medela, ghế rung fisher price , giường cũi trẻ em, máy tiệt trùng bình sữa, tủ nhựa