Bảo quản sữa trong tủ lạnh là giải pháp tạm thời để trẻ được bú sữa mẹ.


Đầu tư lớn, không hiệu quả

Chị Nguyễn Thái Hòa (381 Nguyễn Khang, Hà Nội) khi chuẩn bị sinh con đã nghe bạn bè mách bảo về việc trữ đông sữa mẹ có thể bảo quản từ 3 – 6 tháng để cho con dùng dần khi mẹ phải đi làm, thế là chị tìm hiểu thông tin về việc trữ đông sữa, cách hút sữa và bảo quản…

Chị Hòa thực sự bị thuyết phục và tin tưởng rằng con mình sẽ có sữa mẹ để ăn lâu dài. Chị đã đầu tư một tủ đông riêng để trữ sữa, máy hút sữa và bình, túi trữ sữa ổng cộng cũng đến gần 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi con được hơn 2 tháng chị bắt đầu lấy sữa đông lạnh tập cho bé tập ăn dần thì phát hiện sữa có mùi lạ khi làm tan đông, nên chị lại không dám cho con ăn.

BS Trương Ngọc Dương, chuyên khoa Nhi, Học viện Quân y cho rằng, sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng cao đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc để đông lạnh và rồi lại làm tan đông cho bé bú lại là một câu chuyện khác. Dù bảo quản có tốt đến đâu thì chất lượng dinh dưỡng của sữa cũng không thể được như nguyên trạng ban đầu.

Đấy là chưa kể tới nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường. Quá trình hút sữa, đóng túi và bảo quản lạnh, sau đó lại rã đông, hâm nóng và cho bé ăn không thể là một quá trình hoàn toàn đảm bảo vô trùng và vô khuẩn được. Nếu chỉ là khuẩn cộng sinh bình thường thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ, nhưng nếu quá trình đó diễn ra trong điều kiện thời tiết, môi trường, dịch bệnh… thì nguy cơ bất lợi cho sức khoẻ là rất lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bảo quản sữa mẹ nên chú ý đến dụng cụ chứa, bình, túi chứa phải đảm bảo sạch, vô trùng và nhất thiết đó phải là nhựa thực phẩm để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sức khoẻ của trẻ.

Hiện Viện chưa có thí nghiệm, nghiên cứu cụ thể về chất dinh dưỡng của sữa có bị suy giảm hay giảm ở mức độ nào hay không. Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học cơ bản, bảo quản sữa trong tủ lạnh cũng là giải pháp khoa học tạm thời để trẻ được tiếp nhận nguồn sữa mẹ.

Trữ đông tối đa trong 1 tuần

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, khi tích trữ sữa đông lạnh tránh để lâu ngày. Nhiều bà mẹ cho rằng, để ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông có thể kéo dài thời gian bảo quản nhưng đối với sữa thực sự không phải thế. Khi bảo quản ở ngăn mát, sữa mẹ chỉ nên để dùng trong ngày. Còn bảo quản ngăn đá chỉ nên kéo dài khoảng vài ngày, cùng lắm là một tuần. Bởi khi để vào ngăn đá, chất béo có trong sữa bị oxy hóa dẫn đến sữa có thể kém chất lượng hơn.

Sau khi bảo quản đông lạnh nên ngâm sữa vào chén nước ấm để rã đông và làm ấm sữa. Tránh đun hay chạy lò vi sóng để rã đông hay làm nóng sữa, bởi quá trình nấu sữa ở nhiệt độ cao sẽ làm mất vitamin và các kháng thể chống lại sự nhiễm trùng có trong sữa mẹ.

Tốt nhất, trước khi cho con ăn, nên lấy sữa từ ngăn đông để xuống ngăn mát cho tan dần để tiện việc làm ấm sữa. Bạn có thể cho trẻ sử dụng sữa hoặc có thể tiếp tục bảo quản ở tủ lạnh thêm 24 giờ nữa. Tuyệt đối không nên làm đông lạnh sữa lần thứ hai.

Các chuyên gia cho rằng, trong một số trường hợp sữa mẹ đông lạnh có thể có mùi khi làm tan đông. Vì một số bà mẹ có hàm lượng men lipase (một loại men tiêu hóa chất béo) trong sữa cao và khi làm tan đông, sữa của những bà mẹ này thường có mùi và nếm có vị của xà phòng. Tuy không có hại gì cho trẻ, nhưng trẻ thường không thích và không chịu bú sữa mẹ có mùi này.

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, sữa mẹ được giữ trong tủ lạnh hoặc làm đông lạnh trên 48 giờ sẽ bị giảm tính chất chống oxit hoá – một tính chất bảo vệ rất tốt cho trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên giữ sữa mẹ quá lâu trong tủ lạnh và tuyệt đối không làm đông lạnh sữa mẹ vì khi ấy nó sẽ mất hoàn toàn khả năng chống oxit hoá.