Dưới đây là những điều tuy đơn giản nhưng lại rất có ích trong quá trình phát triển trí thông minh của bé:
Giao tiếp bằng mắt. Hãy nhìn thẳng vào mắt con bất cứ khi nào bé thức. Những em bé biết nhận mặt từ sớm, nhất là khuôn mặt của bố mẹ. Mỗi lần nhìn chăm chú vào bạn, bé đã học được khả năng ghi nhớ.
Cho bú mẹ càng lâu càng tốt. Những nghiên cứu cho thấy các em bé được bú mẹ thường có chỉ số IQ cao hơn, đặc biệt khi kèm theo đó là được bố mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc, hát, kể chuyện cho nghe hay đơn giản là thường xuyên âu yếm, vuốt ve.
Biểu cảm mặt khi nói: Các nhà khoa học khẳng định, ngay từ lúc mới sinh 2 ngày, các bé đã có thể bắt chước những cử động cơ mặt đơn giản
Cho bé soi gương. Đầu tiên, bé có thể nghĩ người trong gương là một em bé khác và trẻ sẽ rất thích thú học vẫy tay hay mỉm cười với “bạn” mình
Cù ngón chân: Thực tế, bạn có thể cù toàn thân bé. Tạo ra tiếng cười là bước đầu tiên để bạn giúp con phát triển khả năng hài hước.
Chơi trò “tìm điểm khác biệt”: Bạn giơ hai bức tranh có nhiều điểm tương đồng (kích thước khoảng 20,5-30cm) ra trước mặt bé và bảo con quan sát thật kỹ để chỉ ra những điểm khác biệt. Cách này sẽ giúp bé nhận mặt chữ và học đọc tốt hơn
Cùng khám phá: Bố có thể bế, địu hoặc cõng con đi dạo và thuật lại những gì mình thấy với bé, chẳng hạn: “Kia là một chú chó con” hay “Con nhìn cái cây to kìa”, hoặc “Con có nghe thấy tiếng xe đang chạy không”. Đây là một trong những cách xây dựng vốn từ cho bé.
Hát cho bé nghe: Bố mẹ có thể hát những bài ngắn, giai điệu dễ nghe hoặc tự “phổ nhạc” khi trò chuyện, lúc chăm sóc con (chẳng hạn: Mẹ thay tã cho bé, mẹ yêu bé nhất nhà…). Một số nghiên cứu cho thấy việc nghe những giai điệu liên quan đến khả năng học toán của bé.
Tận dụng mỗi lần thay tã, thay đồ cho con để dạy về các bộ phận của cơ thể hay của quần áo.
Biến mình thành “sân chơi” cho bé: Bố có thể nằm dưới sàn nhà và để cho con bò, trườn qua người. Trò chơi vui vẻ này sẽ giúp bé học được khả năng phối hợp và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Mỗi khi chuẩn bị làm gì, bạn hãy nói với con, chẳng hạn như thông báo: “Bây giờ mẹ sẽ tắt đèn nhé” trước khi gí công tắc. Cách đơn giản này sẽ dạy con bạn hiểu về nguyên nhân và kết quả.
Làm cho con vui thích bằng cách thổi nhẹ vào mặt, cánh tay hay bụng bé. Chú ý đến hơi thở của bạn và nhìn phản ứng của bé
Đọc đi đọc lại một cuốn truyện. Các nhà khoa học khẳng định các em bé ngay từ 8 tháng có thể nhận ra chuỗi từ ngữ nếu được nghe câu chuyện liên tục 2-3 lần. Cách này cũng giúp bé học ngôn ngữ tốt hơn.
Chơi “ú- òa”: Che mặt đi và mở ra cùng với những tiếng “ú-òa” sẽ mang lại tiếng cười cho bé và giúp con bạn học về một vật có thể biến mất rồi trở lại sau đó.
Cho bé trải nghiệm những cảm giác khác nhau: Bạn có thể dùng những miếng vải sạch với chất liệu khác nhau như lụa, bông, len, lanh rồi lần lượt nhẹ nhàng chạm vào má, chân và bụng bé đồng thời diễn tả những cảm giác khi ấy.
Dành vài phút mỗi ngày chỉ để ngồi trên sàn với con, không cần mở nhạc, bật đèn hay tạo ra các trò chơi. Bạn hãy để cho con được làm những gì mình thích và quan sát bé.
Tạo cuốn album gia đình bao gồm các bức ảnh về những người thân, họ hàng và để bé xem. Điều này sẽ giúp con bạn học cách ghi nhớ. Khi bà gọi điện, hãy chỉ cho bé hình của bà lúc con nghe điện thoại.
Bạn có thể thúc đẩy kỹ năng vận động của con bằng cách đặt chiếc đệm sofa, gối, hộp hay đồ chơi lên sàn và sau đó chỉ cho con bạn cách để trườn qua, luồn xuống hay bò quanh
Chơi trò “rồng rắn lên mây”: Hai bố con, hoặc có thể rủ thêm bạn bè của bé cùng bám đuôi nhau đi quanh nhà với tốc độ khác nhau rồi dừng lại ở một chỗ nào đó và chơi trò chơi.
Bắt chước bé: Khi con lớn hơn một chút, thỉnh thoảng, bạn làm theo những hành động của bé như tạo âm thanh ngộ nghĩnh, đi giật lùi hay cười. Cách này giúp tăng khả năng sáng tạo của trẻ
Tạo ra khuôn mặt hài hước: Phồng má, để cho bé chạm vào mũi bạn rồi xẹp má xuống. Hay khi hai bố con chơi trò kéo tai, bạn có thể thè lưỡi ra, giả vờ kêu tiếng một con vật nào đó. Bạn làm lại những điều này 3-4 lần, sau đó thay đổi cách thức để bé phải đoán chừng.
Cho bé đụng vào các đồ vật trên đường: Hai bố con cùng đi bộ vòng quanh nhà, bạn cho bé chạm tay vào cửa số lạnh, những bộ quần áo mềm mại đang phơi, chiếc lá cây hay những vật an toàn khác và gọi tên chúng.
Chọn một truyện bé thích, đọc lên nhưng thay tên nhân vật chính bằng tên của bé sẽ làm con bạn rất thích thú
Làm cuốn album về các con vật: Bạn có thể chụp hình các con thú bé yêu thích trong lần đi thăm sở thú và cho vào cuốn album. Sau đó, cả nhà cùng “đọc” và đặt những tên cái thân mật cho từng con, kèm với diễn tả âm thanh hay các câu chuyện về chúng
Thỉnh thoảng để cho bé được lựa chọn: Xây dựng sự tự tin cho con bằng cách để cho bé chọn một trong hai thứ nào đó, chẳng hạn cái bát màu xanh hay cái màu nâu khi ăn cơm. Từ đó, bé sẽ học cách tự quyết định và đọc tên các màu sắc.
Cho bé tập đếm mọi thứ, từ số viên gạch nền, số bậc cầu thang trong nhà hay số ngón chân, ngón tay của mình…
Nhảy trong vũng nước nhỏ, ngồi ở đám cỏ ướt… là những trò vui với trẻ, dẫu hơi bẩn một chút nhưng sẽ giúp bé hiểu được thế nào là khô và ướt.
Hóa trang: Để cho con bạn “vào vai” với vài cái áo sơ mi cũ của bố, chơi đóng kịch với các đồ đã cũ như những chiếc mũ ấm, khăn quàng, găng tay. Bạn có thể đặt ra các tình huống rồi để bé sáng tạo và tưởng tượng tiếp câu chuyện.
Dạy bé về to – nhỏ: Lấy vài chiếc cốc hay các hộp nhựa với kích cỡ khác nhau để cho bé đổ nước từ một cái vào những cái khác trong lúc tắm. Bé sẽ thấy có cái chưa đầy còn cái khác lại bị trào ra. Khi ấy, bạn hãy nói với con về khái niệm lớn hơn và nhỏ hơn
Để bé giúp bạn làm những việc vặt như phân loại quần áo màu tối và màu trắng, cất đồ của mình…
Cho bé chơi lại các đồ chơi cũ: Bạn có thể tìm lại chiếc xúc xắc bé chơi khi con còn ẵm ngửa và sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy con sử dụng đồ này bằng một cách khác
Gợi ý để con nói về những cảm giác đã trải qua: Lúc bé đi ngủ, bạn hãy vuốt ve và hỏi con, chẳng hạn: Điều gì làm bé vui hay buồn trong ngày hôm đó, cái gì khiến bé tức giận hay tự hào… Với việc này, bạn sẽ giúp con nhớ lại một ngày của mình và biết cách gọi tên cảm xúc.