Bé Kem nhà tôi mới 6 tuổi nhưng được mọi người nhận xét là chững chạc, tự tin như người lớn v�� không hề bám mẹ. Nhiều người còn hỏi có phải tôi cho con học trường quốc tế hay không mà Kem có phong cách đĩnh đạc “như Tây”. Thực tế, chỉ là tôi chịu khó đọc một số sách báo, tài liệu nước ngoài về cách dạy con tự tin, độc lập từ nhỏ và áp dụng theo. Xin chia sẻ với các mẹ một số kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con của tôi.
Nuôi dưỡng sở thích của con
Tôi luôn tạo cơ hội để Kem thử sức trong nhiều hoạt động đa dạng khác nhau và khuyến khích con khi bé tìm thấy được điều mà bé thực sự yêu thích. Trẻ em có đam mê đặc biệt – dù đó là đá bóng hay sưu tập khủng long – thì đều cảm thấy tự hào về lĩnh vực của mình và có xu hướng thành công hơn trong tương lai. Có một sở thích nào đó cũng khiến trẻ dễ hòa nhập với bạn bè hơn, nhất là đối với những trẻ cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với bạn bè ở trường vì khi có mối quan tâm đặc biệt, có chủ đề “tủ” để nói, trẻ sẽ dễ kết nối với các trẻ khác.
Trẻ em có sở thích riêng sẽ tự tin, dễ hòa nhập với bạn bè hơn vì luôn có chủ đề “tủ” đề nói. (Ảnh minh họa)
Để trẻ ra quyết định
Dĩ nhiên, ở độ tuổi còn nhỏ, việc quyết định có thể quá sức với bé nên tôi thường đưa ra khoảng 2-3 lựa chọn cho bé cân nhắc. Ví dụ như hồi Kem tầm 3 tuổi , tôi không hỏi con thích ăn gì cho bữa trưa mà hỏi trưa nay bé thích ăn miến trộn hay cơm rang, đồng thời để bé biết được quyền lựa chọn là ở bé. Tôi tin là nếu con trẻ có cơ hội được đưa ra quyết định khi còn nhỏ, bé sẽ có được sự tự tin vào chính phán xét của mình.
“Tàn nhẫn” đúng lúc
Bố mẹ nào mà chả sợ con đau, con bị tổn thương, bắt nạt hay mắc sai lầm. Nhưng khi bố mẹ can thiệp vào vào mọi chuyện – như cố để con được mời đến bữa tiệc sinh nhật mà bé không được mời ngay từ đầu hay “xử lí” lũ bạn trêu chọc con – thực ra bố mẹ không hề giúp con được gì cả. Trẻ học cách thành công bằng việc vượt qua những chướng ngại vật đó, không phải bằng việc để phụ huynh dọn giùm chướng ngại vật cho trẻ.
Bố mẹ cần có phút “tàn nhẫn” đúng lúc để con tự giải quyết vấn đề của mình. (Ảnh minh họa)
Có lần đưa con đến khu vui chơi ở trung tâm thương mại, Kem đang chơi với một bộ dụng cụ trồng cây rất xinh thì bạn chơi bên cạnh cứ dùng xẻng hất cát vào chân Kem. Thấy con bé mắt rơm rớm rồi quay đầu về phía mẹ, tôi đã định đến cho bé kia một bài học nhưng kìm lại được, thử để im xem Kem định làm gì. Thấy mẹ “bơ” mình, không biết nhờ sự trợ giúp ở đâu, một lát sau Kem đành tự bảo với bạn: “ Cậu ơi đừng hất nữa. Bẩn chân tớ.” Trước sự ngạc nhiên của cả tôi và con, bé kia ngừng hất cát thật. Kem có vẻ rất ngỡ ngàng và vui sướng vì chỉ với một câu nói đơn giản mà vấn đề đã được giải quyết. Tôi cũng rất mừng vì hi vọng với những bài học từ nhỏ như thế này, lớn lên Kem sẽ biết cách giải quyết vấn đề độc lập khi không có bố mẹ bên cạnh.
Tạo cơ hội cho bé tiếp xúc với người lớn
Ở nhà, tôi luôn tạo cơ hội để con giao tiếp với hàng xóm như sang mượn bác Hoa cái kéo giúp mẹ hay mang cho bà Hải ít nhãn lồng. Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa con lên cơ quan để cháu có dịp trò chuyện với các cô các bác trong phòng. Vẫn biết trẻ con thích chơi với nhau hơn, nhưng tôi thấy để con được gặp gỡ với nhiều người lớn cũng vô cùng quan trọng. Cho con tiếp xúc nhiều với người lớn là để mở mang thế giới của trẻ, giúp con bạo dạn hơn, gặp nhiều tình huống giao tiếp đa dạng hơn. Kem quen việc từ nhỏ nên không hề rụt rè khi gặp người lạ. Có những lần cho con đi tham quan cùng công ty, mặc dù đợt đó không có đứa trẻ con nào khác đi cùng bố mẹ nhưng Kem nhà tôi vẫn rất vui vẻ, cháu thoải mái đi ăn, đi tắm biển và tham gia trò chuyện cùng các cô chú, “bình đẳng” như một người lớn.
Nhìn Kem càng lớn càng tự tin, có thể tự đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà, có thể về quê dài ngày với ông bà mà không cần bố mẹ, biết mạnh dạn tự xin vào đội văn nghệ của lớp,… tôi rất tự hào và tin tưởng vào phương pháp dạy con của mình.