Đối với trẻ bị hội chứng ADHD, khi kiểm tra não bộ thường có các biểu hiện cho thấy ở những vùng não bị tổn thương, có những tế bào còn non, vì thế chúng không có khả năng sản xuất ra các hoạt chất dẫn truyền, điều này khiến cho việc truyền tải thông tin giữa những tế bào bị giảm sút.
Tuy mang tính bẩm sinh, nhưng thường khi trẻ trên 3 tuổi những rối loạn về vận động và kém chú ý mới bộc lộ rõ ràng, và điều này sẽ kéo dài cho đến khi trẻ 14 tuổi, nếu được điều trị và tập luyện thì vào độ tuổi này, việc tiết ra các chất dẫn truyền sẽ được cải thiện và trẻ sẽ ổn định. Ngược lại, nếu không được chăm sóc tốt, thì tình trạng sẽ kéo dài khiến trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong các mối quan hệ, ứng xử và sẽ có những ảnh hưởng nặng nề khi trẻ trưởng thành.
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA TÌNH TRẠNG KÉM CHÚ Ý
–Không chú ý hoặc phạm các sai lầm, cẩu thả trong việc học tập ở trường, trong công việc hay các hoạt động khác.
Tỏ ra khó khăn khi phải tập trung chú ý trong các hoạt động, vui chơi
Không chịu lắng nghe khi có người nói trực tiếp với mình
Không nghe theo các chỉ dẫn và thất bại trong các công việc ở trường, ở nhà mặc dù tỏ ra hiểu rõ các yêu cầu
Có khó khăn trong việc sắp đặt các nhiệm vụ và hoạt động
Thường tránh né hay không thích, hoặc miễn cưỡng khi nhận các nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ về tâm trí
Thường làm hư hỏng những đồ dùng cần thiết trong nhà và học cụ
Thường dễ bị lôi kéo bởi các kích thích bên ngoài
Thường hay quên các nhiệm vụ hàng ngày
Khi quan sát một trẻ ADHD, chúng ta thường thấy trẻ bộc lộ những nét chủ yếu sau:
Chúng không thể tập trung vào bất cứ việc gì ( học & chơi đùa ) quá 5 phút.
– Trẻ vận động, di chuyển thường xuyên, không thể ngồi yên trên 5 phút
– Tính khí rất bốc đồng, dễ thay đổi
– Các hành động đều vụng về, lóng ngóng
– Kém trí nhớ ngắn hạn
– Thường tỏ ra ương bướng Kém tự trọng
– Gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp
– Có những rối loạn về giấc ngủ
– Tỏ ra thèm ăn hoặc ngược lại, chán ăn hay chỉ ăn những gì chúng thích.
– Có những khó khăn về ngôn ngữ
Như vậy chúng ta thấy trẻ ADHD có những khó khăn về 3 lĩnh vực chính :
1 – Giao tiếp: Sự trở ngại về ngôn ngữ ( chậm nói, nói lắp…) làm chúng không muốn giao tiếp với những người xung quan.
2. Sự vận động: Trẻ vụng về, lúng túng nên không muốn thực hiện việc học tập ( tập viết ) hay các hoạt động trong nhà
3.Sự tập trung: Trẻ không thể nhớ, không thể tập trung để tiếp nhận những hướng dẫn của người lớn.Vì vậy, việc trị liệu cho trẻ ADHD phải tập trung vào các điểm này, mà một trong những phương pháp tỏ ra hiệu quả là phương pháp Tâm vận động. Phương pháp này đòi hỏi một số trang bị về phòng ốc, các dụng cụ giáo dục đặc biệt và những kiến thức chuyên môn. Ở Pháp, Tâm vận động (Psychomotricité) là một chuyên ngành của trị liệu tâm lý, các chuyên viên tâm vận động được đào tạo với kỹ năng và kiến thức chuyên môn để có thể trị liệu cho từng độ tuổi khác nhau. Chuyên viên tâm vận động có thể làm việc trong các bệnh viện, trường học và đặc biệt là tại các Trung tâm Y tế – Giáo Dục & Tâm lý(Centre Medico Psyco Pédagogique –CMPP).Ngoài việc trị liệu tâm lý bằng phương pháp tâm vận động, người ta còn áp dụng các biện pháp khác như :
– Hướng dẫn ứng xử : (trị liệu hành vi)
– Hướng dẫn bằng các bài học (tập đọc, đếm và tính toán)
– Chữa trị về lời nói và ngôn ngữ (Chỉnh âm)
– Hướng dẫn về các hoạt động trong nhà (Lịch hoạt động hằng ngày)
– Kiểm soát và nhắc nhở về ăn uống
– Sử dụng một số thuốc bổ về thần kinh
Như vậy, việc trị liệu cho trẻ có tình trạng ADHD nói riêng và những rối nhiễu về tâm lý nói chung, không phải là công việc của riêng người thầy thuốc, hay của một nhà chuyên môn nào, mà đó phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn (Bác sĩ tâm thần nhi, chuyên viên tâm vận động, chuyên viên chỉnh âm, giáo viên đặc biệt…) với phụ huynh.
Bố mẹ của trẻ ADHD cũng có một vai trò quan trọng và góp phần tích cực trong việc giúp cho con em mình ngày càng ổn định hơn.Chúng ta có thể thấy rõ, qua các biện pháp chăm sóc và giáo dục, thì : Nhà tâm lý và Chuyên viên Tâm vận Động sẽ tiến hành các buổi trị liệu bằng Tâm vận động tại các đơn vị tâm lý ( phòng khám, bệnh viện, trung tâm tư vấn ) nhưng phụ huynh cũng có thể trang bị một số công cụ cơ bản để tiếp tục hỗ trợ con em ngay tại gia đình mình, nếu có điều kiện về phòng ốc, thời gian và được tập huấn về phương pháp này một cách cụ thể.
Phụ huynh qua sự góp ý của nhà tâm lý, sẽ tiến hành việc trị liệu hành vi và hướng dẫn con em qua các bài tập tại gia đình cũng như xây dựng một lịch hoạt động, là một công cụ rất cần thiết để giúp trẻ biết phân biệt các ý niệm về thời gian và không gian. Chuyên viên chỉnh âm sẽ tham gia nếu trẻ có vần đề về ngôn ngữ. Cuối cùng, bác sĩ về dinh dưỡng sẽ góp ý để phụ huynh biết cách kiểm soát và nhắc nhở về cách ăn uống, cũng như xây dựng một khẩu phần ăn thích hợp (tránh những món ăn gây kích thích, quá nóng, nhiều năng lượng) cũng như giúp phụ huynh cho con em sử dụng một số thuốc bổ thích hợp với thể trạng.