Thời gian tắm cho trẻ sơ sinh thích hợp nhất
Khi mẹ nằm viện, bé thường được tắm gội bởi các nhân viên y tế từ 7 đến 9 giờ sáng. Khi về nhà, mẹ có thể lựa chọn giờ tắm bé sơ sinh vào nhiều thời điểm trong ngày để tiện cho mẹ nhất.
Thời gian tắm cho trẻ sơ sinh lúc nào thích hợp?
3 khung giờ vàng mẹ nên tắm cho trẻ:
- Tắm bé vào buổi sáng, sau khi bé đã được phơi nắng đầy đủ. Nên tắm trước cữ bú thứ 2 để tránh bé bị ộc sữa, nôn trớ, đau bụng, nhiễm lạnh.
- Tắm bé vào khoảng 4 đến 6 giờ chiều để bé sạch sẽ, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
- Tắm bé vào lúc 7 đến 8 giờ tối bằng nước ấm đối với các mẹ bận rộn, không có thời gian chăm sóc bé vào ban ngày.
Hướng dẫn chi tiết các bước tắm cho trẻ sơ sinh
Trong những tuần đầu tiên trước khi trẻ rụng rốn, mẹ nên dùng khăn nhúng nước ấm bỏ thêm các loại tinh dầu như dầu tràm, dầu khuynh diệu với nồng độ ít để lau sạch người bé, đặc biệt là ở các vị trí như sau tai, nách, cổ, các ngấn trên mông, đùi. Lau rửa bộ phận sinh dục của bé bằng khăn giấy khô sử dụng một lần để đảm bảo vệ sinh.
Sau khi rụng rốn, bé có thể được tắm trong chậu hoặc bồn tắm riêng bằng nước ấm ở nhiệt độ 37oC. Thực hiện tắm cho bé đúng cách theo quy trình sẽ giúp mẹ hạn chế được các rủi ro đối với sức khỏe của bé.
Tắm bé cần nhẹ nhàng và hết sức cẩn thận.
- Chuẩn bị chậu tắm, sữa tắm, tinh dầu, khăn lau, khăn quấn bé, bỉm, mũ, tất và quần áo. Vào mùa đông, nên sử dụng thêm một số loại kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa tình trạng da khô nẻ gây đau đớn cho bé.
- Đóng các cửa sổ, cửa ra vào, tắt quạt trước khi tắm bé.
- Pha nước ấm vừa phải, có thể dùng nhiệt kế đo nước để kiểm tra nhiệt độ nước. Mức nước trong chậu không vượt quá 6cm.
- Bế bé vào phòng tắm, cởi quần áo và đặt bé vào chậu tắm. Để chân bé chạm mặt nước trước sau đó nhẹ nhàng đặt bé xuống, dùng tay đỡ cổ và đầu bé, khoát nước từ từ lên người để bé không bị lạnh.
- Sử dụng khăn tắm mềm và dầu gội trẻ em để lau rửa cho bé.
Nên lau bé ngay sau khi tắm.
- Mẹ nên rửa và lau mặt trước, sau đó chuyển qua gội đầu bằng cách làm ướt tóc bé, dùng dầu gội trẻ em xoa lên toàn bộ phần đầu, massage nhẹ nhàng và rửa lại với nước để làm sạch bọt. Ngay lập tức lau khô đầu cho bé bằng khăn bông để tránh nhiễm lạnh rồi mới chuyển sang tắm các phần khác.
- Lau thân mình bắt đầu từ cổ đến nách, tay, bụng, các kẽ ngấn mông, đùi và chân. Rửa lại bằng nước ấm để bé sạch sẽ hoàn toàn sau đó lau khô.
- Dùng khăn giấy khô nhúng nước vệ sinh bộ phận sinh dục.
- Bọc bé vào khăn quấn, đội mũ cho bé sau khi tắm xong và bế bé vào giường.
Giữ ấm cho bé sau khi tắm sẽ hạn chế nguy cơ cảm lạnh.
- Thực hiện vệ sinh tai mũi cho bé trước khi mặc quần áo bằng cách sử dụng tăm bông mềm đầu nhỏ nhúng nước muối sinh lý lau vết bẩn bên ngoài vành tai hoặc dùng máy hút mũi lấy đi gỉ mũi cho bé.
- Mặc quần áo, mang tất và bao tay vào. Dùng các loại tinh dầu bôi vào thóp, ngực và hai gan bàn chân giúp bé giữ ấm hiệu quả và tránh các loại côn trùng.
Các mẹ tham khảo tại đây đồ dùng cho bé tắm như: chậu tắm, khăn xô, khăn quấn cho bé
Lưu ý cơ bản khi tắm cho trẻ sơ sinh
Mẹ nên nắm rõ một số lưu ý nhất định trong quá trình tắm bé để giúp bé có được sức khỏe tốt nhất.
- Trẻ sơ sinh trên 10 ngày tuổi chỉ nên tắm 2 đến 3 ngày/ lần. Nên thực hiện lau rửa hàng ngày bằng nước ấm để giữ vệ sinh cho bé, đặc biệt là bộ phận sinh dục.
- Tắm bé trong phòng kín, có nhiệt độ ấm áp, tránh gió lùa.
- Trẻ sơ sinh có thân nhiệt cao hơn người lớn do đó quá trình mất nhiệt cũng diễn ra nhanh hơn. Thời gian tắm cho trẻ sơ sinh mẹ nên thực hiện nhanh trong vòng 5 đến 10 phút để tránh gây cảm lạnh cho bé.
- Mẹ nên tắm cho bé trong các khung giờ từ 10 đến 11 giờ sáng hoặc 15 đến 16 giờ chiều vì đây là thời điểm ấm áp nhất trong ngày.
Quấn bé bằng khăn mềm giúp giữ ấm cho bé hiệu quả.
- Sau khi tắm xong nên quấn bé và mặc quần áo ngay lập tức. Sử dụng khăn tắm từ chất liệu cotton để tăng khả năng thấm hút.
- Khi dùng dầu gội hoặc sữa tắm, mẹ nên lưu ý liều lượng để tránh gây dị ứng hoặc làm khô da bé. Mỗi lần tắm không nên dùng quá 1ml sữa tắm.
- Luôn giữ đầu bé cao hơn thân hình và mực nước trong chậu tắm để tránh nước chảy vào tai hoặc mắt gây đau đớn cho bé.
- Tuyệt đối không tắm bé khi bé đói bụng hoặc sau khi ăn no. Tắm cho bé khi đói sẽ khiến bé khó chịu và phản ứng dữ dội gây khó khăn cho mẹ. Tắm cho bé sau khi ăn no sẽ khiến bé dễ bị nôn trớ, đau bụng, nhiễm lạnh rất nguy hiểm.
Chăm sóc trẻ sơ sinh luôn là một công việc yêu cầu sự kiên nhẫn và cẩn thận của mẹ. Hy vọng những thông tin về thời gian tắm cho trẻ sơ sinh và các bước tắm bé trong bài viết sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình nuôi dưỡng bé!