Giấc ngủ điển hình của tuổi này
Lúc này, bé nhà bạn sẽ ngủ 10 – 12 tiếng mỗi đêm và khoảng 2 tiếng ngủ trưa mỗi ngày. Một vài đứa trẻ vẫn tiếp tục duy trì 2 giấc ngủ ngày nhưng ngắn hơn cho đến khi bé sinh nhật lần thứ 2. Vì vậy, nếu bé nhà bạn không thể ngủ dưới 1 giấc vào ban ngày thì cũng đừng cố gắng thay đổi.
Giúp bé thiết lập thói quen ngủ mới
Ở tuổi này, có một số cách tốt nhất mà bạn có thể làm để bé ngủ ngon mỗi tối như sau:
Giúp bé tự ngủ: Nếu bạn muốn bé yêu ngủ ngon cả đêm thì đừng tạo ra một số thói quen trong quá trình bé bắt đầu ngủ. Vì nếu bạn ru bé bằng tiếng nhạc phát ra từ máy nghe thì nửa đêm, khi bé thức giấc, không còn nghe thấy tiếng nhạc nữa, bé sẽ bứt rứt. Nếu bạn kê gối cho bé ngủ, bé sẽ lồm cồm bò dậy để tìm chiếc gối đã tuột ra khỏi đầu từ lúc nào. Khi bé được ngậm bình nước như một cách ru ngủ, bé sẽ thức dậy để tìm nó. Bạn bật đèn ngủ cho tới khi bé ngủ say mới tắt thì đó cũng có thể là nguyên nhân làm bé sợ hãi và thức dậy giữa đêm….
Cho bé lựa chọn giờ ngủ: Vào thời điểm này, bé nhà bạn bắt đầu biết khám phá năng lực bản thân, muốn kiểm soát thế giới quanh mình, muốn thể hiện sự độc lập. Để giảm bớt những cuộc chiến trước giờ đi ngủ, hãy để trẻ lựa chọn những gì bé muốn làm khi tới giờ đi ngủ, ví như nghe kể chuyện, tự mặc pijama. Hãy đưa ra cho bé 2 – 3 lựa chọn mà bạn tin chắc rằng sẽ làm bé vui vẻ. Ví dụ: Đừng hỏi: “Con đã muốn đi ngủ chưa?” vì gần như chắc chắn bé sẽ nói không. Thay vì đó, hãy thử nói: “Ngay bây giờ hay 5 phút nữa mình đi ngủ con nhỉ?”. Khi đưa ra cho bé lựa chọn như vậy, chắc chắn bạn sẽ vừa đạt được mục tiêu của mình mà trẻ thì cảm thấy mình có quyền quyết định.
Đối phó với những vấn đề về giấc ngủ
Độ tuổi này thường có 2 vấn đề phổ biến: đó là khó ngủ và hay thức giấc vào buổi đêm. Những gì bạn có thể làm khi bé thức dậy nhiều lần trong đêm là:
– Tạo thói quen để bé rủ một bạn nào đó (gấu bông, búp bê…) đi ngủ cùng.
– Rút ngắn thời gian ngủ trưa; giảm các loại vận động gây kích thích tinh thần của bé khi chiều tối.
– Nhìn đồng hồ để biết thời điểm bé bắt đầu buồn ngủ và lấy giờ đó làm giờ đi ngủ của bé. Duy trì đều đặn thói quen ngủ vào giờ này và nói cho bé hiểu rằng bé sẽ làm gì, khi nào và tại sao như vậy.
Do tính khí và thể chất của mỗi đứa trẻ khác nhau nên đôi khi những gợi ý trên không thể đem áp dụng với bé nhà bạn. Lúc này, chỉ có sự quan sát và trái tim người mẹ mới mách bảo bạn phải làm điều gì là đúng nhất.
KNiC Co.,Ltd – ShopTreTho.com.vn – Thiên đường cho Bé