Ăn giỏi chơi ngoan

Giữa thế giới đồ chơi Trung Quốc bạt ngàn về kiểu dáng, tính năng, màu sắc nhưng có nhiều nghi vấn về chất lượng, đồ chơi Việt Nam thì ít chủng loại và thiếu sáng tạo, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại đầu tư máy tính bảng, điện thoại thông minh, đa tính năng cho con vui chơi. Với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồ chơi công nghệ vừa là thiết bị phục vụ cho bố mẹ, lại vừa có sức hấp dẫn đặc biệt với con trẻ.

Từ khi đổi sang chiếc Iphone 4s, anh Đức (Khâm Thiên, Hà Nội) không thấy con đòi mua đồ chơi mới. Hễ thấy bố về nhà là cu Tom lân la hỏi mượn điện thoại và ngoan ngoãn ngồi chơi game. Cả đống đồ chơi xếp xó góc nhà lâu nay, Tom không hề động tới. Mỗi lần ngồi cà phê với bạn hay làm việc ở nhà, chỉ cần đưa chiếc Iphone cho con là anh có thể ngồi chuyện trò hàng giờ hay yên tâm tập trung vào công việc mà không bị quấy rầy hay lo lắng con “chơi linh tinh”.

Khác với đồ chơi truyền thống, phụ huynh lựa chọn các thết bị công nghệ với kho ứng dụng khổng lồ của App Store, Google Play bởi chúng có thể giúp trẻ liên tục thay đổi trò chơi mà không nhàm chán. Đồng thời nhiều người tin rằng các trò chơi, ứng dụng trong đó giúp con cải thiện tư duy, nâng cao trí thông minh, tăng khả năng phản ứng… Những đồ chơi như ô tô, máy bay, bé chỉ chơi vài ngày là chán. Nhưng với Iphone, Ipad, hầu như trẻ nào cũng say sưa khám phá hết trò này đến trò khác. Chúng còn trở thành vũ khí lợi hại dỗ trẻ ăn.

Tiếp xúc với các trò chơi trên các thiết bị công nghệ giúp trẻ sớm có hiểu biết về công nghệ thông tin, mở rộng nhận thức. Thực tế, một số trò chơi trong Iphone, Ipad, SmartPhone giúp trẻ nâng cao trí não. Chẳng hạn như khi chơi trò chém hoa quả, khả năng phản ứng của trẻ được cải thiện đáng kể, trò Angry Bird giúp trẻ tìm cách phối hợp giữa sức lực và phương hướng…

Một số bậc phụ huynh cho biết, sử dụng máy tính bảng cho con tập tô chữ, vẽ tranh, đánh vần, nhận biết kiến thức tự nhiên qua hình ảnh dễ dàng hơn nhiều so với dùng sách, truyện hay tranh ảnh giấy như trước; và trẻ cũng hứng thú hơn. Do đó, nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư loại thiết bị này như một phương tiện bổ trợ hữu hiệu trong việc rèn con chơi và học tại nhà.

… Nhưng quên vận động

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn đặc biệt của các điện thoại thông minh, máy tính bảng đối với trẻ con. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngai là trẻ rất dễ nghiện Iphone, Ipad, SmartPhone… đến mức một số bố mẹ còn phải “vật vã” mãi mới có thể cai nghiện được cho con.

ThS. Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu Tâm lý và Tâm bệnh lý trẻ em cho biết: “Trường hợp trẻ nghiện chơi điện thoại, máy tính bảng xảy ra chủ yếu ở những gia đình có điều kiện khá giả, bố mẹ thường xuyên vắng nhà. Với những trẻ này, khi được bảo mở máy tính, vào mạng trẻ thao tác rất nhanh, nói chuyện game thì vô cùng háo hức nhưng bắt học hành và tập các kỹ năng khác lại không biết gì hoặc chậm so với bạn cùng lứa tuổi, hay tỏ thái độ không hứng thú. Mải chơi game. Ngay cả bố mẹ, ông bà, người thân, bạn bè các bé cũng không muốn trò chuyện.”

Các chuyên gia cảnh báo nếu nghiện game, nghiện Internet sẽ dẫn đến suy giảm trí lực ở trẻ nhỏ. Thời gian lên mạng càng nhiều thì thời gian giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc trực tiếp với thế giới xung quanh càng bị thu hẹp. Xa hơn nữa, trẻ còn có thể mắc chứng ngại giao tiếp, tự kỷ, khiếm khuyết khi trưởng thành do chỉ say mê Iphone, Ipad. Các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng thu hút toàn bộ khả năng tập trung của trẻ vào màn hình mà không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Do đó, nó có thể làm giảm hứng thú của trẻ với thế giới chân thực ngoài đời.

Kỳ nghỉ hè vừa qua của cơ quan chị Liên (Tây Sơn, Hà Nội), hầu hết các gia đình đều cho con đi cùng. Các bé đều sàn sàn tuổi nhau nên nhanh chóng hòa nhập và chơi đùa vui vẻ. Tuy nhiên, khi bé Thảo Linh, con gái chị Liên lôi chiếc Ipad ra chơi trò chém hoa quả thì lần lượt các bé đều đòi bố mẹ lấy Ipad, Iphone, SmartPhone… ra chơi game. Mỗi đứa một góc, mắt say sưa không rời màn hình, một tay cầm, một tay liên tục chạm màn hình. Có bé mải chơi, ngồi mãi một tư thế đến mức chân tê cứng không thể đứng dậy. Rõ ràng sức hút của game đã chiếm hết quỹ thời gian chạy nhảy, vui đùa ngoài trời của trẻ. Từ đó, trẻ bị hạn chế các kỹ năng xã hội và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, ứng xử với thế giới bên ngoài.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho rằng việc đóng khung trong các trò chơi trên thiết bị công nghệ số cũng làm ảnh hưởng đến khả năng tưởng tượng và làm suy giảm thị lực của trẻ. Theo bác sĩ Liên, trưởng khoa Nhi, BV. Xanh Pôn: “Chơi Iphone, Ipad cũng giống như xem tivi, máy tính, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị lực, gây mỏi mắt. Các bậc phụ huynh nên kiểm soát thời gian tiếp xúc của trẻ với các thiết bị điện tử này không được vượt quá 2 tiếng mỗi ngày.”

Theo ThS. Phạm Đức Chuẩn, trẻ em dưới 5 tuổi như một tờ giấy trắng, điều quan trọng là trang bị nền tảng kiến thức cho các cháu. Ở giai đoạn này, nếu để trẻ tiếp xúc không chọn lọc thì lớn lên rất khó cài các kiến thức vào trí nhớ trẻ. Nếu bố mẹ không kiểm soát thời gian và nội dung các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng; để trẻ chơi quá nhiều, bé sẽ gặp khó khăn trong học nói, diễn đạt, đánh vần, viết chữ khi bắt đầu đến trường.

Ngoài ra, điều nguy hiểm là nhiều phụ huynh còn tỏ ra tự hào khi thấy con cái sử dụng thành thạo Iphone, Ipad. Và khi phát hiện con đã “nghiện” thiết bị công nghệ, các bậc phụ huynh lại đưa ra cách giải quyết rất cực đoan đó là cấm hoàn toàn. Cần phải xem xét kỹ trẻ đã chơi bao nhiêu lâu mỗi ngày, chơi những loại game gì để có phương pháp điều chỉnh dần dần. Giảm bớt thời gian chơi hoặc cấm trò này thì phải hướng trẻ đến cách vui chơi khác như đưa trẻ đi xem phim, dã ngoại, vui chơi ngoài trời.