Đừng áp đặt trẻ

Khi con bạn đã hơn 3 tuổi, thật sai lầm khi bạn vẫn còn quan niệm rằng “trẻ con chẳng biết gì”, từ đó áp đặt trẻ làm theo ý mình. Thật ra, khi được 3 tuổi trẻ đã hoàn thiện tốt các kỹ năng về vận động thô, trẻ bắt đầu thích kết bạn và hướng hoạt động ra ngoài xã hội. Ở vào độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu thể hiện tính tự lập, có khả năng tự chăm sóc bản thân và muốn tự làm theo ý mình. Nếu không quan tâm đúng mực và không khéo léo trong việc dạy dỗ con, bạn sẽ vô tình đẩy bé vào hai tình huống không thuận lợi cho sự phát triển của bé: hoặc là trẻ sẽ không nghe lời, cứng đầu hoặc trẻ sẽ thụ động, nhút nhát và không dám thể hiện bản thân. Nếu con bạn đang trong độ tuổi từ 3-6, cách giáo dục tốt nhất là định hướng, khơi gợi và cùng tham gia với trẻ trong các trò chơi sáng tạo để từ đó giúp trẻ phát huy tối đa thiên hướng sẵn có. Khuyến khích và động viên trẻ trước những thói quen tích cực; khen thưởng trẻ khi trẻ hoàn thành công việc… là giải pháp hữu hiệu để trẻ tự tin phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.

Khích lệ tiềm năng học hỏi của bé

3-6 tuổi là giai đoạn tốt và phù hợp nhất để bạn kích thích tiềm năng trí tuệ của bé. Vì giai đoạn này, bé hầu như đã phát triển hoàn thiện về nhận thức cũng như kỹ năng vận động nên khả năng tương tác giữa cha mẹ và bé rất thuận lợi. Cha mẹ nên hiểu được đặc thù phát triển của trẻ trong từng giai đoạn để có sự quan tâm đúng mực, giúp kích thích tối đa tiềm năng phát triển trí não ở trẻ. Với trẻ từ 3-4 tuổi cha mẹ có thể tạo ra các trò chơi thú vị để kích thích trẻ tư duy và bộc lộ thiên hướng sáng tạo như vẽ tranh, tập viết hay các trò chơi xếp hình, kể chuyện, đóng vai nhân vật… Từ 5-6 tuổi, ngoài việc giúp trẻ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy các năng khiếu, cha mẹ cũng bắt đầu giao cho trẻ một số việc nhỏ và khen ngợi khi trẻ hoàn thành; dạy trẻ các kỹ năng xã hội để trẻ sẵn sàng tâm lý và tự tin hòa nhập vào môi trường đi học…

Khả năng quan sát, đánh giá, so sánh của trẻ bộc lộ rất rõ nét trong giai đoạn này, do vậy mà bạn cần tích cực khi trả lời những câu hỏi “tại sao? thế nào? từ đâu?… của con trẻ. Các nghiên cứu về giáo dục, tâm sinh lý ở trẻ đều đã chứng minh rằng, việc cho trẻ được quan sát thực tế là cách để trẻ trải nghiệm và học hỏi nhanh nhất. Bởi môi trường thực tế chính là cơ hội để trẻ tiếp xúc, khám phá và so sánh những gì trẻ được nghe, được kể.

3-6 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển rất nhanh để đạt đến độ hoàn chỉnh về trọng lượng và kích thước bằng 100% như người trưởng thành khi trẻ được 6 tuổi. Do vậy, cha mẹ phải luôn quan tâm, gần gũi và dành nhiều thời gian chơi với con để động viên, kích thích con trẻ phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo. Bên cạnh đó, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất tối ưu cho não bộ như DHA, ARA, Choline, Sắt… là điều thật sự cần thiết và tạo tiền đề cho trẻ học hỏi tốt trong giai đoạn đến trường.