Chỉ có 14 triệu dân nhưng người Do Thái đã chiếm 1/5 số giải thưởng Nobel trên toàn thế giới, chiếm 11,6% số tỷ phú trên toàn thế giới. Đó chính là lí do vì sao Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Vậy làm thế nào để họ có thể nuôi dưỡng, giáo dục được nhiều thiên tài đến như vậy?

Gia đình Do Thái giấu con ngay cả khi trẻ là thiên tài

Khoe con cái là một trong những tiết mục ưa thích của nhiều bậc phụ huynh Việt Nam. Cho dù con chỉ đạt một thành tích nhỏ thôi cũng đủ để trở thành câu chuyện cho các ông bố bà mẹ. Không ai có thể chê trách được điều này vì đó là tâm lý chung của nhiều người. Con đẹp, con tài hoa, con thông minh thì đương nhiên phải khoe vì bố mẹ nào mà chẳng muốn được một lần hãnh diện vì con.

Trái ngược với bố mẹ Việt Nam, người Do Thái lại giấu con cho dù chúng có là thiên tài. Đó là câu chuyện của gia đình ông Theodore von Kármán – một nhà khoa học chuyên ngành khí động lực. Năm 1881, Kármán sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hungary. Từ nhỏ, von Kármán đã sớm bộc lộ trí thông minh. Khi lên 6 tuổi, Kármán có thể tính nhẩm những phép nhân phức tạp, thậm chí còn đưa ra kết quả nhanh và chính xác hơn cả người anh trai mình làm tính trên giấy.

Nhận thấy tài năng đó của em trai, người anh đã chạy đến với cha và nói rằng: “Cha ơi, Kármán có thể lập tức nói ra kết quả phép nhân ba số với nhau. Chúng ta hãy đưa em đến chỗ đông người biểu diễn, sau đó thu phí xem biểu diễn của họ”.

Ngay sau khi nghe thấy lời đề nghị của con trai, người cha đã không đồng ý bởi ông không cho phép mình làm vậy với Kármán. Trước thắc mắc của con trai cả, người cha đã lí giải rằng: “Em con chỉ thông minh một chút thôi, nếu em con cứ sống trong sự ca tụng, sẽ không bao giờ học được cái mới nữa, cuối cùng chỉ có thể biến thành kẻ hiểu biết nửa vời, không có được thành công gì cả”.

Ngay hôm sau, Kármán đã được cha dẫn đến nhà một tiến sĩ để theo học địa lí, lịch sử, văn học. Đồng thời, ở thời điểm đó, theo yêu cầu của cha, Kármán không được chơi trò chơi toán học nữa. Mãi đến khi 20 tuổi, Kármán mới được cha cho phép cậu học lại toán học. Và nhiều năm sau đó, Kármán đã trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành hàng không. Cho dù có là một thiên tài, Kármán vẫn luôn có tinh thần học hỏi tốt và không bao giờ tỏ ra khiêu ngạo về điều đó.

Kármán là một trong những trường hợp tiêu biểu để minh chứng cho cách giáo dục thành công của người Do Thái đối với con cái.

Hình thành cho con thói quen độc lập ngay từ nhỏ

Người Do Thái cho rằng, giáo dục nhà trường chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức cơ bản, trong khi thực tế có quá nhiều kiến thức chuyên ngành, kĩ năng làm việc trẻ cần học hỏi và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp suốt một thời gian dài mới có thể nắm bắt được. Chính vì thế, họ đặc biệt chú trọng đến phương pháp tự dạy tự học, tăng cường khả năng độc lập trong học tập của trẻ.

Ngoài ra ngay từ khi mới 2-3 tuổi, đứa trẻ Do Thái đã được dạy cách tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân như đánh răng, dọn dẹp phòng, cất đồ chơi. Trẻ cũng đã biết hỗ trợ cha mẹ gấp quần áo, và sắp xếp đồ đạc, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt. Lên 5 tuổi, trẻ bắt đầy được dạy cách sử dụng sức lao động để kiếm tiền. Thay vì cho con tiền tiêu vặt, cha mẹ sẽ giao cho con một số việc nhà có trả tiền.

Huấn luyện trẻ tự giải quyết vấn đề

Trẻ em Do Thái khi đủ 18 đều rất tự lập. Bí quyết của việc này là các bậc cha mẹ Do Thái sẵn sàng làm các bậc phụ huynh chỉ đạt 80/100 điểm. Họ cố tình để lại một số vấn đề để con cái tự đối mặt và giải quyết.

Chính vì thể mà người Do Thái luôn có câu nói nổi tiếng: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con”. Điều đó có nghĩa là bố mẹ hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi.

Cho con quyền tự chủ

Nhiều bậc cha mẹ quá quan tâm và can thiệp sâu vào mọi việc của con cái, điều này sẽ khiến chúng phụ thuộc và cảm thấy mất tự do. Trong khi đó, bố mẹ Do Thái lại luôn cho con quyền tự chủ. Điều đó có nghĩa là họ để trẻ nhận thức được rằng học tập là trách nhiệm của mình chứ không phải là vì bố mẹ. Trẻ con cần sự khuyến khích và giúp đỡ của bố mẹ chứ không cần người khác quyết định việc học cũng như cách suy nghĩ.

Không nhận xét thiếu suy nghĩ về người khác

Đối với người Do Thái, họ rất thận trọng trong ngôn từ vì họ không muốn nhận xét người khác mà không suy nghĩ. Chính vì thế, họ rất nghiêm túc trong việc dạy con cái cần phải cẩn trọng với lời nói của mình. Những lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng vì vậy các bé không nên nhận xét linh tinh về người khác.

Tặng con “tình yêu đống lửa”

Trong khi các dân tộc khác trú trọng vào chỉ số IQ (chỉ số thông minh) thì người Do Thái lại quan tâm đến chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) và chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc). Chính vì thế, người Do Thái lại có công thức thành công vô cùng khác biệt. Với họ 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công. Từ công thức này, chúng ta có thể nhận thấy rằng đối với người dân nơi đây, chỉ số thông minh chỉ là yếu tố phụ quyết định thành công của một đứa trẻ.

Để tăng chỉ số AQ và EQ cho trẻ, cha mẹ Do Thái không bao bọc con mà dành cho con “tình yêu đống lửa”. Họ luôn tìm cách nhen nhóm, khích lệ để con phát huy khả năng chứ không phải cho con cảm giác bao bọc, che chở. Ở trường học, trẻ cũng được dạy cách nhận diện khó khăn, thử thách và cách vượt qua chúng. Thậm chí, trẻ con nhà quý tộc cũng không được phép giáo dục trong sung sướng. Chúng đặc biệt được giáo dục để vượt qua các tình huống khó khăn.