“Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?” là thắc mắc của không ít bà mẹ. Bởi lẽ hầu hết những phụ nữ đã từng sinh mổ sẽ tiếp tục phải thực hiện phương pháp này trong những lần sinh tiếp theo, vì vậy, việc tính toán khoảng cách an toàn giữa 2 lần sinh là rất cần thiết.
Trước vấn đề này, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo những phụ nữ đã mổ đẻ lần đầu chỉ nên mang thai lần tiếp theo sau 2 năm tính từ lúc sinh mổ lần đầu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp.
Tuy nhiên, có một số mẹ bầu do không chú ý trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai nên vô tình rơi vào trường hợp mang thai sau sinh mổ 1 năm. Trong trường hợp này, mẹ bầu phải thường xuyên đi khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa vì nguy cơ bục tử cung có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đồng thời, sản phụ phải theo dõi thai chặt chẽ, nhất là những tháng cuối.
Ngoài ra, các bạn cần đặc biệt thận trọng nếu có dấu hiệu của chuyển dạ sớm. Bên cạnh đó, sản phụ phải có chế độ ăn uống phù hợp để giảm thiểu nứt sẹo mổ cũ. Hãy nghỉ ngơi nhiều và cân nhắc lựa chọn sinh mổ khi thai được 37 tuần tuổi.
Rủi ro mẹ gặp phải nếu mang thai sớm sau lần sinh mổ đầu tiên
– Vết mổ bục ra
Phụ nữ sinh mổ cần có nhiều thời gian hơn so với sinh thường để cổ tử cung phục hồi lại trạng thái bình thường trước khi mang thai lần sau. Đặc biệt, khoảng thời gian dành cho việc phục hồi vết mổ trong tử cung rất dài. Nếu mang thai lần sau quá sớm, vết mổ bục ra là chuyện không thể tránh khỏi. Nguy cơ này tăng cao nếu lần mang thai tiếp theo cách thời gian sinh mổ 6 – 9 tháng.
Theo một kết quả được nghiên cứu quy mô tại Mỹ với gần 2.500 phụ nữ tham gia cho thấy những phụ nữ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, thì nguy cơ nứt sẹo mổ cũ cao gấp ba lần so với những phụ nữ mang thai lần 2 ở khoảng cách dài hơn.
– Nhau cài răng lược
Đây là hiện tượng nhau thai bám chặt vào thành tử cung, không bong tróc tự nhiên sau khi sinh khiến bác sĩ phải tìm cách bóc nhau thai. Nhau cài răng lược sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu khi đẻ và thường phải phẫu thuật cắt cả tử cung lấy thai để cầm máu.
– Nguy cơ thai bám vào vết sẹo
Một trong những nguy cơ khi vừa sinh mổ lại có thai tiếp là thai sẽ bám vào sẹo mổ lấy thai cũ. Điều này sẽ khiến mẹ bầu có nguy cơ chảy máu rất nhiều thậm chí có những bệnh nhân phải cắt cả tử cung để cầm máu trong những trường hợp này.
– Nguy cơ xuất huyết từ vết mổ
Khi mang thai lần 2, sự lớn lên của tử cung có thể khiến chỗ khâu bị rách, gây xuất huyết. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối.
Ngoài ra, thai phụ cũng đứng trước nguy cơ vết mổ bị nhiễm trùng, nhau tiền đạo, nhau bong non. Hơn thế nữa, quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng em bé đầu đã làm hao tổn sức lực cũng như tinh thần của người mẹ. Việc mang thai lần nữa sẽ khiến mẹ không đảm bảo sức khỏe để nuôi dưỡng thai nhi. Điều này chính là nguyên nhân gây sinh non, trẻ nhẹ cân, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất ở trẻ khi lớn lên.
Mang thai sau sinh mổ, mẹ cần lưu ý những gì?
Để thai kỳ lần 2 sau sinh mổ diễn ra an toàn, mẹ lưu ý:
– Thai phụ cần siêu âm kịp thời để chẩn đoán sức khỏe thai nhi cũng như xem tình trạng vết mổ cũ có đảm bảo an toàn cho lần mang thai kế tiếp.
– Mẹ bầu cần phải thông báo cho bác sĩ về vết mổ cũ như: thời gian mổ, lý do mổ, thời gian nằm viện, những tai biến của lần mổ trước, các tiền sử bệnh án liên quan đến vết mổ…
– Trong quá trình mang thai, mẹ cần chú ý xem vết mổ cũ có đau hay có dấu hiệu bất thường gì không. Khi có các dấu hiệu như đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất để được theo dõi.
– Sản phụ nên nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần lễ để làm các xét nghiệm tiền phẫu và đánh giá xem có cần mổ lại hay có thể sinh ngả âm đạo.
– Sản phụ phải có chế độ ăn uống phù hợp để giảm thiểu nứt sẹo mổ cũ.
– Bổ sung sắt đầy đủ để đảm bảo mẹ không bị thiếu máu trước và sau khi sinh.