Nếu bé bị rôm sảy, bạn có thể quan sát thấy những nốt ban xuất hiện trên những vùng da gấp hoặc một phần cơ thể bé (như cổ, ngực, bụng, bẹn). Nếu bé có thói quen đội mũ, những nốt rôm có thể xuất hiện theo đường vành mũ trên đầu.

Bé có thể mắc rôm sảy ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến vẫn là với các bé nhũ nhi.

Nguyên nhân

Đổ mồ hôi là cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể nhưng nếu đổ mồ hôi quá nhiều (cùng với bụi bẩn và chất cặn bã trên da), lỗ chân lông sẽ bị tắc, mồ hôi không thoát được ra bên ngoài và rôm sảy sẽ phát triển. Các bé thường có xu hướng mắc rôm sảy nhiều do lỗ chân lông nhỏ hơn người lớn.

Thời tiết nóng, ẩm cũng là nhân tố khiến bé dễ mắc rôm sảy; tuy nhiên, một số bé xuất hiện rôm sảy cả vào mùa đông hoặc khi thân nhiệt bé tăng cao do bị sốt. Thỉnh thoảng, bé bị ho cũng có thể xuất hiện những mảng rôm ở vùng cổ, do da bé bị chà xát vào cổ áo liên tục qua những cơn ho.

Đôi khi, rôm sảy là dấu hiệu cảnh báo bé đang quá ấm áp. Lúc này, bạn có thể nới lỏng quần áo cho bé được thoáng mát.

Chăm sóc

Rôm sảy thường không gây đau nhưng khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Với những bé bị rôm sảy, bạn nên lưu ý cách làm mát cơ thể cho bé: Nên nới lỏng và cởi bớt trang phục cho bé; sau đó, bạn đưa bé đến một khu vực mát mẻ hơn.

Có thể sử dụng những chiếc khăn cotton mềm để thấm hút mồ hôi cho bé nhưng tuyệt đối không chà xát khiến bé bị đau. Bạn cũng không nên tự ý dùng kem bôi lên vùng da bị rôm vì vùng da này sẽ bị bịt kín bởi kem ẩm nhưng bạn có thể sử dụng kem chuyên dụng, dành cho bé bị rôm.

Vào buổi tối, bạn có thể dùng điều hòa nhiệt độ hoặc quạt máy trong phòng ngủ cho bé. Bạn không nên đặt quạt trực tiếp hướng vào người bé mà nên để nó ở phía xa. Điều này khiến bé được mát mà không gây lạnh.

Nên cắt móng tay cho bé thường xuyên vì bé có thể gãi, cào những vùng da bị rôm do ngứa ngáy. Bạn cũng có thể dùng bao mỏng, đeo vào tay khi bé ngủ để tránh việc bé gây tổn thương lên vùng da bị rôm.

Cách ngăn ngừa

Giữ cho bé luôn mát mẻ bằng cách bạn cho bé mặc những loại trang phục mỏng, nhẹ, hút mồ hôi tốt, đặc biệt là trong mùa hè. Loại vải tự nhiên như cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt hơn vải nhân tạo. Bạn cũng nên tránh loại tã, quần đùi của bé bằng chất liệu plastic.

Bản thân người mẹ nên tránh loại vải thô, cứng, có thể kích thích lên da bé trong quá trình bế bé. Vào những ngày nóng, bạn nên để bé được tự do ngồi hoặc nằm chơi ở căn phòng mát, thay vì liên tục ôm ấp bé. Cũng nên cho bé bú mẹ đều đặn để tránh tình trạng mất nước, khiến da bé bị khô.

Kiểm tra nhiệt độ cho bé nếu bạn thấy thân nhiệt của bé cao. Nếu bé không bị sốt mà người bé có dấu hiệu nóng, nguyên nhân có thể do bạn ấm ủ bé quá chặt.

Dấu hiệu nên đi khám

Chứng rôm sảy ở bé phát triển trong vài ngày, mỗi ngày một nặng hơn hoặc bé có dấu hiệu sốt, bạn nên đưa bé đi khám.